Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Công nhân đi bán vé số

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chị Hồng (quận 7) là tạp vụ ở một công ty may mặc cũng đã đi bán vé số từ cuối năm 2008

Thất nghiệp, không ít công nhân chuyển sang nghề bán vé số. Ai nấy đều xác định công việc này chỉ là “chữa cháy” trong thời gian chờ việc mới nhưng người mới vào nghề cũng “lên bờ xuống ruộng” chẳng kém gì hành trình tìm việc…
Vé số đây
Hùng (Quảng Ngãi), làm nghề may tư nhân ở phường 15, quận Tân Bình nay cũng đã chuyển sang nghề bán vé số. Hùng phân trần: “Bây giờ đơn đặt hàng ở chợ cũng giảm, cả nửa tháng nay mà ông chủ chỉ nhận đơn đặt hàng có 3 triệu bạc, 5 thợ may chia nhau làm, tiền công mỗi đứa chỉ ngoài 200 ngàn thì lấy gì mà sống. Ngày đầu đi bán vé số, em lấy có 50 tờ mà bán không hết, nay thì đỡ hơn nhiều, thu nhập mỗi ngày cũng xấp xỉ 50 ngàn”.
Hồng Thanh (huyện Đông Hòa, Phú Yên) trở lại TP.HCM sớm hơn lịch làm việc sau tết của công ty là để mong xin được một chỗ làm ở công ty khác. Một tuần lễ đạp xe đi từ quận này sang quận khác để xin việc. Hàng chục bộ hồ sơ xin việc đã gửi nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Trở lại công ty cũ với hy vọng không thất nghiệp, mặc dù đồng lương quá bèo nhưng khi đến nơi thì hỡi ôi, công ty đã đóng cửa, phía trước treo bảng thông báo “Công ty tạm ngưng hoạt động”. Hết cách, Thanh xin theo mấy cô bác trong khu nhà trọ ở đường Tô Hiệu (quận Tân Phú) đi bán vé số. “Đêm đầu tiên đi bán về không tài nào ngủ được, chân em đau nhức rã rời. Nghĩ là sẽ không đi bán nữa nhưng nghỉ rồi lấy gì mà sống. Công ty nào cũng treo bảng thông báo cắt giảm lao động. Làm công nhân còn không xong thì làm được việc gì, học hành thì chẳng tới đâu” – Thanh giãi bày.
Ông Nguyễn Văn Tại, chủ nhà trọ ở phường Tân Thuận Đông, quận 7 cho biết: “Mấy đứa thuê phòng của tôi trước đây là công nhân ở Khu chế xuất Tân Thuận, công việc cũng tương đối ổn định. Ăn tết xong, hầu như đứa nào cũng chuyển nghề. Đứa nào to, khỏe thì xin một chân phụ hồ, có không ít đứa đi bán vé số”.
“Lên bờ xuống ruộng”
Đại lý vé số Thanh Bình (quận 9) kể từ những ngày đầu tháng 2-2009 số người đến lấy vé tăng gấp đôi so với năm ngoái. Bà Nguyễn Thị Dương, chủ đại lý này cho biết, người đi bán vé số phần lớn là công nhân ở Khu chế xuất Linh Trung (Thủ Đức) và số ít là công nhân may ở các xưởng may tư nhân. “Hoàn cảnh tụi nó đáng thương lắm, ngày đầu đến lấy vé số mà đâu có tiền trả. Có đứa năn nỉ tôi giữ giấy chứng minh nhân dân hoặc cà vẹt xe để thế chân” – bà Dương nói.
Tính đến nay, Thanh đã trải qua hơn 10 ngày với công việc mới nhưng số vụ “tai nạn” đến với Thanh thì cũng xấp xỉ số ngày. Thanh kể: “Ngày 14-2, em đang mời khách mua vé số ở một quán cà phê cóc trên đường Lê Thúc Hoạch (quận Tân Phú) thì có hai người phụ nữ lạ mặt (cũng bán vé số-NV) đến trợn mắt. Một người dùng cuốn tập giấy dò đánh vào mặt em và lớn tiếng: “Đây là đất của tao, khôn hồn thì biến”. Cũng may ông chủ quán thương tình can thiệp và nói em là cháu họ của ổng nên mới được tha”.
Bà Dương kể cho tôi nghe chuyện của một cô gái bán vé số bị “tai nạn” trên đường đi bán mà vẫn chưa nguôi bức xúc. Giọng bà Dương sang sảng nhưng không kém phần hài hước: “Khoảng 2 giờ chiều, con bé chạy về mếu máo với tôi: “Bác ơi con bị mất hết vé số rồi”. Sao mất? Bị giật. Bao nhiêu tờ? Dạ 100. Trông bộ dạng con bé tôi vừa giận vừa tức cười. Tôi biết con bé hết vốn rồi, không có khả năng trả nhưng vẫn ra sức động viên, an ủi ngày mai cứ đến lấy vé số bán rồi trả dần”.
Còn với Nguyễn Văn Mạnh, quê Hậu Giang (đã bị mất việc vào cuối năm 2008) bán vé số kiểu… tài tử lắm. Mạnh luôn mặc đồng phục của công ty cũ, bỏ áo trong quần đạp xe đi bán vé số. Sở dĩ phải làm thế vì không muốn người mình quen, nhất là anh, chị vợ sắp cưới biết mình đi làm nghề này. Nghề nào có tiền thì mình làm, ngại gì? Tôi nói. “Thấy sao sao đó, không phải xấu hổ mà thấy… kỳ kỳ. Em cũng chuẩn bị hồ sơ xin việc hết rồi, đợi có công ty nào tuyển lao động là nộp hồ sơ chứ bán vé số cực lắm mà thu nhập lại không ổn định” – Mạnh cho hay.
Trần Trọng Tri

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)