Ngày đi làm quần quật, tối đến họ còn phải đến các trung tâm giáo dục thường xuyên (TT GDTX) để “nuốt chữ” chỉ với một mong ước có được tấm bằng, thi vào các trường cao đẳng, đại học và tương lai sẽ rộng mở. Nhưng con đường “đổi đời nhờ con chữ” mà các bạn trẻ công nhân đang bước quả là gập ghềnh khi phải vừa học vừa kiếm tiền để “ nuôi sự nghiệp”.
Học trò quê ra phố
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, mới học hết lớp 9, chàng nông dân trẻ Vũ Ngọc Thanh (Nam Định) đã phải nghỉ học, xa gia đình đi kiếm sống. Vượt cả ngàn cây số vào Sài Gòn ở nhờ nhà bác để tìm việc kiếm tiền gởi về phụ gia đình và hơn hết là nuôi ước mơ được đến trường tiếp tục việc học. Sau nhiều tháng lân la xin việc, Thanh xin gia nhập vào đội quân phụ hồ cho các công trình, và giờ kiêm thêm cả việc sơn nước. Mỗi lần đi làm, đạp xe ngang qua các cổng trường, nhìn các bạn sinh viên xách cặp đến giảng đường, một viễn cảnh về tương lai tươi đẹp lại hiện lên trong đầu Thanh. Và với quyết tâm của mình, Vũ Ngọc Thanh đã mạnh dạn xin vào TT GDTX để tiếp tục đi học. Ngày đi làm, tối về lên lớp, ước mơ tốt nghiệp THPT của Thanh gần thành hiện thực khi cậu đã hoàn thành nửa học kỳ lớp 12.
Tương tự, vì điều kiện gia đình cô học trò Hoàng Thị Cẩm Nhung lên xe vào Sài Gòn, bỏ lại mảnh đất quê hương Tánh Linh (Bình Thuận) để kiếm việc làm và tiếp tục đi học. Vào đến Sài Gòn với hành trang bên mình là tấm bằng tốt nghiệp THCS cùng với mấy bộ áo quần và lặn lội đi xin việc. Cũng may mắn là Nhung được gia đình người quen ở quê cho ở nhờ nên không phải mất tiền trọ. Sau khi tìm được việc làm bán thời gian, được sự động viên của gia đình người quen, đồng nghiệp nơi làm, cô đăng ký vào lớp học ban đêm của TT GDTX quận 9. Dù nhiều lúc do công việc bận rộn buộc Nhung phải nghỉ học, nhưng vốn tính ham học nên chẳng mấy chốc Nhung đã vượt lên là học viên giỏi của trung tâm và giành được suất học bổng. Còn bạn Lê Văn Vũ (Đồng Nai) do một thời “ham vui” chơi nhiều hơn học, nên học hết lớp 9, cậu bỏ học lên Sài Gòn đi làm. Trải qua nhiều việc từ làm sắt, làm i-nốc, bây giờ may mắn khi xin được làm nhân viên tạp vụ của Trường MN Thanh Lịch (Long Bình, quận 9). “Mải làm công nhân, đi làm thuê cũng không thể thay đổi được cuộc sống, và vì tương lai gia đình mình sau này nên chỉ còn cách đi học thì mới mong có được tương lai tốt đẹp” – Vũ cho biết. Vậy là Vũ cũng mới đăng ký học năm nay, hiện đang là học viên lớp 10 của trung tâm.
Cố gắng “vượt dốc”
Trở về nhà sau một ngày lao động cực nhọc, đôi tay Thanh như muốn rã ra vì phải xách hàng trăm xô hồ, toàn thân ê ẩm, chỉ muốn ngủ một giấc cho lại sức. Nhưng vì “sự học”, Vũ Ngọc Thanh (12 C1) vội vàng tắm rửa, lót dạ bằng tô mì gói rồi đạp xe thẳng đến TT GDTX cho kịp giờ học, tối về đến nhà là chỉ biết “lăn ra giường như chết”. Có những khi do áp lực của công trình, phải về muộn Thanh chỉ kịp thay bộ đồ đầy sơn trên người, rồi chạy thẳng luôn đến lớp nghe giảng. Trên đường đi vừa đạp xe vừa nhai chiếc bánh mì mua ở lề đường nếu không muốn mang bụng đói đến lớp. Đó là chưa kể những lúc đi theo công trình ở xa, chiếc xe đạp cà tàng lại “sinh chứng” thủng xăm, đứt xích không thể đến lớp đúng giờ. Những lúc như thế, Thanh đành phải nghỉ tiết học đầu, lên lớp mượn vở bạn về chép lại rồi tự học. Thanh tâm sự: “Nhiều lúc mệt muốn đừ người, nhưng phải cố mà đến lớp. Vì không học sẽ bị mất bài và hổng kiến thức, sau này khó học. Vả lại chỉ có học thì sau này mới có cơ hội tìm được những công việc tốt”.
Với Cẩm Nhung (12 C1), cô thức giấc 4 giờ sáng để chong đèn “gạo” lại bài, rồi giặt đồ, dọn dẹp nhà cửa và đi đến công ty. Giờ nghỉ trưa, trong lúc đồng nghiệp “ngả lưng” hoặc “tụm ba tụm bảy tám” thì Nhung lại lôi trong giỏ ra cuốn sách giáo khoa lẩm bẩm. Khi công việc kết thúc, cô trở về nhà vội vàng tắm rửa rồi hối hả đến trường. Có lúc về muộn, không quá giang được xe bạn, cô đành lôi chiếc xe đạp ra, đến được lớp toàn thân cô ướt đẫm mồ hôi. Tối về nhà Nhung tranh thủ “giải quyết” ngay bài tập trong đêm, để sáng mai đi làm.
Còn bạn Lê Văn Vũ thì lúc nào trong giỏ đi làm của bạn cũng thủ sẵn cuốn tập và vài cuốn sách giáo khoa. Những lúc ở cơ quan rảnh việc là Vũ tranh thủ lôi tập ra giải bài toán, đọc trước bài văn. Hết giờ làm, Vũ đạp xe thẳng đến lớp. Đoạn đường hơn 5 cây số nhưng đi xe đạp để “tiết kiệm tiền” mua sách vở. Kết thúc buổi học, đạp xe về đến phòng trọ phải hơn 10 giờ, Vũ chỉ còn biết tắm giặt và lăn ra giường.
Một ngày của các bạn từ sáng đến khuya, không có thời gian cho việc đi dạo, giải trí cùng bạn bè, chỉ biết đến nơi làm và đến lớp học. Ngày qua ngày, Nhung, Thanh, Vũ vẫn nhọc nhằn “vượt dốc” để hướng đến tương lai.
Bài và ảnh: Nguyên Hải
Lúc nào trong cặp các bạn cũng có sẵn cuốn tập và cây viết, tranh thủ nhẩm bài ngay tại cơ quan những lúc nghỉ. Giờ nghỉ trưa, đồng nghiệp “ngả lưng” thì các bạn lại lôi bài ra học. |
Bình luận (0)