Sáng thức giấc đến công ty làm, chiều tối về mang bụng đói đến lớp, đến khuya người mệt đừ nhưng cũng phải cố lấy sách vở ra “gạo”. Ngày qua ngày, các bạn trẻ công nhân vẫn miệt mài phấn đấu cho tương lai của mình.
Gắng sức nuôi ước mơ
Đã hơn một năm nay bạn Hồ Như Phát vẫn đều đặn sáng đi làm ở Công ty Việt Nhật (Bình Thạnh), chiều tan ca về phòng trọ tắm sơ qua rồi lại chạy xuống TT GDTX Thủ Đức để học, về đến phòng nhìn đồng hồ lúc nào cũng đã hơn 10 giờ tối. “Nhiều lúc mệt đừ không muốn ăn, nhưng mình phải cố gắng “nuốt” tô cơm nguội lấy sức để thức học bài và sáng mai còn đến công ty”, Phát tâm sự. Tối học bài đến 12 giờ mới ngủ, 4 giờ sáng phải “bật dậy” ôn bài rồi chuẩn bị đến công ty cho một ngày làm việc mới, cường độ công việc lại cao nên hầu hết khi đến lớp học là các bạn cứ “rã” người ra. Và cảnh “ngủ gà ngủ gật” ngay trên lớp học cũng là đều dễ hiểu. Huỳnh Văn Tam – công nhân Công ty GMC (Bình Lợi – Bình Thạnh) cho biết: “Nhiều lúc mệt quá, lại đói nên đến lớp là mắt cứ “nhắm lại”, những lúc như thế tụi em xin thầy đi rửa mặt, uống ly nước cho tỉnh táo. Cũng may là thầy biết hoàn cảnh đi làm nên cũng “thông cảm” cho”. Tiền lương của Tam và Phát chỉ 1,5 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca thì được gần 2 triệu, tuy nhiên việc tăng ca đối với các bạn là không thể vì còn phải học. 1,5 triệu chi phí cho tiền trọ, tiền ăn, rồi tiền học phí, sách vở… nên nhiều lúc mới lãnh lương xong đã “trả nợ” hết. Phát nói: “Những năm trước còn có tiền gửi về quê cho gia đình, còn bây giờ tiền để phòng thân lúc ốm đau cũng không có nói chi đến chuyện gửi về”.
Còn bạn Trần Nhì Múi – thông dịch viên tiếng Hoa Công ty Hương Khang (KCN Bình Dương) đang học lớp 11C1 kể về nỗi lo lắng của mình khi đi học buổi tối: “Nhiều đêm về khuya, dù đoạn đường từ trường về phòng trọ không xa, nhưng là con gái nên em cũng thấy sợ. Để an tâm em phải chọn con đường ngắn, nhiều người dân qua lại để đi”. Là chị hai trong nhà, ngoài việc “lo cho mình”, Múi còn phải gửi tiền về quê (Long Khánh – Đồng Nai) phụ ba mẹ nuôi 4 đứa em đang học phổ thông nên tiền để “phòng thân” cũng không có, không may đau ốm phải nằm viện thì không biết phải thế nào. Khi hỏi về vấn đề này, bạn ngại ngùng: “Trước mắt cố gắng đến lớp học đã, khi nào đau ốm thì hay chứ giờ biết làm sao hả anh?”.
Còn bạn Hồng Thị Thoa (21 tuổi) – công nhân giày da (KCN Linh Trung – Thủ Đức) đang là học viên của TT GDTX Thủ Đức (lớp 11 C2) thường xuyên phải mượn vở bạn chép lại vì đến trễ 10 phút. 5 giờ 30 mới tan ca, Thoa đạp xe thẳng đến trường dù không kịp ghé phòng trọ ở cầu vượt Linh Xuân (Thủ Đức) để thay quần áo nhưng việc trễ giờ học của cô công nhân giày da không còn là chuyện lạ đối với các bạn trong lớp và giáo viên. Thoa tâm sự: “Không chỉ vậy, nhiều lúc mình vừa mệt vừa đói nên học cũng không vô”.
Và hiện thực sắp đến
Khó khăn là thế, nhưng quyết tâm được đến lớp để “kiếm cái chữ” của cô gái trẻ quê Hải Dương vẫn không hề nao núng, bởi Thoa hiểu được chỉ có việc học mới giúp cô hoàn thành được ước nguyện của mình là có cái bằng phổ thông và hơn hết thoát cái cảnh phải làm quần quật, tăng ca liên tục cũng không đủ tiền trang trải cho cuộc sống. Thoa nói: “Nghe nhiều người nói mới tốt nghiệp lớp 9 thì rất khó xin được việc, và có xin được việc cũng làm rất vất vả nhưng lương thì chẳng đáng bao nhiêu, khiến em rất tự ti. Nhiều lúc rất mặc cảm với mọi người trong lúc nói chuyện. Nhưng bây giờ em đã thấy mình tự tin hơn vì được thầy cô trong lớp giúp đỡ rất nhiều”.
Riêng với bạn Trần Nhì Múi, dù đang là thông dịch viên tiếng Hoa (người Hoa, được học tiếng Hoa ngay từ nhỏ) cho công ty rất tốt nhưng chưa có bằng THPT nên nhiều lúc Múi cảm thấy không tự tin vào bản thân. Từ lúc vừa đi làm vừa đi học, dù mệt nhưng cảm thấy vui và tự tin hơn, nhờ vậy cô mạnh dạn chủ động giao tiếp với nhiều anh chị trong cơ quan. Múi khoe: “Biết được việc em đi học ban đêm, ông sếp không những không làm khó trong giờ giấc mà còn động viên em cố gắng học. Múi học rất giỏi, giành được học bổng và hiện đang là ủy viên BCH Đoàn trường. Và hi vọng rằng, sau một năm nữa khi tốt nghiệp ở trường, em có thể thi đậu vào ngành quản trị kinh doanh mà em hằng mơ ước.
Dù đã tốt nghiệp THCS và thi đậu vào Trường chuyên THPT Tân Phú (Đồng Nai), nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên Bùi Thị Nhật Minh đã quyết định lên Sài Gòn tìm việc làm. Ngày các bạn ở quê nhập học thì Minh đã là nhân viên phục vụ quán cơm bình dân (Thanh Thảo – Thủ Đức). Gần một năm làm quán cơm, Minh may mắn khi được một người quen ở quê xin cho vào làm nhân viên tạp vụ văn phòng ở một công ty tư nhân (KCN Sóng Thần). Nhưng để được trở thành nhân viên kế toán như các anh chị trong công ty mà mình mơ ước, trước hết Minh phải có được tấm bằng THPT, và thi vào trường trung cấp nào đó có ngành kế toán, vậy là Minh đã đến với TT GDTX quận 9. Con đường từ phòng trọ đến công ty, rồi từ công ty đến trường, cả đi và về cũng gần 10 km nhưng rất ít khi Minh nghỉ học. Minh tâm sự: “Mình còn trẻ, phải tranh thủ học để sau này đỡ vất vả và có cơ hội tìm được một công việc tốt hơn”. Và ước nguyện ấy của Minh sắp thành hiện thực khi cô đã hoàn thành được gần 1/2 chương trình lớp 12.
Đối với những bạn như Phát, Tam, Múi, … thì ước mơ có được tấm bằng TN THPT luôn hiện hữu, và ước mơ chính đáng đó của các bạn đang dần trở thành hiện thực khi chặng đường trước mặt không còn xa.
Bài, ảnh: Nguyên Hải
TT GDTX Thủ Đức có khoảng 300 – 400 là học viên đêm học ngày làm. TT cũng thường xuyên vận động học bổng để trao cho các em có hoàn cảnh khó khăn, năm học vừa qua có 32 suất học bổng (trong đó 5 suất của Hội Khuyến học quận). Đồng thời Chi đoàn đang vận động nhiều suất học bổng cho các học viên là công nhân khó khăn. |
Bình luận (0)