Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Công nhận GS, PGS: Nhiều tiêu chuẩn không cần thiết

Tạp Chí Giáo Dục

Yêu cầu "giao tiếp được bằng tiếng Anh" là không cần thiết; đòi hỏi GS, PGS hướng dẫn được bao nhiêu thạc sĩ, nghiên cứu sinh sẽ góp phần "loại bỏ" những trường hợp có thành tựu nghiên cứu khoa học xứng đáng.

Theo GS Hoàng Tuỵ, đây là những bất cập trong quy định mới về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm GS, PGS.
"Giao tiếp được bằng tiếng Anh": Không cần thiết!
GS Hoàng Tuỵ trong buổi làm việc  tại Viện Toán học. Ảnh: Lê Anh Dũng

Xin được trở lại với quy định mới. GS có nói rằng không chỉ quy trình bổ nhiệm chưa hợp lý mà tiêu chuẩn công nhận GS, PGS cũng còn bất cập?

– Đúng vậy! Tôi thấy nhiều tiêu chí chẳng cần thiết. Ví dụ, tiêu chuẩn "sử dụng thành thạo một ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn và giao tiếp được bằng tiếng Anh".
Hay đòi hỏi PGS phải hướng dẫn chính ít nhất 2 học viên cao học hoặc hướng dẫn 1 nghiên cứu sinh; chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học.
Còn GS thì sao? Phải "hướng dẫn chính ít nhất 2 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ", rồi "chủ trì ít nhất một đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ hoặc đề tài cấp cao hơn".
Thưa GS, đòi hỏi về tiếng Anh là chỉ cần giao tiếp được?
– Tôi thấy thừa thãi là vì thế này: Nếu anh đã thành thạo tiếng Anh trong chuyên môn thì đương nhiên quy định "giao tiếp được bằng tiếng Anh" là thừa.
Ví dụ về ngành toán, việc công bố kết quả nghiên cứu khoa học ra nước ngoài chỉ thực hiện bằng Tiếng Anh. Nếu hồ sơ của anh có nhiều bài nghiên cứu công bố quốc tế thì cũng đủ đạt tất cả yêu cầu này rồi.  Biết Tiếng Anh thông thường không thể viết được bài nghiên cứu khoa học, bởi nó có quy cách riêng.
Về mặt khoa học, có nhiều người nghiên cứu không cần phải biết tiếng Anh ở mức "giao tiếp được". Như cụ Cao Xuân Nguyên, là GS triết học, nghiên cứu về đạo Lão, tiếng Pháp rất giỏi, chữ Hán rất giỏi, nhưng tôi tin cụ không biết tiếng Anh. Nếu theo quy định này thì chắc cụ cũng không được GS.
Quy định này cụ thể quá, không bao gồm nhiều trường hợp cần thiết.
Có thể hiểu là thế hệ những người không thạo tiếng Anh cũng đều đã được công nhận GS, PGS cả rồi. Hoặc, trường hợp đã thành thạo 1 ngoại ngữ khác đủ trình độ GS, thì theo học một khoá tiếng Anh để giao tiếp được đâu có quá khó?
– Như tôi đã nói, thành thạo tiếng Anh cho chuyên môn thì yêu cầu "giao tiếp được" là thừa. Còn thành thạo ngoại ngữ khác, yêu cầu "có tiếng Anh giao tiếp" liệu phục vụ gì được cho chuyên môn?
Quy định này nhằm vào một số đông nào đấy thì cũng được, nhưng sẽ loại trừ một số trường hợp xứng đáng khác.
Còn cơ sở đào tạo yêu cầu trình độ tiếng Anh thì họ sẽ xét.
Có học trò mới là GS hay có GS rồi mới có học trò?
Thưa GS, còn quy định GS, PGS phải hướng dẫn thạc sĩ, nghiên cứu sinh thì bất cập ở đâu?  
– Có những trường hợp chưa hướng dẫn ai cả nhưng thành tựu nghiên cứu khoa học thì rất nhiều. Nếu theo tiêu chuẩn này, những người như anh Ngô Bảo Châu cũng không đủ tiêu chuẩn.
Giải thích lý do này trong 1 lần trả lời phỏng vấn, GS Đỗ Trần Cát khi đó còn là Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh GS Nhà nước có nói: "GS phải đứng đầu một hướng nghiên cứu". Điều này có nghĩa là  để được là GS, PGS, anh phải có học trò là điều đương nhiên…
– Công nhận GS, PGS nghĩa là giao nhiệm vụ cho người đủ tiêu chuẩn khoa học để tham gia công tác đào tạo ở trường ĐH. Khi đó, anh sẽ có học trò, chứ không phải đòi hỏi ngược lại: có học trò rồi, anh mới đủ điều kiện làm GS.
Điều tôi muốn nói ở đây là, chính vì quy định "phải hướng dẫn nghiên cứu sinh, thạc sĩ" nên vừa qua, người ta cứ tìm mọi cách để có học trò, hướng dẫn tào lao lung tung để tính điểm làm hồ sơ. Việc hướng dẫn tào lao lung tung để lấy điểm mới tai hại.
Cũng như yêu cầu phải chủ trì đề tài cấp này cấp nọ. Trong giới khoa học, chúng tôi biết rất rõ các hiện tượng "chạy đề tài". Quy định "phải làm chủ đề tài" khác nào khuyến khích việc "chạy" này.
Làm chủ nhiệm đề tài hay hướng dẫn học trò, điều đó sẽ thể hiện trong các công trình khoa học.
Tôi còn thấy vô lý ở chỗ đã cho điểm "công trình khoa học" rồi lại cho điểm cả việc làm "chủ nhiệm đề tài".
Thưa GS, đòi hỏi theo chuẩn mực tiên tiến, trong khi điều kiện kinh tế xã hội Việt Nam có khác; các trường ĐH hiện nay đang thiếu đội ngũ GS, PGS để bổ sung cho đội ngũ giảng viên…
– Tôi chỉ nói một cái đơn giản như thế này, nếu nói "mở trường phái nghiên cứu", ra nước ngoài, khi cử người đi họp, ta phải có đại diện tham gia được. Chúng ta sống trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Nếu không đòi hỏi theo chuẩn mực quốc tế thì cạnh tranh bằng cái gì?
Sai lầm cơ bản của ta khi đưa ra các tiêu chí là bất chấp các chuẩn mực quốc tế.
Thưa GS, lương GS của VN mới 200 USD trong khi GS nước ngoài lương 3000 – 4000 USD mà đòi hỏi GS VN cũng phải theo chuẩn mực quốc tế thì có thỏa đáng?
– Câu hỏi này, Nhà nước phải trả lời. Nhà nước muốn nâng cao khả năng cạnh tranh thì phải biết cần phải làm gì.
Tôi thấy, một trong những nguyên nhân khiến ĐH Việt Nam chưa so được với ĐH Thái Lan là vì ta trả lương không đủ cho người ta sống.
Trong một dịp gặp Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, tôi có nói rằng, bây giờ, việc cải cách tiền lương triển khai toàn xã hội sẽ khó thì giáo dục làm trước đi. Cộng ngân sách nhà nước, tiền thu học phí và các khoản vay, coi như tổng số thu. Rồi tính toán bảo đảm mỗi giáo viên và quan chức có lương hợp lý. Lúc đó, xem thiếu bao nhiêu thì mới xin Nhà nước.
Có những thứ làm sai từ đầu, mọi tiêu cực theo đó mà phát sinh. Không phải giải quyết chuyện "sống được bằng lương" xong là mọi tiêu cực, bất cập sẽ hết; mà còn đi kèm nhiều giải pháp khác.
Nhưng không giải quyết bất cập về lương thì sẽ còn tiếp tục phát sinh nhiều sai trái.
– Xin cảm ơn GS.
Hạ Anh (thực hiện)

Theo Vietnamnet

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)