Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Công nhân hồi hộp chờ lương thưởng

Tạp Chí Giáo Dục

Những ngày này, hàng trăm ngàn công nhân viên của các đơn vị, doanh nghiệp cũng như 260.000 người đang làm việc tại các KCX-KCN TP.HCM đang hồi hộp chờ lương thưởng cuối năm.

Tính từng ngày
Chiều 15/12, chúng tôi làm quen với một nhóm công nhân (CN) đang đợi nhận lương tháng cuối cùng của năm 2009 tại Công ty Nissei Electric VN (KCX Linh Trung). Chị Trần Thị Hạnh cho biết: "Chúng tôi tính từng ngày, tiền thưởng tối thiểu được một tháng thu nhập, ngoài ra, công ty còn hỗ trợ một số khoản khác, có lẽ từ 300.000đ – 400.000đ/người". Chị Hạnh đưa chúng tôi xem tờ biên nhận tổng thu nhập của chị gần 1,6 triệu đ/tháng, điều đó đồng nghĩa tiền thưởng dao động trong vòng 1,6 triệu đồng, cộng thêm tiền trợ cấp tàu xe về quê. Hạnh bảo: "Hy vọng năm nay công ty sẽ thưởng cao hơn một chút vì đơn hàng nhiều, không thiếu việc như năm ngoái".
Chị Lê Thị Quý Sửu (29 tuổi) CN công ty P.K.S chuyên may balô, túi xách (KCX Linh Trung) lại đặt nhiều hy vọng vào tiền thưởng Tết, bởi năm ngoái, chị và hàng trăm CN khác chỉ nhận được 100.000đ – 300.000đ "hỗ trợ ăn Tết". Chị Sửu làm việc tại công ty đã bảy năm, năm nay đơn hàng nhiều, tăng ca liên tục; CN tăng ca đủ bảy ngày vẫn không kịp chạy đơn hàng.
Nữ công nhân ngành dệt may mong đợi tiền thưởng Tết từng ngày
Một chuyên gia nguồn nhân lực TP.HCM, dự báo: "Nhóm ngành có mức thưởng cao năm nay sẽ là ngành tài chính ngân hàng; tiếp đó là ngành bất động sản, nhưng những DN này sử dụng ít LĐ. Phần đông CN làm việc tại các DN dệt may, da giày, chế biến vẫn đang phập phồng chờ mức thưởng, dự kiến thấp nhất bằng năm ngoái, tức là tiền thưởng năm nay thấp nếu tính theo chỉ số tăng của giá tiêu dùng".
Ông Củ Phát Nghiệp – Chủ tịch công đoàn Công ty Pouyuen (Q.Bình Tân) chia sẻ: "DN nên sớm công bố mức thưởng cho CN để họ yên tâm làm việc. Đây chính là bí quyết giữ người của công ty. Pouyuen hiện có 60.000 CN; lượng hàng sản xuất trung bình 4,5 – 5 triệu đôi giày/tháng. Mức thưởng Tết đã được công bố từ tháng 11/2009, cụ thể như sau: LĐ làm việc từ một – ba năm  sẽ được thưởng một tháng lương; ba – năm  năm thưởng 1,24 tháng; năm – bảy năm thưởng 1,5 tháng; từ bảy – mười năm thưởng 1,7 tháng lương; trên 10 năm là 200% lương tháng".
Ông Nguyễn Thanh An – Chủ tịch công đoàn Công ty Việt Nam Samho (100% vốn Hàn Quốc chuyên sản xuất giày) cho biết: "Công ty mới bắt đầu khôi phục đơn hàng từ đầu tháng bảy nên vẫn còn nhiều khó khăn. Thời gian qua, CN tự nghỉ rất nhiều, trước đây là 7.500 người,  nhưng nay chỉ còn một nửa. Tình hình sản xuất không lạc quan hơn năm ngoái nên mức lương thưởng Tết chỉ bằng năm ngoái, tức một tháng lương, đã là một nỗ lực rất lớn của công ty. Tuy nhiên, "thưởng bằng" như vậy cũng có nghĩa là giảm".
Hy vọng vào tết âm lịch
Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã gửi công văn yêu cầu các DN trên địa bàn TP.HCM báo cáo tiền lương năm 2009 và kế hoạch thưởng Tết năm 2010 trước ngày 25/12/2009. Theo đó, các DN phải thông tin đầy đủ kế hoạch trả lương – thưởng trong dịp Tết Dương lịch và Tết Âm lịch năm 2010 để NLĐ biết mức lương, thưởng, thời điểm chi trả. Đồng thời, DN phải đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn theo kế hoạch; không để xảy ra tình trạng nợ lương, nợ thưởng của NLĐ.
Tại Q.Gò Vấp, theo đánh giá của đoàn khảo sát liên ngành trên 218 đơn vị có tổ chức công đoàn, hoạt động kinh doanh của các đơn vị tốt dần trong những tháng cuối năm. Dự báo, tất cả các DN đều có tiền thưởng cho CN, bằng một tháng lương tối thiểu. Bên cạnh đó, công đoàn  còn có nhiều chính sách hỗ trợ cho CN nghèo đón Tết, hỗ trợ tiền tàu xe cho CN nhiều năm chưa về quê.
Tại Q.Bình Tân – nơi tập trung hàng chục ngàn CN ngành dệt may, giày da, một trong những "điểm nóng" về tranh chấp LĐ xuất phát từ vấn đề lương thưởng, năm nay có 17 DN đang nằm trong sự kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng do có nguy cơ vi phạm về chế độ lương thưởng. Số còn lại (trên 104 DN), đảm bảo có "lương tháng 13" cho NLĐ. Dự kiến mức thưởng Tết cao nhất ở khu vực quận này khoảng 50 triệu đồng/người, thấp nhất 1,2 triệu đồng/ người. Đa số các DN đều lấy tổng thu nhập của NLĐ chia ra số thời gian làm việc trong năm để có mức thưởng Tết phù hợp.
Các nhà quản lý đều nhìn nhận: Tiền thưởng chính là lời cảm ơn của DN đến CN, như là yếu tố "kích cầu", không cào bằng, chung chung. Việc tạo dựng hình ảnh, thương hiệu không có gì tốt hơn bằng chính hình ảnh của nhân viên. Khi đời sống NLĐ được đảm bảo, được tưởng thưởng xứng đáng, họ rất tự tin và tập trung làm việc, không bị phân tán bởi chuyện cơm áo gạo tiền, không bị cám dỗ hay bị lung lay bởi những tác động bên ngoài. Những bài học về nghiệp vụ, đạo đức kinh doanh, hình ảnh DN sẽ trở nên vô nghĩa khi chính NLĐ không thấy ý nghĩa thật sự trong LĐ thông qua những giá trị vật chất cụ thể mà họ được chăm lo, vun đắp.
Bà Nguyễn Thị Dân (Trưởng phòng LĐ-Tiền lương-Tiền công- Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) nhận định: "Đối với những ngành nghề sử dụng nhiều CN như xây dựng, dệt may, gia công xuất khẩu… thường xảy ra tình trạng chậm phát lương cho NLĐ, nhất là vào thời điểm cuối năm. Các DN cần phải lên kế hoạch chi trả tiền lương – tiền thưởng cho NLĐ để tránh tình trạng chậm chi trả lương, nợ lương. Và quan trọng là sẽ giữ được NLĐ gắn bó lâu dài với DN, tránh tình trạng thiếu hụt nhân lực sau Tết. Đối với các DN có chủ bỏ trốn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận – huyện chủ động chỉ đạo các cơ quan có liên quan nhanh chóng kiểm tra tình hình thực tế, lập danh sách NLĐ bị nợ lương để phối hợp với các sở, ngành thành phố tìm biện pháp giải quyết, hỗ trợ kịp thời".
Nguyễn Bay – Uyên Phương/Phụ Nữ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)