Nhận thấy lợi ích thiết thực từ những bài thể dục giữa giờ nên một số doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM đã đồng loạt cho công nhân tập thể dục giữa giờ giống như thời đi học.
Công nhân Công ty TNHH Đại Quang Maika hào hứng trong bài tập thể dục giữa giờ làm việc. Ảnh: Hoài Thương
Vừa khỏe, vừa vui
Đi đầu trong phong trào này là Công ty TNHH Nobland Việt Nam (KCN Tân Thới Hiệp, đường HT 13, quận 12). Từ năm 2017 đến nay, mỗi ngày hàng ngàn công nhân tại tất cả phân xưởng may đều hứng thú cùng nhau tập thể dục trên nền nhạc sôi động với sự hướng dẫn của các trưởng nhóm. Theo cán bộ công đoàn Hoàng Ngọc Thảo, việc tập thể dục giữa giờ được thực hiện tại 4 xưởng vào lúc 14 giờ 30 mỗi ngày. Hoạt động hữu ích này được khởi xướng sau khi tham gia chương trình Better Work (chương trình hợp tác toàn cầu của Tổ chức Lao động quốc tế – ILO). Cùng thời điểm đó, nhiều công ty may mặc ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai sau khi tham gia Better Work đều thực hiện những bài tập giữa giờ nhằm giúp công nhân thư giãn sau những giờ lao động căng thẳng. Theo cảm nhận của chị Nguyễn Thị Lan (công nhân Công ty Nobland Việt Nam): “Do đặc thù của ngành may là phải tập trung vào chi tiết sản phẩm, khi làm việc phải ngồi nhiều nên dễ bị cứng cơ, mỏi mắt, tê chân tay… Do đó khi đang làm mệt mà được tập thể dục trên nền nhạc sôi động trong người cảm thấy khỏe khoắn và thoải mái hơn rất nhiều”.
Đúng 9 giờ sáng, khi tiếng loa thông báo đến giờ tập thể dục và tiếng nhạc vang lên, tất cả nhân viên văn phòng, chuyên gia người nước ngoài và công nhân đều ngưng làm việc, hào hứng đến với bài tập thể dục giữa giờ. Trên nền nhạc sôi động, họ vừa thực hiện những động tác khỏe khoắn và nở những nụ cười vui tươi… Đó là những cảnh tượng đặc biệt đang diễn ra đều đặn hàng ngày tại Công ty TNHH Đại Quang Maika, quận Bình Tân, TP.HCM. Sau bài tập thể dục giữa giờ kéo dài 20 phút với những động tác vận động tay, chân, vai, gáy… chị Trần Thị Thu Thủy (SN 1974, quê Nam Định, công nhân phụ trách khâu kiểm hàng đã hơn 10 năm) cười tươi chia sẻ: “Do đặc thù công việc phải đứng nhiều, nên trước đó tôi thường gặp một số vấn đề về sức khỏe như đau nhức xương khớp, tê mỏi chân. Nhiều lúc đang trong giờ làm việc tôi phải thường xuyên thay đổi tư thế đứng, hoặc thực hiện các động tác đá chân nhẹ nhàng tại chỗ. Đến nay, mỗi buổi sáng chúng tôi đều được cùng nhau tập thể dục, thật sự rất vui. Việc tập thể dục đều đặn nên các triệu chứng đau, nhức mỏi đã giảm rất nhiều…”.
Không chỉ chị Thủy, chị Nguyễn Thị Nới (SN 1977, quê Bến Tre, làm việc ở bộ phận may từ năm 2003) cũng cho biết, làm ở bộ phận may nên chị phải ngồi nhiều nên thường bị đau lưng, mỏi tay, chân, vai, gáy. “Từ ngày tập thể dục, được vận động, tôi cảm thấy người khỏe hơn, không còn đau nhức. Đặc biệt, bình thường mọi người chú tâm làm việc nên khá căng thẳng, khi đến giờ tập thể dục mọi người vừa có cơ hội được nghỉ ngơi, được cười đùa gần gũi hơn. Dù chỉ kéo dài 20 phút nhưng sau đó mọi người đều thoải mái tinh thần, vui vẻ trở lại với công việc của mình” – chị nói!
Chị Hoài Vọng Thy Nguyệt – Chủ tịch Công đoàn Công ty Đại Quang Maika, cho biết, công việc của hầu hết công nhân tại công ty đều phải đứng hoặc ngồi nhiều, công nhân mắc phải nhiều bệnh nghề nghiệp làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, công việc. Vì vậy, từ đầu năm 2018 công đoàn đã phát động và mời giáo viên thể dục thể thao về trực tiếp dạy từng động tác cho công nhân. Theo đó, lựa chọn những động tác phù hợp giúp công nhân thư giãn, tinh thần sảng khoái và tăng cường sức khỏe hơn. Tại Công ty TNHH May thêu Hà Giang (quận Gò Vấp, TP.HCM) phong trào trên được toàn thể công nhân, nhân viên hưởng ứng vào lúc 12 giờ 30 mỗi ngày để khởi đầu cho một buổi chiều làm việc với đầy năng lượng tích cực. Chị C.N.T.T (51 tuổi, quê Bắc Giang) làm việc hơn 20 năm tại công ty cho hay, với công việc là kiểm hàng may tay Kimono, thời gian chị ngồi rất nhiều nên việc sức khỏe có nhiều bệnh không phải lạ. Tuy nhiên, chị cho biết khi công ty đưa chương trình tập thể dục nhằm tăng cường sức khỏe, tất cả mọi người trong công ty đều rất vui mừng.
Đẩy lùi bệnh nghề nghiệp, tăng năng suất lao động
Cũng là một trong số đơn vị thực hiện rất tốt chỉ đạo của Ban Nữ công Liên đoàn Lao động thành phố về vận động doanh nghiệp, công đoàn cơ sở tổ chức cho công nhân lao động tập thể dục giữa giờ, Ban Nữ công Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp đã thực hiện thí điểm tại một số công ty dệt may. Sau một năm triển khai, đến nay đã có 18 công đoàn cơ sở hưởng ứng với hơn 37.000 công nhân tham gia. Theo bà Trần Thị Bích Thuận (Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp): “Chương trình tập thể dục giữa giờ với các động tác tập đơn giản dễ thực hiện được thể hiện trên nền nhạc với khẩu hiệu “sức khỏe tốt, năng suất cao” đã giúp anh chị em công nhân thư giãn, giảm được phần nào bệnh nghề nghiệp và tạo thêm động lực, tinh thần trong thời gian làm việc, góp phần tăng năng suất lao động mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp”. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Đô (Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TP.HCM) cho biết, pháp luật đã có các điều khoản quy định về nghỉ giữa giờ của người lao động, giúp anh chị em vận động, tái tạo sức lao động, tâm lý thoải mái. Tùy vào tình hình sản xuất, mỗi doanh nghiệp sẽ có những cách áp dụng khác nhau và rất cần được khuyến khích.
Đánh giá cao những phong trào tập thể dục trên, BS Nguyễn Tấn Lãm – Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết: Đối với công nhân, nhân viên văn phòng, do đặc thù công việc phải ngồi hoặc đứng nhiều, ít vận động, ít thay đổi tư thế nên có nhiều nguy cơ bị các bệnh đau xương, thoái hóa các dạng xương khớp sớm như thoái hóa đốt sống cổ, thoái hóa xương sống, thoát vị đĩa đệm… Do đó, những bài tập thể dục với động tác phù hợp sẽ giúp công nhân, nhân viên có điều kiện được thay đổi tư thế liên tục, được vận động phù hợp. Từ đó sẽ phòng tránh và đẩy lùi được các bệnh trên.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây đã đưa ra cảnh báo có hơn 1,4 tỷ người trưởng thành đang đặt mình vào nguy cơ cao của nhiều bệnh lý nguy hiểm do thiếu các hoạt động thể chất, gây ra các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, đái tháo đường, mất trí nhớ… và có tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần cũng như chất lượng cuộc sống. Để hạn chế các bệnh lý không lây nhiễm gia tăng, WHO khuyến cáo mỗi người trưởng thành nên tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần với các hoạt động vừa sức (như đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe nhẹ nhàng) hoặc 75 phút mỗi tuần với hoạt động cường độ mạnh (chạy bộ hoặc thể thao đồng đội). |
Tại buổi lễ khai mạc Tuần phim Y tế Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 64 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955/ 27-2-2019), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế đã bắt đầu khởi động chương trình tập thể dục ngay tại công sở. Và buổi tập thể dục cùng với các đại biểu của ngành tại lễ khai mạc không phải là lần đầu nữ Bộ trưởng đề xuất tập thể dục giữa giờ, vì từ đầu năm 2019 đến nay, tại tất cả các cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tham gia, bà đều khuyến khích và đích thân cùng các đại biểu, cán bộ tham dự họp tập thể dục giữa giờ hoặc cuối giờ làm việc. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, tập thể dục giữa giờ giúp thay đổi tư thế, đỡ mệt mỏi, tăng năng suất lao động và góp phần cải thiện sức khỏe. Bài tập thể dục này cũng được trình diễn tại lễ phát động chương trình Sức khỏe Việt Nam vào sáng nay (ngày 27-2), nhằm kêu gọi người dân giữ gìn sức khỏe thông qua các biện pháp như giảm rượu bia, không hút thuốc lá, tăng cường tập thể dục, đi 10.000 bước chân mỗi ngày, giảm ăn muối và đường, ăn nhiều rau xanh và trái cây để tăng cường sức khỏe, phòng chống bệnh tật.
Với chương trình Sức khỏe Việt Nam, Bộ Y tế kêu gọi cán bộ ngành y tế cũng như tất cả các ngành và người dân tăng cường tập thể dục, chơi thể thao, rèn luyện sức khỏe, trước mắt là bài tập thể dục đơn giản này. Được biết việc tập thể dục giữa giờ sẽ được thực hiện tại những buổi giao ban do chính các cơ quan bộ, văn phòng trung tâm y tế và văn phòng sở thực hiện. Sau đó mô hình này sẽ được triển khai rộng khắp đến các tỉnh thành trong cả nước.
Hoài Thương – Bích Vân
Bình luận (0)