Công Ninh (phải) trong vở kịch Cha yêu |
Gặp Công Ninh ở Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, tôi hỏi: “Phải gọi anh như thế nào cho đúng đây, đạo diễn, diễn viên hay thầy giáo?”. Công Ninh cười: “Gọi như thế nào cũng đúng cả vì cả ba vai trò tôi đều… yêu quý như nhau”.
Hết mình vì nghệ thuật
Chính vì niềm đam mê nghệ thuật mà năm 1979, Công Ninh đã giấu ba mẹ thi vào khoa Diễn viên – Trường Nghệ thuật Sân khấu II. Năm 1984, Công Ninh được một suất học bổng sang Nga học đạo diễn ở Trường Đại học Điện ảnh Leningrat. Là một người ham học hỏi, anh đã tận dụng khoảng thời gian quý giá này để tìm tòi, khám phá những cái hay, cái mới về nghệ thuật của nhiều nước trên thế giới. Tất cả những gì học được, anh áp dụng khi đưa vào dàn dựng bài tốt nghiệp Êlêna thân yêu được thầy cô, bạn bè ở Nga đánh giá rất cao. Trở về nước năm 1990, anh lại bắt tay vào dàn dựng tiếp vở Gái giang hồ quốc tế với sự tham gia của Minh Trang, Hồng Vân, Hồng Đào, Thành Lộc… được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Tính đến nay, anh đã dàn dựng trên 100 kịch bản cho các sân khấu kịch và truyền hình. Đặc biệt nhất là vở Dạ cổ Hoài Lang mà mức độ thành công của nó không chỉ tạo được tiếng vang trong nước mà cả nước ngoài. Vở đã “đứng” được hơn 10 năm với trên 500 suất diễn mà mỗi khi nói đến đạo diễn Công Ninh, nói đến sân khấu 5B là khán giả nhắc ngay đến vở diễn này. Thật ra, trước khi trở thành đạo diễn, Công Ninh cũng đã có một số vai diễn khá ấn tượng trên sân khấu kịch như Quan thanh tra, Chàng Mara tội nghiệp… Thế rồi sau đó, nghề đạo diễn đã hút anh nhiều hơn. Nhưng thật bất ngờ, Công Ninh lại rất có duyên với điện ảnh. Kể từ lần đầu tiên xuất hiện trong phim Đời hát rong của đạo diễn Châu Huế, anh đã trở thành một gương mặt quen thuộc của màn bạc qua nhiều vai diễn Tấn (Ai xuôi vạn lý), Minh (Mẹ con Đậu Đũa), anh thương binh (Đời cát), Nguyễn Đình Chiểu (Người học trò đất Gia Định xưa), thương binh Dũng (Blouse trắng), Nguyễn Bình (Dưới cờ đại nghĩa)… Thời gian gần đây, khán giả thấy anh xuất hiện liên tục trong nhiều bộ phim truyền hình dài tập với rất nhiều tính cách khác nhau như Bến phà, Cái bóng bên chồng, Gọi giấc mơ về, Đồng hồ cát, Sóng đời… Hiện tại, anh đang tham gia vai luật sư Vinh trong bộ phim dài 32 tập Câu chuyện pháp đình của đạo diễn Tường Phương do TFS sản xuất. Với nét diễn mộc mạc, chân thật, dù ở bất cứ loại vai nào, Công Ninh cũng để lại cảm tình với khán giả.
18 năm đứng trên bục giảng
Rất bận rộn với vai trò đạo diễn, diễn viên nhưng suốt 18 năm qua, Công Ninh vẫn gắn bó với bục giảng, với vai trò một người thầy truyền dạy những kinh nghiệm diễn xuất cho các diễn viên tương lai ở Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP.HCM. Là Trưởng khoa diễn viên đồng thời là giáo viên chủ nhiệm của nhiều khóa học, Công Ninh thường tự dàn dựng vở để sinh viên tham gia diễn xuất trong các kỳ thi học kỳ và thi tốt nghiệp. Nhiều lớp học trò của anh đã khẳng định được vị trí của mình và trở thành những tên tuổi quen thuộc của khán giả cả nước như: Ngọc Trinh, Việt Hương, Thái Hòa, Thanh Thúy, Đức Thịnh, Cao Minh Đạt, Tống Bạch Thủy, Lý Thanh Thảo, Trí Quang…
Là người thầy rất mực yêu thương, tận tâm với học trò, nhưng Công Ninh cũng nổi tiếng là người rất khó tính trong giảng dạy. Nhưng chính cái “khó tính” ấy mà nhiều học trò khi thành danh không thể nào quên thầy Công Ninh. Nghệ sĩ Thanh Thúy kể: “Tôi còn nhớ trong một tiểu phẩm thầy dựng cho chúng tôi, chỉ với một động tác nhỏ diễn ra trong vòng hai phút nhưng thầy bắt tôi phải tìm cách biểu diễn mọi tư thế trong vòng nửa tiếng. Sau này ra trường, trở thành một diễn viên, tôi cảm thấy đây là một phương pháp dạy rất hay, giúp tôi có thể ứng phó trong mọi tình huống bất ngờ trên sân khấu. Ngoài những lúc nghiêm khắc trên bục giảng, thầy còn là một người rất vui tính và có tấm lòng bao dung với học trò”.
Nhìn Công Ninh say sưa truyền đạt những kinh nghiệm biểu diễn cho các học trò của mình trên bục giảng, không ai còn nghĩ đến một diễn viên đa tài Công Ninh mà đó là hình ảnh của một nhà sư phạm tận tụy yêu nghề. Anh nói: “Tôi yêu nghệ thuật và yêu nghề dạy học. Mỗi lĩnh vực đều làm cho cuộc sống đẹp hơn và tôi cảm thấy rất hạnh phúc”. Công Ninh cũng là người tiên phong trong việc thành lập ra sân khấu Thế Giới Trẻ tại Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh, tạo đất diễn cho các sinh viên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, giúp các em có điều kiện tốt để thực hành, thực tập và thi tốt nghiệp. Thực tế cho thấy sân khấu này thời gian qua đã tạo dược tiếng vang qua một số vở như: Trái cấm, Lậm tiền, Tiếng chuông chùa, Điệu nhảy cuối cùng…
Công Ninh nhắn nhủ: “Các diễn viên trẻ có khát vọng làm nghề chính đáng nhưng xét về phương pháp thì các em lại có khá nhiều sai lệch. Tôi thấy nhiều em quá vội vàng, đi “đường tắt”, nền tảng không bền vững thì rất dễ bị mai một. Vì vậy, tôi khuyên các diễn viên trẻ hãy bình tĩnh chờ đợi thời cơ thuận lợi, phải khổ luyện khi đủ lực thì mới nên chứng minh mình, cũng như “đào móng tốt thì xây nhà mới vững” vậy…”.
SONG MINH
Bình luận (0)