Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Cộng sinh” với AI

Tạp Chí Giáo Dục

Sau trào lưu trải nghiệm sử dụng ChatGPT, người trẻ dành sự quan tâm nhiều hơn đến trí tuệ nhân tạo (AI) và bắt đầu tìm hiểu, sử dụng thêm nhiều công cụ AI khác như Chard, Bing, Character.ai,… Những thói quen sử dụng công cụ AI lành mạnh dần được người trẻ thiết lập và tối ưu hoá giá trị bản thân thay vì ngược lại.

Kết nạp “người bạn AI”

Theo dõi tin tức nghiên cứu về Sora – công cụ AI tạo sinh từ ChatGPT (của Open AI) những ngày qua, bạn Nguyễn Thị Thịnh (26 tuổi, hiện làm việc tại Công ty 5S Media, Hà Nội) thấy thích thú và mong ngóng được trải nghiệm như thời điểm ChatGPT ra mắt, bởi khả năng chuyển văn bản thành video, tạo video ngắn chân thực, logic, sáng tạo.

Cộng sinh với AI ảnh 1

Bạn Nguyễn Thị Thịnh, 26 tuổi, Công ty 5S Media (đứng) đã sử dụng các công cụ AI để hỗ trợ cho công việc sáng tạo nội dung

“Là một người làm sáng tạo nội dung, tôi luôn chọn cách đón nhận những phát minh AI mới, để tạo cái mới cho mình và cho công việc của mình. Gần 2 năm nay, tôi đã kết nạp thêm những “người bạn AI” mới như ChatGPT, Chard, Bing để có thêm nhiều không gian trò chuyện về những ý tưởng sáng tạo”, Thịnh nói.

Thịnh đã dành nhiều thời gian cho ChatGPT để huấn luyện câu trả lời mang tính cá nhân hoá, sử dụng Bing để tìm kiếm hình ảnh và gợi ý ý tưởng thiết kế. “Khác với những ngày đầu theo trào lưu sử dụng, tôi đã dần có những trải nghiệm cơ bản để định hình được yêu cầu, mục tiêu với các công cụ này. Thay vì mọi câu hỏi đều cho vào ChatGPT như trước đây, tôi đã chia nhỏ những yêu cầu theo dạng dữ liệu và tìm kiếm công cụ thích hợp để tra cứu chúng, như dùng Bing chỉ chuyên để tìm kiếm hình ảnh”, Thịnh cho biết.

Trước sự chuyển dịch xu hướng nghề nghiệp của bạn trẻ hiện nay, Thịnh cho rằng, việc kết nạp thêm “người bạn AI” sẽ giúp bản thân trở nên “đa nhiệm” hơn, biết sử dụng các công cụ AI để tự mở rộng tư duy đến năng lực làm việc.

“Nếu không cập nhật các công cụ mới, tôi nghĩ thế hệ trẻ sẽ bị chính những người biết tận dụng AI bỏ lại. Nhất là khi việc sáng tạo nội dung trở nên dễ dàng hơn nhờ các công cụ AI với tần suất nhiều, dày đặc hơn. Người dùng xem có chọn lọc và đôi khi thiếu kiên nhẫn, chỉ quyết định xem tiếp hay lướt qua sau 3s đầu tiên của video, hay 1 dòng đầu tiên của đoạn nội dung giới thiệu sản phẩm”, Thịnh chia sẻ.

Tìm cách sống chung

Khi gặp nhiều thuật ngữ hay câu lệnh khó nhớ viết mã hiệu (code), bạn Nguyễn Minh Khang (24 tuổi, làm việc tại Công ty Migitek, Hà Nội) thường tìm đến Bing hoặc ChatGPT để gợi lại trí nhớ của mình về một kiến thức nào đó.

“Với đặc thù công việc có rất nhiều thứ cần phải nhớ và việc ghi nhớ thuật ngữ lập trình, cách xử lý các lỗi lập trình… chưa khi nào là đủ, từng khiến tôi có nhiều trạng thái tâm lý bất ổn. Khi bắt đầu sử dụng công cụ AI, tôi cũng như nhiều người khác bắt đầu có trải nghiệm đa dạng và nâng cấp kỹ năng tìm kiếm thông tin của mình”, Khánh cho biết.

Với Khánh, Bing là một công cụ cho anh sự hài lòng nhiều hơn ChatGPT trong việc mở rộng kiến thức xung quanh, bởi nó cập nhật thông tin mới nhất để thiết kế câu trả lời. Nhưng mặt khác, ChatGPT lại là công cụ hỗ trợ Khánh trực tiếp hơn trong quá trình viết code.

“Hãy mạnh dạn thử dùng AI và học nhiều cách ứng dụng của nó để biến những trải nghiệm mang tính giải trí thành một sáng kiến nhất định, một quy trình sáng tạo của cá nhân, một hành trình đi tìm khuyết điểm của mình”.TS. Trần Quốc Long – Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo

“Nếu không nhớ rõ về chức năng, phân loại cấp bậc ngôn ngữ lập trình hay mắc một số lỗi lạ, mình sẽ hỏi và nhờ công cụ AI giải thích. Và cứ sau 3 lần hỏi trở lên, mình sẽ tự động thu nạp những kiến thức, thông tin đó mà không cần học vẹt. Tất nhiên, sự thu nạp ấy còn đến từ sự kiên trì kiểm chứng lại sau nhiều tình huống code cụ thể”, Khánh nói.

Trước sự đe dọa và trên thực tế công cụ AI đã chiếm việc của “dân công nghệ” thế giới, Khánh cho rằng, vẫn còn thời gian và cơ hội để nhân lực trẻ tìm cách thích nghi, tận dụng các công cụ AI, sống chung với nó để phát triển mình.

Xu hướng tất yếu

Nói về xu hướng nở rộ các công cụ AI hiện nay, TS. Trần Quốc Long – Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo, trường Đại học Công nghệ (ĐHQG Hà Nội), cho rằng đây là một xu hướng tất yếu. Theo TS. Long, một định hướng lớn mang tính chủ đạo trong trí tuệ nhân tạo là nhiều nguồn dữ liệu. Cụ thể, mô hình AI có thể nhận thông tin từ nhiều nguồn dữ liệu và sinh ra được nhiều loại dữ liệu (từ âm thanh, chữ viết, hình ảnh đến video). Do đó, việc phát triển thêm các mô hình AI mới từ ChatGPT là sự tất yếu.

“Khi các mô hình AI đó hoạt động trên nhiều loại dữ liệu khác nhau sẽ có sự bổ sung cho nhau về mặt chính xác và ngữ nghĩa của dữ liệu sản sinh ra”, TS. Long nói.

TS. Long cho rằng, bất cứ công cụ AI mới nào sinh ra cũng có sự tranh cãi nhất định, thậm chí phủ nhận và tiêu cực với nó. Ví dụ như mô hình tạo video từ văn bản (công cụ Sora của Open AI), nếu công bố sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động sáng tạo và khiến cho những nhà làm phim cần đặt tiêu chuẩn cao hơn và tạo sự khác biệt cho sản phẩm nghệ thuật của mình.

“Muốn ‘cộng sinh’ với các công cụ AI, tôi cho rằng, chúng ta cần phát huy năng lực tự phản biện, năng lực sáng tạo để tối ưu hoá quy trình làm việc của cá nhân và tổ chức. Đặc biệt, hãy mạnh dạn thử dùng AI và học nhiều cách ứng dụng của nó để biến những trải nghiệm mang tính giải trí thành một sáng kiến nhất định, một quy trình sáng tạo của cá nhân, một hành trình đi tìm khuyết điểm của mình”, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo khuyến cáo.

Số liệu từ khảo sát của Writterbudy.ai cho thấy, từ tháng 9/2022 đến tháng 8/2023, ChatGPT là 1 trong 10 công cụ AI được sử dụng nhiều nhất với 14,6 tỷ lượt; xếp sau đó là Character.ai với 3,8 tỷ lượt; Quillbot với 1,1 tỷ lượt…

Theo TPO

 

Bình luận (0)