Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Công sở “nhức đầu” vì Facebook

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sau khi Yahoo!360o đóng cửa, Facebook (FB) trở thành ngôi nhà mới hấp dẫn nhưng cũng đầy rắc rối của nhiều blogger. “Mần vườn đi ông, để thế nó hoang mất!”, “Ông không mần lấy gì tui trộm!”… Những lời mời chào, hẹn hò kiểu này không còn xa lạ đối với cư dân mạng.

Tên “trộm” thời gian

Khác với Yahoo!360o, FB mạnh về xu thế giải trí với hình thức đơn giản, đặc biệt là chức năng giải trí online và tương tác mạnh giữa người dùng với nhau. Làn sóng nghiện game trên mạng xã hội ảo này cũng hình thành từ đó.

Theo khảo sát, trong FB, hút dân văn phòng nhất vẫn là các game nông dân như trồng trọt, chăn nuôi… Farm Ville, Farm Pals, Hero World, Kung Fu Pets, Mafia Wars… đang làm điên đảo cộng đồng mạng.

Khởi đầu bằng việc chăm sóc nông trại của mình, nếu siêng “mần nông”, người chơi sẽ kiếm được nhiều tiền và phát triển khả năng trồng trọt bằng cách mở rộng nông trại. Ngoài ra, người chơi có thể thuê chó giữ nhà và chăn nuôi nhiều loại gia cầm khác nhau. Những nông dân ảo còn được quyền chăm sóc giùm nông trại cho hàng xóm. Nếu gia chủ sơ hở, họ có thể chôm vài quả chín; thậm chí thả sâu, thả cỏ qua nông trại khác. Chính kiểu chơi hết sức đời thường này đã câu kéo không ít người.

Bên cạnh game, loại hình câu hỏi trắc nghiệm quái chiêu cũng đang bùng phát trên FB. Những trắc nghiệm quái dị như “Đo độ dê của bạn”, “Bạn khùng đến độ nào?”, “Bạn sexy đến mức nào?”… xuất hiện đầy rẫy trên FB. Sau khi trả lời các câu hỏi được liệt kê, FB sẽ đưa ra bản kết luận với nội dung khá tục tĩu khiến không ít cư dân mạng cảm thấy khó chịu.

Rảnh tay là “cày, cuốc”

Từ một niềm vui mới, FB trở thành cơn nghiện của không ít người. Không chỉ học sinh, sinh viên mà cả giới nhân viên văn phòng, cán bộ… cũng tiêu tốn phần lớn thời gian trong ngày cho FB.

Anh Phan Hoàng, giám đốc một công ty bán linh kiện máy tính, cho biết gần đây anh nhận thấy việc chăm sóc khách hàng của nhân viên có vẻ bất ổn. Âm thầm tìm hiểu, anh mới hay nhiều nhân viên mê mải mở game ra chơi, không dành thời gian cập nhật tính năng của sản phẩm mới nên khách hàng gọi đến là ú ớ.

Còn chị NM – trưởng phòng tại một ngân hàng lớn thì ca cẩm: “Nếu như trước đây người ta viết blog để giãi bày một điều gì đó có ý nghĩa thì ở FB, chẳng có entry nào thú vị. Tôi thấy các thành viên đang chạy theo những trò chơi để giết thời gian”.

Thế nhưng ai nói cứ nói, ai chơi vẫn chơi. Theo một số blogger tinh ranh thì chơi game trên FB rất dễ ngụy trang. Do game nằm trong một trang web, người chơi giả vờ mở nhiều trang web và có thể nhanh chóng lật sang những trang liên quan đến công việc nên không thể bị bắt quả tang. Một số nhân viên văn phòng còn áp dụng chiêu khác, khi có lệnh cấm lập tức chuyển sang chơi bên ngoài hoặc tranh thủ giờ rảnh chạy ra ngoài để “làm vườn”.

Chị Phương Dung, nhân viên một siêu thị điện máy, cho biết chị có đứa em họ bị nghiện FB nặng. Sáng ở công ty chơi, đến tối cũng chơi, đến nỗi người chồng phải điên tiết chửi rủa thì cô em lén chơi game ngoài tiệm Internet lúc giữa trưa. Hay TD, nhân viên một công ty xuất nhập khẩu ghiền đến nỗi ra cảng kiểm tra hàng cũng mang theo laptop, rảnh tay là tranh thủ “cày, xới”.

“Cắt cơn” nổi không?

Theo anh Cao Mạnh Tuấn, quản lý trang timnhanhblog, khó có thể cắt cơn cho những con nghiện FB vì tính năng giải trí lôi cuốn. Muốn cứu những con nghiện như thế thì có thể dùng biện pháp kỹ thuật để cấm hoặc đưa cho họ những việc thú vị hơn, còn không thì chỉ có chờ thời gian để họ tự chán (!). Một giải pháp khác là chặn ngay từ trứng nước khi các nhân viên mới manh nha “cày, cuốc”.

Trước thực trạng trên, nhiều doanh nghiệp đang phải đề ra biện pháp chặn tường lửa. Một số doanh nghiệp đưa ra quy chế xử phạt nhân viên chơi game trong giờ làm việc bằng tiền hoặc cấm hẳn việc chơi game trong cơ quan. Anh Minh Nghĩa, cán bộ kỹ thuật một công ty khẳng định: “Công ty mình phải dùng phần mềm chặn truy cập, biện pháp chẳng đặng đừng nhưng FB hút nhân viên ghê quá!”.
Tuy nhiên, những biện pháp tình thế này không đủ mạnh để “cắt cơn”. Và với hơn nửa triệu người dùng FB tại Việt Nam, không ai dám chắc những lớp cai nghiện game online sắp tới có quá tải học viên không.

Theo Như Vũ
Báo Pháp Luật TPHCM

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)