Sự kiện giáo dụcTin tức

Công tác bồi dưỡng giáo viên: Còn nhiều bất cập

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Luật Giáo dục mới thì không có trường bồi dưỡng giáo dục (BDGD). Vì vậy, những trường BDGD ra đời trước đây, hiện đang gặp không ít khó khăn trong hoạt động. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến công tác BD giáo viên (GV)…
Ngày 9-3, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác đào tạo BDGV quận, huyện năm 2011 và đầu năm 2012. Tại đây, nhiều ý kiến cho thấy vai trò của trường BGGD rất quan trọng trong việc đảm bảo số lượng cũng như chất lượng đội ngũ GV của TP. Song, các trường đang phải “tự bơi” là chính.
Cơ sở vật chất và GV đều thiếu
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, TP.HCM hiện có 23 trường BDGD quận, huyện. Riêng Q.Tân Phú vì là quận mới nên vẫn chưa có trường. Tổng số cán bộ quản lý, GV, nhân viên làm công tác BD hiện nay là 300 người.
Nói về những khó khăn của các trường BDGD, đại diện Phòng Tổ chức cán bộ – Sở GD-ĐT cho biết: “Một số trường BDGD vẫn chưa được củng cố, hoàn thiện ngang tầm với vai trò, vị trí của công tác BDGD. Tình trạng không có cán bộ, GV chuyên trách cho từng bậc học, cấp học vẫn còn. Biên chế GV ở nhiều trường chỉ thể hiện trên sổ sách mà không thực sự trực tiếp làm công tác BDGD. Một bộ phận GV không đủ trình độ, năng lực chuyên môn làm hạn chế chất lượng BDGD. Nhiều trường chưa có cơ sở vật chất riêng hoặc có nhưng quá chật hẹp nên phải sử dụng phòng học của các trường tiểu học, THCS để tổ chức lớp đào tạo, BD”.
Đại diện Ban giám hiệu Trường BDGD Q.6 tâm tư: “GV không chịu về trường BDGD, một trong những lý do là về đây thì không có học sinh như ở các trường phổ thông. Trường BDGD Q.6 đang thiếu GV, hiện chỉ có 7 GV – 1 phụ trách mầm non, 1 phụ trách tiểu học, còn lại phụ trách THCS. Năm 2013 sẽ có 3 GV nghỉ hưu, trong đó có 1 là GV mầm non. Như vậy, bậc học mầm non sẽ không có GV phụ trách”.
Trường BDGD Q.2 còn “thảm” hơn nhiều. Theo Phó hiệu trưởng nhà trường thì trường chỉ có 2 GV, 2 thành viên ban giám hiệu. Về cơ sở vật chất, trường chỉ là nhà dân cải tạo lại, không thể tổ chức các hoạt động đào tạo, BDGV…
“Định biên của trường BDGD là 15 người, trường nào chưa đủ thì tuyển thêm. Phải tham mưu với phòng GD-ĐT để tuyển những GV có trình độ, có kinh nghiệm”, ông Văn Công Sang, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ – Sở GD-ĐT TP nói.
Kinh phí đào tạo: Mỗi nơi làm một kiểu
Để tổ chức các lớp đào tạo, BDGV, bắt buộc các trường BDGD phải có kinh phí. Và kinh phí này là do ngân sách cấp chứ không phải GV bỏ tiền túi ra. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường BDGD không được cấp kinh phí đào tạo mà nguồn kinh phí này do quận, huyện quản lý. Theo đó đã xảy ra tình trạng, quận, huyện nào quan tâm đến công tác BDGV thì quận, huyện đó rót kinh phí cho trường BDGD. Ngược lại, quận, huyện nào không quan tâm thì… thôi, đại diện Ban giám hiệu Trường BDGD huyện Củ Chi bức xúc.
Bà Trương Thị Kim Chọn – Phó phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh – cũng cho biết: “Nguồn kinh phí BDGV, UBND huyện duyệt nhưng khi đi rút tiền kho bạc lại làm khó. Họ đòi hỏi phải có giấy tờ này, văn bản nọ của cấp trên. Kinh phí thì không được cấp 100% mà chỉ có 50%. Điều này khiến cho việc nâng cao, chuẩn hóa đội ngũ GV khó khăn. Kiến nghị, ở các trường BDGD ngoài việc được cấp kinh phí để chi trả lương cho đội ngũ thì cần phải cấp thêm kinh phí để làm công tác đào tạo, BDGV theo đúng chức năng, nhiệm vụ của trường”.
Tuy nhiên không phải quận, huyện nào cũng gặp khó khăn về kinh phí như các huyện trên. Hiện nay, rất nhiều trường BDGD được thực hiện theo Nghị định 43 – tự chủ tài chính như các trường mầm non, tiểu học và phổ thông. Còn về kinh phí cho hoạt động đào tạo, BDGV, ông Nguyễn Trung Khánh – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nhà Bè – cho biết: “Mỗi khi tổ chức các lớp BDGV, trường BDGD sẽ đưa danh sách lên phòng GD-ĐT. Sau đó, phòng GD-ĐT gửi lên UBND huyện xin cấp kinh phí”. Chính vì vậy mà công tác đào tạo, BDGV ở Nhà Bè hầu như không gặp khó khăn gì…
Về vấn đề tài chính ở các trường BDGD, ông Nguyễn Đình Thái Châu – Trưởng phòng Kế hoạch tài chính – Sở GD-ĐT TP – khẳng định: “Tất cả các trường BDGD phải thực hiện theo Nghị định 43. Ngân sách cấp theo nhân sự, trung bình là 15 người/trường, nơi nào không làm đúng phải làm lại. Với hoạt động BDGV thì phải có kế hoạch, theo đó ngân sách quận, huyện sẽ cấp”.
Kim Anh

Bình luận (0)