Trong hội nghị sơ kết công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học (KĐCL GDĐH) diễn ra hôm qua 25-12, tại 5 đầu cầu truyền hình, nhiều kinh nghiệm thực hiện công tác KĐCL được chia sẻ.
Song, thật hiếm hoi, một hội nghị lớn đánh giá kết quả KĐCL liên quan đến hơn 400 trường ĐH-CĐ chỉ thu nhận vài ba ý kiến từ các trường đóng góp. Phải chăng các trường đã “thấm nhuần” công tác đánh giá chất lượng?
Chuẩn có như không!
Hiện đã có 20 trường ĐH-CĐ đầu tiên trong cả nước hoàn thành KĐCL cả trong lẫn ngoài. Tuy nhiên, vấn đề là kết quả đánh giá của 20 trường gần như “sao y bản chính”. Điều này buộc các nhà quản lý phải băn khoăn về độ chính xác của quá trình kiểm định này. Phải chăng, tất cả các trường đều làm tốt, đều đạt chuẩn?
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng ĐH Nông Lâm TPHCM cho rằng, công tác KĐCLGD là cần thiết. Kết quả kiểm định sẽ nói lên vị trí và chất lượng thực của các trường. Nó khẳng định “thương hiệu” từng trường ĐH, đào tạo tốt thì xã hội sẽ công nhận và ngược lại. Đó là lợi ích lớn nhất mà các trường nhắm đến để tự khẳng định mình. Và tất nhiên, điều đó chỉ có ý nghĩa khi kết quả kiểm định đúng, khách quan.
Công tác KĐCL đã được Bộ GD-ĐT phát động từ năm 2005 nhằm hướng đến đổi mới chất lượng GDĐH.
Nhưng đến nay, một số quy chuẩn cụ thể, khoa học để tiến hành đánh giá vẫn chưa công bố rõ ràng. Công tác đánh giá hiện theo tiêu chuẩn nào, quy trình nào… các trường hoàn toàn không biết và ở vào thế bị động! Và ai là người kiểm định? Đội ngũ kiểm định viên có chuyên môn chỉ tính trên đầu ngón tay.
Ngay cả hai ĐH lớn nhất nước là ĐH Quốc gia TPHCM và ĐH Quốc gia Hà Nội cũng rất hiếm chuyên gia trong lĩnh vực này. Đưa KĐCL vào đánh giá chất lượng GDĐH là cần thiết để đổi mới công tác GDĐH, nhưng khi đưa vào thực tiễn với lỗ hổng về nhân lực, thước đo kiểm định thì liệu Bộ GD-ĐT có quá vội vàng?
TS Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc TT Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (KT-KĐCL) của ĐH Quốc gia TPHCM, nhấn mạnh, cần phải có lộ trình chứ không đốt cháy giai đoạn như hiện nay. Với thực trạng hiện nay, các trường ĐH VN nên đánh giá chất lượng theo ngành đạo tạo rồi mới thực hiện bước cao hơn là đánh giá cấp trường. Trong khi đó, chúng ta đang tiến hành theo quy trình ngược lại.
Trao đổi với PV báo SGGP, TS Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục KT-KĐCL (Bộ GD-ĐT) thừa nhận: cả nước hiện có trên 400 trường ĐH-CĐ nên một mình cục không thể kiểm định hết. Vì thế, việc thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng hoạt động một cách độc lập là rất cần thiết.
Tuy nhiên, chúng ta đang thiếu đội ngũ kiểm định viên và các chuyên gia để tiến hành công tác này. Sắp tới các trường phải tự bỏ tiền ra để thuê các tổ chức, chuyên gia đánh giá ngoài. Nhưng điều quan ngại là kết quả mà các tổ chức kiểm định độc lập công bố có đảm bảo tính khách quan hay không.
Chưa công khai, minh bạch
Theo PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm TPHCM, Bộ GD-ĐT nên sớm công bố kết quả KĐCL để các trường biết được vị trí thực của chính mình và tìm cách cải tiến chất lượng. Đó mới là mục đích lớn nhất của công tác đánh giá. Nên chăng chúng ta có bộ phận kiểm định độc lập, thuộc Chính phủ mà không thuộc Bộ GD-ĐT để tạo sự công bằng, khách quan trong đánh giá các trường.
Trong tương lai cũng nên để các hiệp hội ngành nghề tham gia đánh giá chất lượng, vì họ là người sử dụng “sản phẩm” đầu ra của các trường, hơn ai hết họ sẽ đánh giá được hiệu quả thực của từng trường.
Cùng ý kiến với PGS.TS Hồng, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng cho biết Trường ĐH Nông Lâm đã hoàn thành công tác đánh giá trong lẫn ngoài từ năm 2007 và đã gửi lên bộ nhưng đến nay vẫn chưa thấy công bố. KĐCLGD ĐH giống như tiêu chuẩn ISO cho các doanh nghiệp nên tính minh bạch, khách quan đối với các tổ chức kiểm định độc lập được đặt lên hàng đầu.
Trao đổi với nhiều đại biểu, để xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng các trường ĐH-CĐ cần phải quan tâm đến nhiều yếu tố, trong đó cần đảm bảo lợi ích cho người học. PGS.TS Lê Quang Minh, Phó giám đốc ĐHQG TPHCM nhấn mạnh: Chúng ta cần phải kiểm định các chương trình của các trường liên kết với nước ngoài, rồi chương trình sau ĐH, chương trình không chính quy… hiện nay bùng nổ nhiều vô số. Cần phải kiểm định ngay để tạo ra chuẩn chung cho xã hội, chất lượng phải tương xứng với đồng tiền bát gạo và công sức của người học. Điều đó còn khẳng định thương hiệu cho GDVN.
Nhìn ở một khía cạnh khác, xuất phát từ nhu cầu nội tại của trường, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng ĐH DL Hồng Bàng mong muốn: Để đánh giá CLGD thì các trường ngoài công lập gặp nhiều khó khăn nhất. Cơ sở vật chất, giảng viên đạt chuẩn… là vấn đề nan giải đối với các trường dân lập. Đánh giá “cào bằng” bởi một tiêu chí thì các trường ngoài công lập đã thua trước khi nhập cuộc. Do đó, cần có sự hỗ trợ cho các trường ngoài công lập.
Trong khi đó, Cục KT-KĐCL – đại diện cho công tác KĐCL của Bộ GD-ĐT, đang loay hoay giữa vô vàn những chuẩn, nhưng vẫn chưa xác định cái chuẩn riêng cho GDVN. Các trường ĐH-CĐ cũng đang băn khoăn thì Bộ GD-ĐT lại đưa ra mục tiêu đến tháng 5-2009, 90% trường ĐH-CĐ phải hoàn thành công tác tự đánh giá. Vậy mục tiêu này có dựa trên điều kiện thực tế của nền GD đang cần đổi mới?
Thống kê của Cục KT – KĐCL cho thấy, hiện cả nước có 351 trường ĐH, CĐ đang triển khai công tác tự đánh giá chất lượng. Trong đó, 20 trường ĐH, 1 chương trình giáo dục ngành giáo dục tiểu học trình độ CĐ (4 trường CĐ sư phạm) đã hoàn thành đánh giá ngoài; 27 trường ĐH, 16 CĐ khác đã có báo cáo tự đánh giá và chuẩn bị đánh giá ngoài. Đến 2010, có ít nhất khoảng 80% số trường ĐH, 50% trường CĐ được đánh giá ngoài. |
THANH HÙNG – TIÊU HÀ (SGGP)
Bình luận (0)