Bác Hồ đã từng nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Theo đó, để các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, được người dân hưởng ứng tích cực, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã có Chỉ thị 12-CT/TU (ngày 5-4-2017) về tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng công tác nắm bắt, điều tra, nghiên cứu dư luận xã hội.
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu trao Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy cho các cá nhân thực hiện tốt Chỉ thị 12
An dân từ những hành động thiết thực
Giữa năm 2021, huyện Nhà Bè có hơn 20.300 lao động của 4.819 doanh nghiệp. Dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, đặc biệt là thời điểm thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với thông điệp “ai ở đâu, ở yên đấy” đã gây không ít bức xúc cho một bộ phận công nhân, người lao động nhập cư. Theo đó nhiều công nhân, người lao động muốn di cư, hồi hương. Thực hiện Chỉ thị 12, ngay lập tức, Ban Thường vụ Huyện ủy Nhà Bè đã tập trung làm tốt công tác phối hợp, nắm tình hình, định hướng dư luận xã hội. Nhờ vậy hàng ngàn người lao động đã yên tâm ở lại địa phương, thực hiện tốt các yêu cầu phòng chống dịch mà Chính phủ đề ra.
Với những trường hợp không thể không rời khỏi nơi cư trú, để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh Covid-19, huyện Nhà Bè cũng đã có cách làm hay. Cụ thể, ngày 12-10-2021 tại chốt chặn giáp ranh với tỉnh Long An, gần 100 người lao động đòi vượt chốt về quê. Qua tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đoàn người, lãnh đạo huyện đã mời những người này vào Trường Tiểu học Dương Văn Lịch nghỉ ngơi, ăn uống. Đến sáng hôm sau, huyện huy động tối đa nguồn lực hỗ trợ đoàn người về quê sau khi trung tâm y tế tổ chức xét nghiệm nhanh, khám sàng lọc, tiêm vắc-xin và được sự đồng ý của Bộ Tư lệnh TP.
Còn tại các xã Phước Lộc, Long Thới, Đảng ủy xã đã vận động chủ nhà trọ thực hiện mô hình “Nhà trọ 0 đồng” theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy. Qua đó khơi dậy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của người dân địa phương. Nhờ vậy, không ít chủ nhà trọ đã miễn, giảm tiền thuê phòng trọ cho công nhân, người lao động giúp họ vượt qua khó khăn của đại dịch.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung – Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Nhà Bè – chia sẻ: “Để công tác nắm bắt, định hướng dư luận hiệu quả, người đứng đầu có tinh thần trách nhiệm, luôn tìm tòi, suy nghĩ, tìm ra các giải pháp uyển chuyển, phù hợp giữa chủ trương, chính sách và lòng dân. Đa dạng phương thức nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, trong đó nắm bắt dư luận xã hội trên không gian mạng trong thời gian dịch bùng phát là phương thức chính và phù hợp. Đồng thời xây dựng lực lượng nòng cốt trong công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội. Huyện cũng chú trọng việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, không chỉ trong huyện mà còn với các cơ quan của TP và các huyện, tỉnh lân cận; vận dụng, quán triệt quan điểm “dựa vào dân để lo cho dân”…”.
Nắm bắt tâm tư người dân bằng nhiều hình thức
Tại TP.Thủ Đức, nhằm phục vụ cho công tác bồi thường, hỗ trợ di dời, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, hoạt động nắm bắt dư luận xã hội thời gian qua cũng không ngừng được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Ông Kiều Ngọc Vũ – Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thủ Đức – cho biết, Thủ Đức đã có các giải pháp linh hoạt với nhiều hình thức như: thông qua hội nghị thông tin tình hình thời sự hàng quý cho cán bộ chủ chốt; giao ban dư luận xã hội hàng tháng, hàng quý; chỉ đạo cơ sở thành lập các nhóm Zalo để nắm bắt kịp thời tình hình dư luận xã hội; cung cấp thông tin có định hướng của Đảng cho đội ngũ báo cáo viên, qua bản tin TP.Thủ Đức… Qua đó chỉ đạo các ngành, các cấp và các cơ quan, đơn vị có liên quan tuyên truyền, giải thích, định hướng dư luận, giải quyết kịp thời các ý kiến phản ánh, kiến nghị, bức xúc trong nhân dân. Song song đó, Thủ Đức cũng tập trung giải pháp đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án giao thông, hạ tầng kỹ thuật, xã hội trên địa bàn.
Theo báo cáo của Thành ủy TP.HCM, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 12-CT/TU, các cấp ủy đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm củng cố, tăng cường và nâng chất hoạt động nghiên cứu dư luận xã hội trên địa bàn, phục vụ hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy và chính quyền các cấp. Công tác nắm bắt dư luận luôn được thực hiện sát với yêu cầu thực tiễn của địa phương; đặc biệt là giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật những vấn đề mà dư luận cán bộ, đảng viên, người dân phản ánh. Ngoài ra, chất lượng phản ánh thông tin được nâng tầm, không chỉ phản ánh sự việc đơn thuần mà còn phân tích và dự báo tình hình… |
Bà Đỗ Thị Thanh Hà – Viện trưởng Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương – cho rằng, công tác dư luận xã hội luôn được Đảng quan tâm. Công tác này dùng đo tâm trạng xã hội, giúp cho các cấp ủy nắm được chủ trương, chính sách có đi vào thực tiễn cuộc sống hay không, đồng thời cũng dự báo được vấn đề nóng, bức xúc trong xã hội, từ đó có biện pháp định hướng, thông tin dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Thời gian tới công tác này sẽ đối mặt với nhiều thách thức.
Theo bà Hà, TP.HCM cần ứng dụng khoa học công nghệ trong việc nắm bắt, nghiên cứu, thậm chí định hướng dư luận xã hội. Quan tâm sự liên kết giữa đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội với các lực lượng báo cáo viên, Ban chỉ đạo 35 để có được lực lượng mạnh. Đầu tư nguồn lực để đào tạo chuyên sâu đội ngũ làm công tác này tiếp cận được phương pháp nghiên cứu dư luận xã hội hiện đại.
Minh Phương
Bình luận (0)