Nhấn mạnh trong cuộc họp giao ban Covid-19 của ngành giáo dục mới đây, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng cho biết, hiện không có quy định nào bắt buộc học sinh phải có chứng nhận âm tính mới được vào lớp, vào trường. Do vây, các nhà trường không yêu cầu học sinh phải có chứng nhận này khi đi học trực tiếp.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng yêu cầu công tác phòng dịch của trường không được làm khó cho phụ huynh, học sinh
“Phương án thực hiện do trường tự xây dựng song tuyệt đối không đề ra các quy định làm ảnh hưởng đến quy định chung trong công tác phòng dịch của TP, gây khó cho phụ huynh, học sinh”, ông đề nghị.
Ca nhiễm giảm nhưng không được chủ quan, lơ là
Đánh giá công tác phòng chống dịch tại các nhà trường trong thời gian dạy và học trực tiếp, Phó Giám đốc Dương Trí Dũng khẳng định, các trường đang thực hiện rất đều tay, hiệu quả, nhuần nhuyễn, bám sát chỉ đạo chung của thành phố và ngành. Tình hình các ca nhiễm xảy ra trong trường đang có xu hướng giảm.
Dù vậy, ông nhấn mạnh, không vì thế mà chúng ta chủ quan, lơ là. Các trường vẫn phải chú trọng thực hiện các hoạt động phòng dịch đi vào chiều sâu. Nếu đơn vị nào để xảy ra tình trạng chủ quan, để xảy ra ca nhiễm do vi phạm công tác phòng chống dịch thì đơn vị đó sẽ phải chịu trách nhiệm.
“Điều này không phải là làm nặng nề công tác dạy học trực tiếp nhưng mỗi nhà trường phải nâng cao trách nhiệm, cảnh giác trong công tác phòng dịch, nhất là khi chủng mới đã xuất hiện tại TP.HCM. 5K, đeo khẩu trang là bắt buộc, chính đội ngũ thầy cô phải làm gương cho học sinh. Các nhà trường phải quản lý học sinh theo nhóm. Ban đầu có thể khó thực hiện nhưng về sau thì sẽ rất tốt trong công tác phòng dịch trong nhà trường”, ông Dũng phân tích.
Không quy định học sinh có chứng nhận âm tính mới được đến trường
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng thông tin, hiện không có quy định nào bắt buộc học sinh phải có chứng nhận âm tính mới được vào lớp, vào trường. Do vậy, các nhà trường không yêu cầu học sinh phải có chứng nhận này khi đi học trực tiếp. “Phương án thực hiện do trường tự xây dựng song tuyệt đối không đề ra các quy định làm ảnh hưởng đến quy định chung trong công tác phòng dịch của TP, gây khó cho phụ huynh, học sinh”, ông nhấn mạnh.
Về công tác dạy học trực tiếp, lãnh đạo sở lưu ý, khi cấp độ dịch thay đổi thì phương án dạy học của trường cũng phải thay đổi theo, phù hợp với cấp độ dịch theo hướng dẫn chung của Sở GD-ĐT. Các nhà trường phải thường xuyên liên hệ với ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương để có sự phối hợp. Càng phối hợp sâu thì công tác trong nhà trường càng đảm bảo và sát với chủ trương để thực hiện.
Sẵn sàng tâm thế cho học sinh trở lại
Nhận định tỷ lệ học sinh đi học ngày một cao là minh chứng cho việc nhà trường đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền với phụ huynh học sinh, ông Dương Trí Dũng đánh giá, với kết quả đã đạt được trong tổ chức dạy học trực tiếp từ khối 7 đến khối 12, ngành sẽ tiếp tục tham mưu để học sinh các khối lớp khác được đến trường học tập trực tiếp, qua đó sẽ giải quyết các vấn đề chuyên môn, học sinh đạt được kết quả năm học.
“Phòng GD-ĐT các quận, huyện và TP.Thủ Đức tiếp tục tham mưu với lãnh đạo quận huyện để triển khai công tác đi học trở lại với các khối lớp còn lại. Trước khi TP có quyết định thì từng địa phương, nhà trường phải sẵn sàng tâm thế, xây dựng phương án, chuẩn bị kịch bản làm sao phù hợp nhất. Sau khi TP có quyết định thì sẽ triển khai nhanh chóng, đạt hiệu quả như hiện nay đã thực hiện. Có như vậy sau Tết mới có khả năng đưa các trường vào hoạt động”, ông đề nghị.
Theo lãnh đạo Sở, sau Tết Nguyên đán Sở GD-ĐT thành phố sẽ tham mưu thành phố tiếp tục mở rộng các khối lớp còn lại đi học trực tiếp
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP thông tin, hiện nay toàn ngành còn rất nhiều cơ sở giáo dục ở các cấp lớp mầm non, tiểu học hiện vẫn còn được trưng dụng phục vụ công tác phòng chống dịch tại các địa phương. Trong tuần này, các cơ sở giáo dục được trưng dụng đang có chiều hướng tăng, trong đó, tập trung nhiều ở các quận Gò Vấp, Thủ Đức, Hóc Môn. Để chuẩn bị cho công tác dạy học trực tiếp đối với các khối lớp còn lại, ông Dũng đề nghị lãnh đạo các phòng giáo dục tham mưu với lãnh đạo UBND các quận huyện để thu hồi các cơ sở giáo dục hoặc tham mưu hoán chuyển qua các cơ sở khác thực hiện công tác phòng chống dịch tại địa phương để có thời gian sửa chữa, chuẩn bị vệ sinh phòng dịch đưa các cơ sở vào hoạt động phục vụ học sinh.
“Về nội dung tham mưu TP mở rộng đối tượng, phủ hết tất cả đối tượng học sinh học trực tiếp, ngoài việc chuẩn bị cơ sở vật chất thì công tác tiêm vắc-xin cũng phải được thực hiện tốt, đảm bảo mũi nhắc cho đội ngũ giáo viên, học sinh, đảm bảo quyền lợi cho học sinh”, ông lưu ý.
Ngoài ra, để đảm bảo hoạt động sau Tết Nguyên đán, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP cũng yêu cầu các trường nắm bắt tình hình phụ huynh học sinh, tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền đến tất cả đối tượng tham gia vào công tác giáo dục. Thường xuyên đánh giá tình hình tại đơn vị.
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)