TS. Huỳnh Công Minh (phải) – Giám đốc Sở GD-ĐT TP được nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc
|
Sáng 29-4, PGS.TS Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT và đoàn đại biểu của Bộ GD-ĐT đã có buổi làm việc với ngành GD-ĐT TP.HCM về công tác thi đua khen thưởng (TĐKT) giai đoạn 2008-2010.
Tại đây, PGS.TS Trần Quang Quý nhấn mạnh: “Công tác TĐKT là một nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Thực hiện Chỉ thị số 39/CT-TW ngày 21-5-2004 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, trong thời gian qua ngành GD-ĐT đã kết hợp với nhiều phong trào như xây dựng trường học – học sinh tích cực, cuộc vận động “Hai không”, mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức… Theo đó đã nâng dần chất lượng giáo dục của toàn ngành”.
Thờ ơ vì thủ tục rườm rà
Mặc dù phong trào TĐKT có vai trò rất to lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành GD-ĐT. Và phong trào này đã được triển khai trong ngành GD-ĐT từ vài chục năm nay chứ không phải mới mấy năm trở lại đây. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn không ít giáo viên chưa thật sự mặn mà với phong trào TĐKT.
Bà Bùi Thị Nguyệt Ánh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Vạn Tường tâm tư: “Tâm lý của nhiều giáo viên ở trường ngoài công lập là dạy để lấy tiền. Họ thích có nhiều tiết dạy, dạy ở nhiều nơi để có nhiều tiền chứ ít quan tâm đến công tác TĐKT, theo đó cũng ít tham gia các hoạt động phong trào”.
Không chỉ giáo viên ở trường ngoài công lập không mặn mà với công tác TĐKT mà ngay cả giáo viên ở trường công lập cũng có không ít người không thích. Ông Nguyễn Bác Dụng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cho biết: “Một số giáo viên có chuyên môn rất tốt, đạo đức lối sống cũng tốt nhưng vẫn chưa nhiệt tình với phong trào TĐKT. Khi nhà trường vận động, những giáo viên này cho rằng, chúng tôi chỉ cần làm tốt chuyên môn là đủ rồi…”.
Và lý do mà nhiều người đưa ra cho cái sự “thờ ơ” với phong trào TĐKT của một bộ phận không nhỏ giáo viên là do thủ tục quá rườm rà. Ông Nguyễn Trọng Chức, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Thạnh kiến nghị: “Hồ sơ, biểu mẫu để xét tặng danh hiệu khen thưởng trong ngành GD-ĐT cần phải đơn giản hơn, giảm bớt được cái nào thì nên giảm bớt”.
Hậu quả của việc thiếu mặn mà với phong trào TĐKT ở một số giáo viên tốt đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng TĐKT. Bởi, ở nhiều nơi công tác TĐKT vẫn còn xen lẫn với sự ganh đua. Do vậy, nếu giáo viên tốt “từ chối” được khen thưởng thì nhà trường phải vận động những giáo viên ít tốt hơn một chút đăng ký. Từ đó nảy sinh tình trạng người giỏi thì ít bằng khen, giấy khen hơn người ít giỏi. Từ đó làm mất đi ý nghĩa của công tác TĐKT…
10 năm, chưa có nhà giáo nhân dân!
Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận trao bằng khen cho các điển hình tiên tiến của ngành GD-ĐT TP.HCM. Ảnh: T.L
|
Như nhiều ngành, nghề khác, ngành GD-ĐT cũng có kỷ niệm chương để trao tặng cho những cá nhân có những đóng góp cho sự phát triển của sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên, “Ngành GD-ĐT rất khó khăn trong việc xét tặng kỷ niệm chương cho những người ngoài ngành. Trong khi ngành GD-ĐT có rất nhiều người ngoài ngành hỗ trợ, đóng góp…”, ông Chức tâm tư.
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Quang Quý cho rằng: “Kỷ niệm chương của ngành GD-ĐT chủ yếu ghi nhận công lao đóng góp của những người trong ngành. Còn người ngoài ngành thì có giới hạn, những người được nhận phải xứng đáng, tránh trao tặng tràn lan làm mất đi giá trị của kỷ niệm chương”.
Việc xét tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú, đặc biệt là nhà giáo nhân dân còn quá khó khăn. Riêng ngành GD-ĐT TP.HCM 10 năm nay chưa có nhà giáo nào được phong danh hiệu nhà giáo nhân dân. Trước thực trạng này, ông Quý nhấn mạnh: “Ngành GD-ĐT TP.HCM cần cố gắng hơn, tạo điều kiện để ngày càng có nhiều nhà giáo được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân”.
Theo thống kê hiện cả nước có 1,2 triệu giáo viên, chiếm 60% công chức – viên chức cả nước. Và ở nhiều địa phương, tỷ lệ công chức – viên chức là những người làm trong ngành GD-ĐT chiếm tới 3/4. Song, không phải ở địa phương nào cũng có người trong ngành GD-ĐT nằm trong hội đồng TĐKT. Cụ thể như ở Q.Bình Thạnh có trên 4.000 công chức – viên chức, trong đó ngành GD-ĐT là gần 4.000 người. Nhưng trong Hội đồng TĐKT của quận không có người nào của ngành GD-ĐT. Về vấn đề này, ông Quý chỉ đạo: “Sở GD-ĐT TP.HCM cần có công văn kiến nghị gửi UBND TP để có nhà giáo tham gia vào hội đồng TĐKT của quận, huyện”.
Góp ý cho Thông tư 21/2008/TT-BGDĐT và Thông tư 22/2008/TT-BGDĐT, TS. Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị: “Tăng số lượng bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho các thành phố lớn. Hiện nay số lượng bằng khen quá ít so với tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Nên quy định tỷ lệ bằng khen trên tổng số nhân sự hoặc tỷ lệ bằng khen trên tổng số đơn vị của thành phố đó đối với bằng khen tập thể”…
Bài, ảnh: Hòa Triều
“TP.HCM luôn là đơn vị dẫn đầu cả nước về sự phát triển giáo dục. Thành phố dẫn đầu phong trào “Hai không”, luôn đi đúng hướng – đúng mục tiêu của ngành và có nhiều sáng kiến để các tỉnh, thành học tập noi theo. Bộ GD-ĐT luôn xác định TP.HCM và các TP. Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ là 5 đầu tàu kéo giáo dục cả nước phát triển. Vì vậy công tác TĐKT rất quan trọng. Tuy nhiên, công tác TĐKT cũng có hai mặt, nếu làm tốt thì sẽ là động lực để phát triển giáo dục, nếu làm không tốt thì sẽ kìm hãm sự phát triển. Tôi mong rằng, các trường ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung khắc phục những hạn chế để xứng đáng là một đơn vị trong sạch giáo dục con người” – Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý phát biểu.
|
Bình luận (0)