Hội nhậpGiáo dục phát triển

Công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT, Bổ túc THPT từ ý kiến của cơ sở

Tạp Chí Giáo Dục

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2009: Giảm áp lực thi, tiết kiệm chi phí cho xã hội

Công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT là một nội dung được giáo dục nhiều địa phương có ý kiến trong Hội nghị – tập huấn công tác khảo thí và quản lý chất lượng GD phổ thông năm 2009. Lãnh đạo Sở GD&ĐT, trưởng phòng Khảo thí – Kiểm định chất lượng GD ở một số địa phương đã nêu những ý kiến đáng chú ý xung quanh kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT.

Theo Sở GD&ĐT Khánh Hoà, cần quy định một số lần được sử dụng giấy chứng nhận nghề phổ thông để cộng điểm khuyến khích nếu thí sinh không tốt nghiệp trong kỳ thi đầu tiên của cấp học. Nếu không qui định sẽ dẫn đến tình trạng bất hợp lý đối với thí sinh tự do hệ GDTX quá lớn tuổi nhưng vẫn được hưởng điểm khuyến khích do có chứng chỉ nghề phổ thông từ khi còn đi học.

Về môn thi, Sở GD&ĐT Khánh Hoà cho rằng không nên quy định “cứng” nhóm môn thi. Việc qui định nhóm môn thi nên để các địa phương thiết kế cho phù hợp với thực tế. Ví dụ, có thể tăng nhóm môn thi cho ngành GDTX để bố trí HS tự do và học viên phổ cập thi riêng với học viên chính khoá, mặc dù thi chung hội đồng. Sở này cũng đưa ra đề nghị là nên thống nhất qui định tổ chức thi liên trường, vì nếu không số hội đồng coi thi sẽ tăng lên rất nhiều do các địa phương sẽ thành lập hội đồng coi thi cho mỗi trường và khó thực hiện chủ trương “hai không”. Những trường hợp đi lại quá khó khăn như vùng cao, hải đảo, vùng kinh tế khó khăn… tuỳ từng tình hình cụ thể, GĐ Sở GD&ĐT quyết định thành lập hội đồng coi thi riêng, nhưng không thành lập hội đồng nếu số thí sinh tham dự thi tại hội đồng thi đó dưới 8 phòng thi. Không nên khuyến khích tổ chức ghép chung hội đồng coi thi THPT và bổ túc THPT, vì làm như vậy dễ xảy ra sai sót trong công tác quản lý đề thi cũng như một số vấn đề khác.

Sở GD&ĐT Khánh Hoà cũng đề nghị thành lập hội đồng phách độc lập với hội đồng chấm thay cho bộ phận làm phách trong hội đồng chấm thi. Quy định mối quan hệ làm việc giữa hội đồng phách và hội đồng chấm sao cho phù hợp. Việc thành lập hội đồng làm phách độc lập với hội đồng chấm thi nhằm mục đích tăng thêm tính khách quan trong quá trình chấm thi, đồng thời thực hiện tốt hơn nữa chủ trương “hai không”, làm rõ khái niệm “cách ly triệt để” của bộ phận làm phách, nếu không mỗi địa phương sẽ làm theo một cách khác nhau.

Theo Sở GD&ĐT Khánh Hoà: “Cần nhanh chóng hoàn thiện chương trình quản lý thi sử dụng chung toàn quốc. Khi thống nhất được phần mềm dùng chung này, nhất là mô đun làm phách được hoàn thiện trên cơ sở dữ liệu thống nhất thì việc điều chuyển chủ tịch hội đồng chấm thi cùng một số thành phần liên quan từ tỉnh này sang tỉnh khác là khả thi”.

Có ý kiến về công tác thi, Sở GD&ĐT Đồng Nai đề nghị: “Từ nay cho đến năm 2010, Bộ GD&ĐT cần triển khai xây dựng ngân hàng đề thi trắc nghiệm cho tất cả các môn đủ sức lựa chọn được mức độ yêu cầu của đề thi, đáp ứng cho tiêu chí xét công nhận tốt nghiệp xét tuyển đại học, cao đẳng; đủ sức tạo nhiều phiên bản đề thi có số lượng và mức độ kiến thức như nhau nhưng hình thức và nội dung không giống nhau”. Sở GD&ĐT Đồng Nai cũng có đề nghị Bộ tiếp tục triển khai song song 2 kỳ thi như hiện nay; cải tiến quy trình làm đề thi, nội dung đề thi, chỉ đạo công tác coi thi và chấm thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT, sao cho đồ thị biểu diễn các mức điểm từ 5 trở lên đối với mỗi môn thi có điểm lệch nhỏ hơn, độ phủ lớn hơn nữa so với kỳ thi tuyển sinh cùng năm. Khi các biểu thống kê này ổn định trong 2 năm trở lên, lúc đó mới gộp hai kỳ thi thành một kỳ.

Theo Sở GD&ĐT Đồng Nai, ngoài việc tăng cường công tác thanh tra giám sát của thanh tra uỷ quyền do Bộ điều động, đề nghị bổ sung việc điều động giám thị coi thi từ tỉnh ngoài với tỷ lệ 50%. Về công tác chấm thi, do hầu hết các môn thi theo hình thức trắc nghiệm, chấm bằng chương trình phần mềm máy tính có thể chấm nhiều bài trong một thời gian ngắn, Sở GD&ĐT Đồng Nai đề nghị Bộ thành lập các cụm chấm thi, mỗi cụm chấm thi chấm bài của một số tỉnh, không để các tỉnh tự chấm bài thi của HS trong tỉnh.

Nêu ý kiến liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, Sở GD&ĐT Thái Nguyên có đề nghị Bộ quy định thống nhất phần mềm quản lý thi. Bên cạnh đó, các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn tổ chức thi nên ban hành sớm để địa phương có thời gian triển khai kỹ. Về việc điều động thanh tra uỷ quyền từ các trường ĐH, theo Sở GD&ĐT Thái Nguyên, cần có sự chọn lọc, tránh tình trạng thanh tra không nắm được nghiệp vụ làm thi. Thanh tra uỷ quyền phải là những người có trình độ nghiệp vụ, đúng chuyên môn và thanh tra nên có trình độ cao hơn người coi thi. ý kiến của Sở GD&ĐT Thái Nguyên là về sau này, Bộ nên có quy chế về lực lượng thanh tra uỷ quyền. Theo Sở GD&ĐT Thái Nguyên: Cái gốc cơ bản của thi nghiêm túc phải là nhà trường, nghiêm túc phải từ nhà trường chứ không phải vì thanh tra nhiều mà nghiêm túc. Cũng theo Sở GD&ĐT Thái Nguyên, quy chế thi vẫn còn một số nội dung chưa rõ ràng, gây khó khăn trong quá trình vận dụng.

Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế có đề nghị Bộ có những hướng dẫn rõ để chuẩn bị dữ liệu thi tốt nghiệp. “Hiện nay có các loại thí sinh cùng một loại môn thi như: Ban Khoa học tự nhiên (4 môn nâng cao), Ban Khoa học xã hội và nhân văn (4 môn nâng cao), Ban cơ bản (có 4 loại học 3 môn nâng cao), ngoài ra còn có các loại học từ 1 đến 2 môn nâng cao, những loại này xếp như thế nào?”. Sở GD&ĐT của tỉnh này còn đề nghị “Sửa đổi Mục 7 điều 21 Quy chế thi tốt nghiệp THPT: Thí sinh học theo chương trình phân ban học theo ban nào thì phải làm đề thi riêng theo ban đó; thí sinh làm cả hai phần đề thi riêng thì bị coi là phạm quy và không được chấm điểm bài làm phần thi riêng.” Theo Sở GD&ĐT Thừa Thiên – Huế: Bộ nên quy định chặt chẽ việc thi tốt nghiệp THPT ở địa phương phải tập trung tại một địa điểm hoặc một số địa điểm, hoặc ít ra là thi liên trường. Sở này cũng cho biết trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2008, Thừa Thiên – Huế tổ chức thi tập trung ở 34 hội đồng thi và cho rằng thi như vậy đảm bảo được nghiêm túc và cũng quản lý được.

Theo GDTĐ

Bình luận (0)