Ngành giáo dục đang chịu những áp lực nặng nề từ các vấn nạn học đường như bạo lực, bỏ học, tự tử,… Các vấn nạn trên cần những nhân viên chuyên môn công tác xã hội (CTXH) học đường để hỗ trợ giải quyết, nhưng thực tế ở Việt Nam chưa có.
Chia sẻ áp lực cho giáo viên
Chia sẻ áp lực cho giáo viên
Tại hội thảo CTXH học đường do ĐH Mở TPHCM tổ chức ngày 10/6, tiến sĩ Lê Thị Mai, Phó trưởng khoa Xã hội & Nhân văn (ĐH Tôn Đức Thắng) nêu lên con số đáng báo động: “Chỉ cần đánh chữ “bạo lực học đường” vào trang tìm kiếm google, trong khoảng 0,02 giây đã có thể tìm thấy khoảng 7.740.000 kết quả. Một con số sinh động phản ánh bức xúc của xã hội đối với hiện tượng này”.
Môi trường học đường đang có nhiều vấn nạn cần giải quyết (ảnh: intenet) |
Bà cũng chỉ rõ những vấn nạn đau lòng khác của môi trường học đường: “Cả xã hội và gia đình phải giật mình khi chứng kiến 5 em học sinh ở Hải Dương rủ nhau tự tử tập thể… Một số em có những bất ổn tâm lý trước sức ép từ những kỳ vọng quá lớn của phụ huynh. Nhiều em bỏ học không những vì lý do kinh tế mà còn do không có hứng thú trong học tập…”.
TS Thạch Ngọc Yến, chuyên viên tư vấn của Trung tâm CTXH Trẻ em TPHCM cho rằng: “Trước đây người ta thường nói “con hư tại mẹ”. Nay xảy ra những vấn nạn như bạo lực học đường thì người ta nói “do nhà trường, do giáo dục, do xã hội!”, còn có “do chính đứa trẻ!”.
Theo bà, nói “do chính đứa trẻ” là không đúng vì chúng đang trong giai đoạn học tập, chúng có nên người hay không là chính nhờ người lớn. Bà bức xúc: “Trong vụ các em học sinh nữ hành hung, lột quần áo bạn học và quay clip tung lên mạng gần đây có 6 em bị đuổi học 1 năm. Vậy chúng ta không giáo dục được các em thì chúng ta đẩy các em ra đường à?! Rồi ai sẽ tiếp tục đảm nhiệm vai trò giáo dục chúng?”.
TS Thạch Ngọc Yến cho rằng: “Đặc thù của TPHCM, hầu hết gia đình đều giao hẳn đứa trẻ cho nhà trường nuôi nấng, dạy dỗ từ 4 tháng tuổi cho đến khi trưởng thành. Chúng học bán trú cả ngày ở trường, chỉ về nhà để ngủ. Công tác dạy dỗ được giao trắng cho ngành giáo dục trong khi giáo viên chỉ có chuyên môn giáo dục kiến thức và công việc rất nặng nề, áp lực rất lớn”.
Theo TS Lê Thị Mai, xã hội đã có nhiều tranh luận đưa ra nhiều giải pháp giải quyết các vấn nạn học đường như nâng cao chất lượng giáo viên, đổi mới phương pháp giảng day, nội dung, chương trình… Nhưng bà cho rằng: “Đó là những ý kiến rất đúng, nhưng chưa đủ”.
Theo bà, cần đưa CTXH học đường vào nhà trường để hỗ trợ giáo viên giải quyết những bức xúc trên của học đường. Vì nhân viên xã hội mới có chuyên môn, đủ kiến thức và mối quan hệ để giải quyết những vấn đề trên.
Tư vấn học đường chưa phải là CTXH học đường
Thạc sĩ Lê Chí An, Trưởng bộ môn CTXH – ĐH Mở TPHCM cho biết: “Thực tế, tại TPHCM cũng đã manh nha áp dụng mô hình này từ gần 10 năm nay. Tuy nhiên, nó chỉ được thực hiện thí điểm tại một số trường nhờ vào các dự án hỗ trợ ngắn hạn của các tổ chức quốc tế, khi dự án hết thì phải ngừng vì không còn kinh phí để duy trì”.
Ngoài ra, hình thức thí điểm hiện nay ở TPHCM và các tỉnh phía Nam chủ yếu chỉ là mô hình tư vấn học đường chứ chưa thật đúng là CTXH học đường. Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, giáo viên tư vấn tâm lý trường THCS Hùng Vương (Tân Phú, TPHCM) thì: “Tư vấn tâm lý học đường không thể thay thế CTXH học đường vì người làm CTXH học đường không chỉ ngừng lại ở việc hỗ trợ thân chủ về mặt tâm lý”.
Theo thạc sĩ Tôn Nữ Ái Phương, giảng viên ĐH Mở TPHCM thì nhân viên CTXH học đường còn phải thực hiện rất nhiều công tác khác để giải quyết các vấn nạn học đường. Ví dụ như vấn nạn trẻ bỏ học, khi điều tra thì có rất nhiều nguyên nhân như: gia đình khó khăn, cha mẹ nhận thức kém, ảnh hưởng của bạn bè, tự bản thân trẻ…
Để giải quyết những nguyên nhân trên không chỉ tư vấn tâm lý là được. Người làm CTXH học đường còn phải vận dụng các nguồn lực XH để giúp trẻ vượt qua những khó khăn trên như vận động chính sách và XH để giúp gia đình học sinh thoát nghèo, vãng gia để nâng cao nhận thức cho cha mẹ trẻ, hỗ trợ trẻ vượt qua khó khăn trong học tập…
Những công việc này nếu đơn thuần chỉ là nhân viên tư vấn tâm lý thì không làm được. Nếu để giáo viên kiêm nhiệm thì càng khó khăn hơn vì họ chịu áp lực rất lớn của tiến độ giảng dạy. Vả lại, ngoài học sinh thì giáo viên cũng là một đối tượng mà nhân viên CTXH học đường cần hỗ trợ vì giáo viên cũng xuất hiện vấn đề khi phải đối mặt với áp lực quá lớn từ công việc.
TS Thạch Ngọc Yến đưa ra những hình ảnh một học sinh bị đánh thâm tím mình mảy và nói: “Đây là một em học sinh bị thầy đánh. Trước áp lực quá nặng nề của công việc, thầy trở nên nóng nảy và không thể kiềm nén cảm xúc của mình. Giáo viên cũng là con người thôi. Lúc này giáo viên cũng trở thành đối tượng cần nhân viên CTXH học đường hỗ trợ”.
Theo Tùng Nguyên
(Dân trí)
Bình luận (0)