Sự kiện giáo dụcTin tức

Công tác y tế trong trường học: Sức khỏe học sinh được chăm sóc… sơ sài

Tạp Chí Giáo Dục

Kinh phí cho hoạt động YTTH ngày càng eo hẹp nên rất ít trường thực hiện khám sức khỏe cho học sinh
Mặc dù công tác y tế trường học (YTTH) đã được ngành y tế, ngành giáo dục quan tâm. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập. Theo đó, ngày 12-7-2006, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 23 về việc tăng cường công tác y tế trong các trường học.
Sau 5 năm triển khai Chỉ thị 23, công tác YTTH đã có nhiều tiến triển. Tuy nhiên, trong Hội thảo đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị số 23/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tổ chức tại TP.HCM ngày 10-5, vấn đề được các đại biểu mổ xẻ nhiều nhất chính là kinh phí. Thậm chí có đại biểu còn cho rằng, nếu không có kinh phí thì dù hai ngành y tế, giáo dục có cố gắng cỡ nào thì công tác YTTH cũng khó phát triển…
Hơn 63% cán bộ YTTH không có chuyên môn
Đánh giá về công tác YTTH năm 2010, bác sĩ Trương Đình Bắc – Bộ Y tế cho biết: “Cả nước có 35.167 trường từ tiểu học đến THPT, với tổng số 12.656.134 học sinh. Trong đó chỉ có 10.169 trường có phòng y tế, chiếm 28,9%. Tổng số cán bộ YTTH là 19.427 người, trong đó chuyên trách: 9.442 người, kiêm nhiệm: 9.985 người. Và điều đáng nói là có tới 5.424 giáo viên làm công tác YTTH. Ngoài ra còn có tới 5.976 người không có chuyên môn y tế làm công tác này. Theo đó có tới 63,1% cán bộ YTTH không có chuyên môn. Riêng đội ngũ y sĩ đa khoa có 2.704 người, đây là lực lượng mà Bộ Y tế khuyến cáo các trường học nên sử dụng bởi chuyên môn của những người này rất phù hợp với công việc của cán bộ YTTH”.
Trong khi đó, ở khu vực phía Nam, số trường tiểu học có phòng y tế chiếm 28%, THCS là 32%, THPT là 49%. Tổng số cán bộ YTTH tại cả ba cấp học là 4.641 người. “Trong đó, số giáo viên, nhân viên nhà trường đang kiêm nhiệm là 3.123 người, chiếm gần 67%. Điều này cảnh báo về đội ngũ chưa chuyên nghiệp đang phải đảm nhiệm công tác YTTH”, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Doãn Thành – Khoa Sức khỏe trường học, Viện Vệ sinh – Y tế Công cộng TP.HCM tâm tư.
Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, theo bác sĩ Nguyễn Xuân Hoan – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thì chỉ có 65,2% trường học có cán bộ YTTH. Đáng buồn hơn là trong số đó có tới 76% là giáo viên, tổng phụ trách đội, văn thư… kiêm thêm công tác YTTH.
So với cả nước thì công tác YTTH ở TP.HCM được quan tâm nhiều. Tuy vậy vẫn còn tới 48,1% trường chưa có cán bộ y tế chuyên trách mà phải kiêm nhiệm.
Kinh phí ngày càng eo hẹp
Trước đây, kinh phí để công tác YTTH hoạt động chủ yếu lấy từ nguồn bảo hiểm y tế học sinh trích lại. Từ cuối năm 2009 trở về trước, do bảo hiểm y tế học sinh không bắt buộc nên tiền trích lại cho các trường tương đối cao – 20%. Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2010, Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực, học sinh bắt buộc phải tham gia bảo hiểm y tế nên phần trăm trích lại cho các trường giảm xuống còn 10%. Theo đó, kinh phí để YTTH hoạt động cũng bị giảm 50%.
Song số kinh phí khiêm tốn này không chỉ dùng để mua thuốc và các trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác sơ cứu ban đầu tại trường học mà phần lớn là để trả lương cho cán bộ YTTH. “Các khoản chi từ nguồn bảo hiểm y tế học sinh, gồm: 56,5% chi trả lương cho cán bộ YTTH, 35,2% chi mua thuốc, 8,4% chi mua trang thiết bị… Ngoài ra, chỉ có 14 tỉnh, thành báo cáo là được cấp kinh phí từ ngân sách địa phương chi cho hoạt động YTTH – trung bình 26,5 triệu đồng/tỉnh, so với nhu cầu chỉ đạt 4,1%. Đối với ngành giáo dục, số kinh phí được cấp cũng rất thấp, trung bình 48,5 triệu đồng/tỉnh, trong đó 54,2% dùng để chi trả lương cho cán bộ YTTH. So với nhu cầu chỉ đạt 27,54%”, bác sĩ Bắc cho biết.
Hoàn cảnh của TP.HCM cũng không khá gì so với tình hình chung của cả nước. “Trước đây, ngân sách cấp cho mỗi học sinh 20 ngàn đồng/năm chi khám sức khỏe định kỳ nhưng nay đã bị cắt. Nguồn từ bảo hiểm y tế học sinh trích lại cho trường cũng giảm xuống còn 10%. Đặc biệt là các trường mầm non, do học sinh dưới sáu tuổi thuộc diện khám chữa bệnh miễn phí nên nhà trường không có khoản trích lại từ bảo hiểm y tế. Vì vậy hoạt động về YTTH rất khó khăn”, ông Phạm Thành Long – Phòng Công tác học sinh sinh viên, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết.
Vì kinh phí không có nên việc khám sức khỏe định kỳ cho học sinh/năm học ngày càng qua loa, sơ sài. Có địa phương, giao cho trạm y tế phường, xã thực hiện. Trong khi nhân viên của trạm y tế thiếu chuyên môn nên khám cũng như không khám. Không chỉ có vậy, việc khám sức khỏe chủ yếu được thực hiện ở mầm non và tiểu học, còn các bậc học khác gần như bỏ luôn. Cụ thể như ở bậc THPT chỉ có 6,1% học sinh được khám sức khỏe định kỳ. Hậu quả, các bệnh học đường ngày càng gia tăng, tỷ lệ học sinh mắc tật khúc xạ chiếm tới 16 – 17%, các bệnh về cong vẹo cột sống: 10%, bệnh về răng miệng: khoảng 35%…
Từ thực tế này, nhiều đại biểu cho rằng cần phải cấp kinh phí cho hoạt động YTTH theo đầu học sinh/năm học. Bác sĩ Bắc kiến nghị: “Phải có sự đầu tư thỏa đáng cho hoạt động YTTH, đặc biệt từ nguồn kinh phí địa phương ưu tiên cho công tác đào tạo tập huấn cán bộ, mua sắm trang thiết bị máy móc, phương tiện thuốc men, khám sức khỏe định kỳ và truyền thông giáo dục sức khỏe”.
Bài, ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)