Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Công tâm lựa chọn tác phẩm sân khấu xứng tầm

Tạp Chí Giáo Dục

Giới nghệ sĩ sân khấu đặt kỳ vọng vào việc công tâm trong bình chọn tác phẩm xứng tầm thông qua các lá phiếu cũng như việc đề cử

Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM đã chỉ đạo Hội Sân khấu TP HCM tổ chức hội nghị giới thiệu tác phẩm sân khấu tiêu biểu TP HCM giai đoạn 1975 – 2023, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975 – 2025).

Được công chúng yêu thích

Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM, cho biết các hội thành viên của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM sẽ thành lập hội đồng chuyên ngành và tiến hành bình chọn, đề cử tác phẩm (mỗi hội chuyên ngành đề cử 10 tác phẩm) để hội đồng TP HCM và công chúng bình chọn 50 tác phẩm tiêu biểu.

Tiêu chí bình chọn chung dành cho các tác phẩm sân khấu được sáng tác trong giai đoạn từ 30-4-1975 đến 31-12-2023, là có giá trị tư tưởng, nghệ thuật và có sức lan tỏa rộng. NSƯT Lê Thiện bày tỏ: "Các tác phẩm bình chọn ngoài việc thể hiện tinh thần đấu tranh vẻ vang, anh dũng, về cuộc sống và con người TP HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình… Đặc biệt là không thể thiếu tiêu chí: được công chúng yêu thích".

Công tâm lựa chọn tác phẩm sân khấu xứng tầm- Ảnh 1.

Một cảnh trong vở cải lương “Người ven đô” (Sân khấu Cải lương mới Đại Việt). Ảnh: Thanh Hiệp

Theo giới chuyên môn, rất khó chọn lựa tác phẩm tiêu biểu trong hành trình 50 năm, bởi sân khấu TP HCM có nhiều loại hình: hát bội, cải lương, kịch nói, múa, nghệ thuật dân gian, xiếc, rối…, việc bình chọn và tuyên dương các tác phẩm văn học – nghệ thuật tiêu biểu của TP HCM đòi hỏi phải tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo…

Góc nhìn nhân văn sâu sắc

NSND Trần Minh Ngọc cho rằng sự kiện bình chọn tác phẩm sân khấu hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, là sự kiện mà giới sân khấu TP HCM cần phải quán triệt đầy đủ, sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa, văn nghệ.

"Mỗi lá phiếu bình chọn là sự ghi nhận công tâm những đóng góp, cổ vũ, động viên, phát huy tài năng, tâm huyết của đội ngũ văn nghệ sĩ trong việc xây dựng nền văn học – nghệ thuật Việt Nam" – NSND Trần Minh Ngọc nhấn mạnh.

Theo NSƯT Ca Lê Hồng, thành viên Hội đồng Nghệ thuật Sở Văn hóa – Thể thao TP HCM, sân khấu thành phố trên chặng đường 50 năm phát triển đã để lại rất nhiều dấu ấn sâu đậm. Do đó, việc bình chọn, đề cử phải hết sức thận trọng, cân nhắc, tránh bỏ sót tác phẩm xứng đáng. "Nên tổ chức thăm dò ý kiến khán giả, để mỗi tác phẩm được chọn thật sự xứng tầm" – NSƯT Ca Lê Hồng đề xuất.

Thực tế cho thấy có những tác phẩm ra đời cách đây 40 – 50 năm nhưng vẫn được yêu thích mỗi khi tái diễn như: "Người ven đô", "Khách sạn Hào hoa", "Nhân danh công lý"…, cũng có những kịch bản chỉ vài năm gần đây nhưng gây tiếng vang lớn của đơn vị xã hội hóa như: "Dấu xưa" (Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM), "Chiếc áo thiên nga" (Nhà hát Trần Hữu Trang), "Lê Công kỳ án" (Nhà hát Nghệ thuật Hát bội), "Tiên Nga" (Nhà hát IDECAF), "Giáng Hương – Sân khấu về khuya" (Sân khấu Thiên Đăng), "Nỏ thần" (Sân khấu Hồng Vân)…

Những người trong cuộc cho rằng giới văn nghệ sĩ gắn bó với đời sống sân khấu TP HCM phải hết sức công tâm trong việc chọn lựa, giới thiệu những tác phẩm xứng đáng, những sáng tác có giá trị nghệ thuật đạt chất lượng cao, bám sát đời sống đương đại, có sức lan tỏa và mang góc nhìn nhân văn sâu sắc. 

Theo các nhà chuyên môn, đây cũng là dịp để giới văn nghệ sĩ có thể định vị được vị trí của văn học – nghệ thuật biểu diễn trong dòng chảy liên tục của dân tộc, nhất là tác phẩm sân khấu của một đất nước tự cường.

Theo Thanh Hiệp/NLĐO

 

 

Bình luận (0)