Khi lựa chọn bất cứ ngành nghề nào để theo đuổi hay thậm chí là khởi nghiệp, chỉ năng lực thôi là chưa đủ mà còn cần phải có đam mê và ước mơ. Đặc biệt là biết tận dụng lợi thế của gia đình để làm điểm tựa đi lên, cùng với đó là dựa vào xu hướng của xã hội…
TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) trao đổi với các em học sinh Trường THPT Trưng Vương về những thông tin mới của kỳ thi THPT quốc gia 2019
Các chuyên gia đã chia sẻ như vậy trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 11 năm học 2018-2019 tại Trường THPT Trưng Vương (Q.1) và THPT Nguyễn Chí Thanh (Q.Tân Bình) vừa qua. Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) và ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF). Bên cạnh những lời khuyên về lựa chọn ngành nghề, các chuyên gia còn cung cấp nhiều thông tin hữu ích về xu hướng ngành nghề hiện nay trong xã hội.
Khởi nghiệp hay lập nghiệp?
Câu chuyện khởi nghiệp được rất nhiều học sinh quan tâm, đặt câu hỏi trong chương trình. Cụ thể, các em hỏi: “Muốn khởi nghiệp sau khi tốt nghiệp THPT thì có nên học tiếp hay dừng lại và bước ra ngoài với dự án riêng của bản thân?”. Giải đáp câu hỏi này, ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh và Truyền thông, UEF) cho rằng khởi nghiệp là câu chuyện không hề mới và đang là xu hướng của xã hội. Nhưng dường như các bạn trẻ, đặc biệt là các em học sinh hiện nay đang mắc phải sai lầm trong việc hiểu thế nào là khởi nghiệp. “Khởi nghiệp khác với lập nghiệp. Hiện các em đang nhầm lẫn giữa khởi nghiệp và lập nghiệp. Khởi nghiệp là một phạm trù, đòi hỏi có tầm nhìn xa. Để khởi nghiệp, các em phải có dự án trong tay mà trong dự án đó phải có điểm mới hướng đến tính cộng đồng, mang lại những phúc lợi xã hội. Còn lập nghiệp là khi bản thân có một số vốn và làm kinh doanh trong bất cứ lĩnh vực nào. Lập nghiệp không cần mới, không cần độc. Ngay như việc các em mở một quán bán hủ tiếu cũng là đang lập nghiệp”, ThS. Nguyên phân tích.
Về thắc mắc liệu có nên học tiếp hay dừng lại để khởi nghiệp, lời khuyên được ThS. Nguyên đưa ra là nếu đã có ý định khởi nghiệp thì càng cần phải học. Bởi khởi nghiệp là cả một quá trình dài, muốn làm cần phải có kiến thức, có hiểu biết và đặc biệt là sự trải nghiệm. “Đầu tiên các em phải biết mình muốn theo đuổi ở lĩnh vực nào, rồi thâm nhập, tìm hiểu kỹ lĩnh vực đó. Chỉ khi tiếp cận các em mới hình dung ra được là mình cần bắt đầu từ đâu, như thế nào. Sau đó tiến tới xây dựng kế hoạch, nhân sự, dự án… Những điều này, chỉ khi các em học, tích lũy kiến thức thì mới có tầm nhìn và chiến lược đủ mạnh để làm”, ThS. Nguyên chia sẻ.
Ba yếu tố để chọn nghề phù hợp
“Nếu có những nhầm lẫn trong lựa chọn ngành nghề thì chắc chắn các em sẽ phải bắt đầu lại từ đầu. Điều này gây ra sự lãng phí không hề nhỏ không chỉ về mặt tiền bạc mà còn là thời gian, cơ hội của chính các em”, TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị tri thức, Sở KH-CN TP.HCM) nhấn mạnh.
Công thức lựa chọn được ngành nghề phù hợp với bản thân, theo TS. Tùng là phải có sự kết hợp đồng thời cả 3 yếu tố. Trước hết, các em cần biết mình thực sự yêu thích gì, mong muốn điều gì. Chủ yếu ở 2 lĩnh vực là khoa học kỹ thuật công nghệ và xã hội. Thứ hai là dùng chính lợi thế của gia đình để phát huy sở thích, mong muốn đó. Ví dụ, nếu lợi thế gia đình về kinh doanh thì các em có thể theo đuổi ngành kinh doanh; lợi thế gia đình về tài chính thì các em có thể lựa chọn đi du học… Thứ ba là kết hợp với xu hướng của xã hội, những ngành nghề mà xã hội đang cần, đang thiếu…
Cùng chung nhận định, ThS. Nguyễn Hồng Thư (Giám đốc Trường Nhật ngữ và du học Redbook) cho rằng cơ hội để tìm ra một ngành nghề mình yêu thích và theo đuổi được nó là rất lớn. Quan trọng là các em có biết nắm bắt những cơ hội đó hay không. “Ngay cả trong việc du học cũng thế. Các em hoàn toàn có thể du học với chi phí thấp hoặc chi phí… 0 đồng. Hiện có rất nhiều học bổng hấp dẫn, thế nhưng các em phải biết phát huy và nắm bắt cơ hội học bổng ở những quốc gia mà mình hướng tới. Quan trọng nhất là phải hiểu được bản thân mình, hoạch định rõ hướng đi của mình thì mới thành công”, bà Thư chia sẻ.
Giao tiếp kém có nên chọn ngành marketing?
Giải đáp băn khoăn này, các chuyên gia cho rằng marketing là một ngành học đặc thù mà một trong những tố chất cần có của ngành là khả năng giao tiếp thì mới có thể hoàn thành công việc. Tuy nhiên, nếu có đam mê với nghề, mong muốn theo nghề thì có thể lựa chọn một môi trường học tập phù hợp để “bù đắp” khả năng còn thiếu này. “Những yếu tố như năng động, khả năng giao tiếp tốt, hoạt bát là điều cần có của một người làm nghề marketing. Với ngành này, không ai có thế mạnh ngay từ đầu mà cần phải có quá trình để trau dồi, trang bị”, ThS. Nguyễn Trần Ngọc Phương (Phó Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, HUTECH) chia sẻ.
Hãy học thật tốt nội dung chương trình lớp 12 Nhiều giáo viên và học sinh lớp 12 lo lắng không biết tổ chức ôn tập các môn thi THPT quốc gia 2019 như thế nào khi giữa nội dung đề minh họa và thông tin về kỳ thi có sự “không đồng nhất”. Với vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) đưa ra lời khuyên: quy chế của kỳ thi THPT quốc gia 2019 là nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12. Đồng thời, đề thi đảm bảo ở ngưỡng cơ bản xét tốt nghiệp. Do vậy, giáo viên bộ môn và các em học sinh hãy cứ tập trung chủ yếu vào chương trình lớp 12. “Hãy học thật tốt nội dung chương trình lớp 12. Bởi đây là phần kiến thức chiếm đa số trong đề thi. Còn về kiến thức lớp 10, lớp 11, với những em nào xác định dùng bài thi để xét ĐH-CĐ thì phải chú trọng hơn vào phần kiến thức này nhưng chỉ ở mức cơ bản, bao quát”, TS. Nghĩa lưu ý. Để tăng cơ hội đậu vào các trường ĐH-CĐ, theo TS. Nghĩa, học sinh cần dựa vào năng lực của bản thân để lựa chọn phương thức xét tuyển và môi trường học tập cho phù hợp. |
Theo ThS. Phương, người học có thể tự trang bị những kỹ năng này ngay chính trong môi trường học tập như tích cực tham gia các hoạt động của lớp, của trường từ bậc phổ thông; sinh hoạt trong các câu lạc bộ học thuật của trường ĐH hoặc chủ động trong việc học tập, trang bị cho mình khả năng làm việc nhóm…”, ThS. Phương nhấn mạnh.
Tiềm năng trong ngành cơ khí ô tô là rất lớn
Với băn khoăn của học sinh về ngành cơ khí ô tô, ThS. Nguyễn Đình Đương (Phó ban Tuyển sinh, HUTECH) thông tin: ở Việt Nam, ngành này có lợi thế rất lớn khi nhà máy sản xuất ô tô lớn thứ 4 trên thế giới đang được xây dựng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, thương hiệu ô tô riêng của Việt Nam cũng đang phát triển. Nếu có đam mê về ngành này, các em hãy cứ tự tin theo đuổi. Tuy nhiên, để có một vị trí công việc tốt, ngoài đam mê, các em còn cần phải căn cứ vào năng lực của bản thân, cơ bản như học tốt các môn tự nhiên như toán, lý…
Về băn khoăn “nữ giới có theo học được ngành này không?”, ThS. Đương cho biết quan niệm khối ngành kỹ thuật chỉ dành riêng cho nam giới đã lỗi thời. Trong xu thế “học một ngành có thể làm được nhiều nghề” thì trong ngành này, các em nữ hoàn toàn có thể theo học được nhưng thiên về kế toán, bán hàng, tư vấn. “Ở bậc CĐ và ĐH đều có đào tạo ngành cơ khí ô tô. Đặc biệt, ở HUTECH, ngành học này còn được liên kết đào tạo với Nhật Bản. Các em nên căn cứ vào năng lực bản thân cũng như hướng phát triển nghề nghiệp để lựa chọn bậc học cho phù hợp”, ThS. Đương nhắn nhủ.
Đỗ Yến
Bình luận (0)