Chiều 12-1, Sở Công thương TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết ngành công thương TP.HCM năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024.
Năm 2023 dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng ngành công thương TP.HCM vẫn đảm bảo các hoạt động ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân
Tham dự và phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá cao công tác tham mưu trong năm 2023 của ngành công thương. Ngành cũng đã có sự chủ động tổ chức các hoạt động, đóng góp chung cho kết quả năm của TP.
Theo ông Dũng, đầu năm 2023 với xuất phát điểm TP vừa vượt qua khỏi đại dịch, kết thúc quý 1 tăng trưởng kinh tế TP gần như bằng 0, đạt 0,7%. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo TP, sự đồng hành của ngành công thương, cộng đồng doanh nghiệp, người lao động đã giúp kinh tế dần phát triển. Quý 4 năm 2023 kinh tế TP đạt 9,65% và cả năm 5,81%, cao hơn mức trung bình cả nước 5,05% cho thấy nếu có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và sự nỗ lực của ngành công thương, cộng đồng doanh nghiệp, người lao động thì kinh tế TP vượt qua khó khăn. “Để đạt được kết quả ý nghĩa này thì ngành công thương là một trong những đơn vị có sự đóng góp không nhỏ”, ông Dũng nhấn mạnh.
Dự báo tình hình còn khó khăn, thách thức lớn, năm 2024, TP.HCM xác định chủ đề công tác năm: “Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”. Trên tinh thần này, TP đặt ra nhiều nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ cho ngành công thương.
Thống nhất với phương hướng, nhiệm vụ ngành công thương TP đặt ra cho năm 2024, ông Dũng góp ý một số công việc để ngành quan tâm tổ chức thực hiện, giúp quá trình phát triển kinh tế TP có hiệu quả.
Trong đó, gắn với chuyển đổi số, ông đề nghị ngành công thương tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, trong đó có thương mại điện tử để môi trường kinh doanh trên môi trường số, cùng với quá trình xây dựng chính quyền số để TP tiếp tục là một trong những đơn vị dẫn đầu chuyển đổi số.
Với Nghị quyết 98, trong các cơ chế chính sách có đề cập kinh tế xanh, trên cơ sở này ngành công thương cần đeo bám các công việc, cũng như công tác tham mưu cho TP để triển khai hiệu quả Nghị quyết.
Ông Dũng nhấn mạnh hiện nay TP đang rất quan tâm đến việc không để kịch bản kinh tế quý 1 năm 2023 lặp lại trong quý 1 năm 2024. Do đó, ngành công thương, cộng đồng doanh nghiệp cũng nên xem đây là bài học kinh nghiệm để tham mưu tổ chức công việc và hoạt động kinh doanh cho TP. Trước mắt, thực hiện tiêu dùng lành mạnh, nhất là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, qua đó kích thích, kích cầu tiêu dùng.
Ông lưu ý ngành công thương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tối đa cộng đồng doanh nghiệp mở rộng thị trường. Sớm trình UND TP ban hành kế hoạch triển khai ngay để cụ thể các đầu việc đã đề ra.
Ông cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM tiếp tục đồng hành cùng ngành công thương trong kết nối giữa ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp để doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận vốn, vượt qua khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo đà kinh tế TP phát triển,…
Theo báo cáo, với mức đóng góp 44,23% trong tăng trưởng 5,81% GRDP trong năm 2023, ngành công thương TP tiếp tục giữ vai trò, trách nhiệm quan trọng trong phát triển kinh tế Thành phố, thể hiện qua nhiều điểm nổi bật.
Trong đó, đến tháng 11-2023, Sở Công thương đã hoàn thành 12-12 nhiệm vụ theo Quyết định của UBND TP về giao nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội và triển khai tích cực các chương trình, Đề án được giao.
Ngành công thương TP cũng đã chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh; từ đó đảm bảo các hoạt động ổn định, duy trì nguồn cung về điện, xăng dầu đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân được liên tục.
Tiếp tục phát huy hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường, duy trì mục tiêu bền vững là đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân TP, được triển khai hoạt động theo Quy chế ngay từ năm 2023 với nhiều điểm mới quy định rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm, tiêu chuẩn của doanh nghiệp tham gia; giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, UBND thành phố Thủ Đức và các quận huyện.
Tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường nội địa thông qua chuỗi các hoạt động: kết nối cung cầu hàng hóa, kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, các chương trình kích cầu tiêu dùng, mùa mua sắm – Shopping Season.
Cùng với đó, tích cực thực hiện chủ trương liên kết vùng, đẩy mạnh các hoạt động kết nối giao thương với 6 vùng trong thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế – xã hội với TP.HCM thông qua tổ chức thành công chuỗi các hoạt động kết nối giao thương với các tỉnh, thành trong Vùng; tổ chức Diễn đàn Mekong Connect 2023 giữa TP.HCM và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.
Tổng kết năm 2023, doanh nghiệp TP.HCM và các địa phương đã thực hiện 2.352 lượt tiếp xúc; ký 233 biên bản ghi nhớ, trong đó có 61 biên bản hiện thực hóa thành hợp đồng thu mua. Thông qua các hoạt động kết nối, đã mở ra thị trường cho cả doanh nghiệp cung ứng thuộc các tỉnh, thành và thị trường thay thế cho thị trường xuất khẩu đang eo hẹp đối với các doanh nghiệp TP.HCM,…
N.Trinh
Bình luận (0)