Đang triển khai xây dựng 36 phòng học và phòng chức năng tại 3 trường: Tiểu học Nguyễn Chí Thanh, THCS Phan Châu Trinh và THCS Lê Quý Đôn ở huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) thì bất ngờ chủ thầu các công trình này vướng vào vòng lao lý. Công trình mới xây dựng dang dở đành “đắp chiếu”, tình trạng thiếu phòng học vẫn chưa được giải quyết khiến dư luận bức xúc.
Các công trình trường học tại Thăng Bình xây dựng dang dở vì chủ thầu vướng lao lý
Đang triển khai xây dựng 36 phòng học và phòng chức năng tại 3 trường: Tiểu học Nguyễn Chí Thanh, THCS Phan Châu Trinh và THCS Lê Quý Đôn ở huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) thì bất ngờ chủ thầu các công trình này vướng vào vòng lao lý. Công trình mới xây dựng dang dở đành “đắp chiếu”, tình trạng thiếu phòng học vẫn chưa được giải quyết khiến dư luận bức xúc.
Phòng học xây dựng dở dang
Thời gian qua dư luận rất băn khoăn về việc chủ thầu đang xây dựng một số công trình trường học trên địa bàn huyện Thăng Bình dính vòng lao lý khiến các công trình này lâm vào tình trạng dở dang. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có 3 công trình xây dựng thêm các phòng học, phòng chức năng tại 3 trường học đang buộc phải bỏ dở giữa chừng, trong khi nhu cầu cơ sở vật chất để dạy học theo Chương trình GDPT mới rất cấp thiết.
Cụ thể, năm 2021, UBND huyện Thăng Bình phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng thêm 12 phòng học, 7 phòng chức năng và một bếp ăn bán trú cho Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh (xã Bình Lãnh), với tổng kinh phí hơn 8,3 tỷ đồng. Công trình khởi công tháng 6-2021, dự kiến đến tháng 1-2022 hoàn thành, đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, vừa hoàn thành xong phần thô thì đầu năm 2022 nhà thầu đột ngột dừng thi công.
Bà Lê Thị Thanh Nga, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh cho biết, do công trình không được bàn giao đúng tiến độ nên nhà trường gặp nhiều khó khăn trong công tác dạy, học. Đơn cử, năm học 2022-2023, trường có 13 lớp với tổng số 409 học sinh nhưng chỉ còn 7 học phòng đảm bảo cho việc dạy học. Để đảm bảo quyền lợi cho học sinh, nhà trường buộc phải để lại điểm trường dạy 2 lớp (1 và 2) để giảm tải, mặc dù theo lộ trình điểm trường này sẽ được xóa vào năm 2022. Thiếu phòng học, nhà trường phải chia ca sáng và chiều để giảng dạy. Dù vậy vẫn không đảm bảo số tiết quy định. Mặt khác, nhà trường không có phòng dạy chuyên môn, điều đó gây ảnh hưởng một phần đến chất lượng học tập của học sinh.
Bà Nga chia sẻ, theo Chương trình GDPT thì một tuần dạy được 32 tiết. Tuy nhiên thiếu phòng học nên dù nhà trường đã cố gắng sắp xếp tăng tiết nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. “Nếu công trình hoàn thiện, nhà trường sẽ bố trí cho học sinh học 2 buổi/ngày, thời gian còn lại cho các em sinh hoạt, vui chơi. Đồng thời, nhà trường sẽ bố trí phòng bán trú và chuyển 2 lớp ở điểm trường lẻ về trường chính để đảm bảo công tác dạy, học cũng như nâng cao chất lượng”.
Trường THCS Phan Châu Trinh (xã Bình An) được đầu tư 4 phòng học và 6 phòng chức năng, thực hành với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Công trình khởi công vào đầu năm học 2021-2022. Tuy nhiên, khi vừa hoàn thành xong phần thô thì đến tháng 5-2022, bỏ dở đến nay. Hiện trạng công trình vẫn còn ngổn ngang vật liệu gạch cát, xung quanh được rào chắn bằng tôn. Ông Võ Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phan Châu Trinh cho biết, trường có 19 phòng học có thể bố trí đủ để giảng dạy cho học sinh nhưng không có các phòng chức năng để dạy thí nghiệm, thực hành. Việc dạy thực hành trực tiếp trong không gian phòng học của lớp ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng.
Trường THCS Lê Quý Đôn (thị trấn Hà Lam) cũng được đầu tư 6 phòng làm việc và 1 hội trường, tổng trị giá gần 4 tỷ. Công trình đã hoàn thiện khoảng 90% nhưng suốt một năm rưỡi trôi qua, mọi thứ vẫn dừng lại ở đó, chưa được sơn quét, lắp đặt thiết bị điện và các phần việc hoàn tất cuối cùng. Ông Hồ Quang Tiến, Hiệu trưởng nhà trường nói, công trình dang dở gây ảnh hưởng lớn đến công việc quản lý của nhà trường. Nhiều phòng chuyên môn sử dụng chung nên không gian chật hẹp rất bất tiện.
Cần có giải pháp đảm bảo quyền lợi cho học sinh
Tìm hiểu được biết, 3 công trình trường học trên do Công ty CP tư vấn và kỹ thuật xây dựng Đại Bình An (Công ty Đại Bình An) thi công. Đầu năm 2022, ông Tô Văn Thanh (SN 1987, ngụ huyện Quế Sơn, Quảng Nam), Giám đốc và ông Trần Thanh Dũng (SN 1987, ngụ huyện Thăng Bình), Phó Giám đốc công ty này bị điều tra vì có liên quan đến hành vi gian dối trong công tác đấu thầu công trình Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh.
Theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Thăng Bình, huyện đang xác định lại các hạng mục công trình để thanh lý giai đoạn đầu. Đồng thời, tổ chức đấu thầu, tìm đơn vị thi công mới để thi công trở lại nhằm sớm đưa các công trình này vào sử dụng đầu năm học 2023-2024. |
Liên quan đến sai phạm tại các công trình khác nhau, cuối tháng 5 vừa qua, TAND tỉnh Quảng Nam vừa đưa vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” ra xét xử sơ thẩm. Theo cáo trạng, liên quan đến công trình Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh tại xã Bình Lãnh thì Dũng đã “bắt tay” với bên liên quan để trúng thầu. Kết quả giám định thiệt hại về đầu thầu được xác nhận tại công trình trường học này là 244 triệu đồng. Cùng với sai phạm tại các công trình khác, TAND tỉnh Quảng Nam tuyên phạt bị cáo Dũng 27 tháng tù và bị cáo Thanh 10 tháng 16 ngày tù.
Trước sự việc này, các công trình kể trên phải dừng xây dựng để điều tra các dấu hiệu sai phạm phía công ty thi công. Từ đó đến nay, các trường có công trình dang dở này đã nhiều lần kiến nghị các cấp ngành chức năng sớm có giải pháp tháo gỡ nhằm hoàn thiện dự án, đưa vào sử dụng để đảm bảo quyền lợi học tập cho học sinh.
Theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Thăng Bình, huyện đang xác định lại các hạng mục công trình để thanh lý giai đoạn đầu. Đồng thời, tổ chức đấu thầu, tìm đơn vị thi công mới để thi công trở lại nhằm sớm đưa các công trình này vào sử dụng đầu năm học 2023-2024.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)