Khó về vốn từ đầu năm 2011 khiến hàng loạt dự án đầu tư xây dựng đình hoãn, kéo theo hệ lụy vật liệu xây dựng (VLXD) ế ngay trong mùa xây dựng.
Song lại nảy sinh một nghịch lý, đó là dù ế VLXD vẫn tăng giá và đây là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư dừng lại không triển khai dự án. Cái vòng luẩn quẩn này đang khiến nhiều công nhân mất việc làm.
Giá tăng – nhu cầu giảm
Anh Bình – một chủ thầu tư nhân, nhiều năm nay luôn làm không hết việc tại khu đô thị mới Văn Quán – đã phải thốt lên rằng: Từ đầu năm nay chưa kiếm được công trình nào, dù đã vào mùa xây dựng từ hơn một tháng. Mọi năm, anh gối đầu 3-4 công trình. Mặc dù chỉ là các công trình nho nhỏ vài trăm triệu đồng tiền công, nhưng việc khá đều. Dưới tay anh là vài chục thợ làm liên tục mới đảm bảo tiến độ. Năm nay phải cho nhiều anh em nghỉ. Đến khi có việc, khó mà tìm lại được những anh em tay nghề cao.
Các cửa hàng VLXD đang rơi vào cảnh đìu hiu vắng khách. Ảnh: B.L
|
Đáng lẽ thị trường giảm cầu thì các VLXD phải giảm giá; song thực tế đang xảy ra nghịch lý là giá VLXD thi nhau tăng. Chị Hiền – một đại lý VLXD tại phố Nguyễn Khuyến (quận Hà Đông) cho biết: Hiện giá ximăng Bỉm Sơn đã tăng 400.000 đồng/tấn so với thời điểm trước tết. Giá gạch tăng 500 đồng viên. Giá thép tuy tăng, song không cao như ximăng và gạch. Chỉ có cát đá là tăng nhẹ hơn cả.
Làm gì để phá vòng luẩn quẩn?
Giá VLXD tăng, trong khi lãi suất ngân hàng cao, lại khó vay nên nhiều công trình vốn nhà nước không thể triển khai. Chủ thầu xây dựng cho biết: Không chỉ của Nhà nước, mà cả tư nhân cũng buộc phải đình hoãn, dãn tiến độ. Nhiều gia đình có kế hoạch xây nhà từ năm ngoái, nhưng trước thực trạng giá cả các mặt hàng tăng cao nên đã quyết định hoãn thi công, chờ giá vật liệu giảm.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện năng lực sản xuất của các đơn vị trong và ngoài hiệp hội ở mức khoảng 900.000 tấn/năm, nhưng mức tiêu thụ chỉ khoảng một nửa. Hiệp hội Ximăng Việt Nam cũng cho biết: Hai tháng đầu năm, lượng tiêu thụ đối với mặt hàng này chỉ đạt 6,2 triệu tấn – thấp hơn so với mức cùng kỳ năm trước là 7 triệu tấn. Sức cầu của thị trường thấp khiến các Cty ximăng có quy mô nhỏ, công suất khoảng 100.000 tấn/năm rất khó tiêu thụ, chứ đừng nói đến tăng giá bán. Vì thế, các DN này có khả năng đối mặt với thua lỗ do các yếu tố đầu vào liên tục tăng cao.
Lý giải về nghịch lý ế vẫn tăng giá của VLXD hiện nay, các DN sản xuất và kinh doanh VLXD cho rằng: Giá thành tăng do chi phí đầu vào từ than, điện, xăng dầu… đều tăng. Nếu hạ giá để tăng cầu thì càng bán càng lỗ, vì thế DN đành tăng giá dù có bán được ít nhưng không phải bù lỗ. Tuy nhiên, điều này dường như cũng không cứu được các DN sản xuất kinh doanh VLXD, bởi dù có giảm bớt sản xuất thì vẫn phải trả lương cho công nhân, khấu hao máy móc, chi phí thường xuyên. Cho nên, hiện các DN chưa tìm ra lối thoát.
Đây thực sự là cái vòng luẩn quẩn, VLXD tăng nên các chủ đầu tư dừng triển khai dự án chờ thời. Các dự án đình đốn khiến VLXD bị ế, các DN sản xuất kinh doanh VLXD cũng đối mặt với nguy cơ thua lỗ, thiếu việc làm. Và một hệ lụy tất yếu là công nhân mất việc. Khó khăn đang “trăm dâu đổ đầu công nhân” còn đẩy các DN vào mối lo mất thợ.
Nên chăng, các nhà quản lý hãy nghiên cứu tìm cách phá vỡ vòng luẩn quẩn bằng cách chia sẻ lợi ích từng phân khúc sản xuất, điều tiết giá cả để hài hòa lợi ích các nhóm xã hội, nhằm phá vỡ vòng luẩn quẩn hệ lụy hiện nay để kích cầu sản xuất, trả lại việc làm cho người lao động.
Bình luận (0)