Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cổng trường bị “vây”

Tạp Chí Giáo Dục

Biển xông hơi, xoa bóp đặt ngay cổng Trường ĐH Hà Nội

Thầy giáo tôi từng nói: thế hệ của thầy, mỗi lần được bước qua cổng parabol của ĐH Bách khoa thì cảm thấy thiêng liêng và tự hào lắm. Nhưng thời của thầy tôi đã xa quá rồi. Cổng parabol bây giờ im ỉm đóng, còn sinh viên nhiều khi không nhớ cổng chính trường mình ở đâu. Không chỉ sinh viên mà ngay từ bậc học thấp hơn, cổng trường cũng đang bị những cái gọi là “cơ chế thị trường” xâm lược.
Vây từ cổng trường mầm non
Từ 2 tháng nay, cổng Trường Mầm non Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm Hà Nội bỗng xuất hiện 2 hàng nước chè chén. Thực ra đây là một ngôi trường khá chật chội. Để đón con, phụ huynh phải để xe trên vỉa hè. Thế nhưng với sự xâm lấn của 2 hàng nước chè cộng với sự bành trướng của khách ngồi uống nước, phụ huynh rất vất vả mỗi khi đón con. Không những thế, bên cạnh trường còn có một quán ăn. Lúc nào cũng có một thùng rác to bự với các loại mùi liên tục “xâm thực” vào trường. Đã có nhiều phụ huynh bức xúc, phản ánh với nhà trường, nhưng nhà trường cũng bất lực. Bởi ngoài cổng trường, Ban giám hiệu không có quyền quyết định. Cùng cảnh ngộ này còn có Trường Mầm non Quang Trung, cũng của quận Hoàn Kiếm. Sáng ra, phụ huynh và các cháu thường phải tranh nhau với thực khách ăn sáng tại cổng trường để dành chỗ gửi xe. Còn cổng Trường THCS Tô Hoàng, đường Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng và Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, đường Lò Đúc thì bị vây hãm bởi các hàng ăn bán rong như nem chua rán, bánh đùi gà, bò pía… Không biết đến bao giờ thì các cổng trường của thủ đô mới hết “bẩn”.
Đến cổng trường ĐH
Cách đây một năm, khi là tân sinh viên của ĐH Hà Nội, Mai Lan đã “ngất toàn tập” khi lần đầu tiên bước chân vào cổng trường. Phía sau hai cột trụ oai nghiêm với đôi câu đối là tấm bản massage, xông hơi tắm sục của người dân sống gần đó. Theo Lan, nó còn “ấn tượng” hơn bảng tên trường. Không chỉ có vậy, đoạn đường dài 30m của Cổng trường ĐH Hà Nội nhan nhản bảng hiệu các quán photo, đánh máy, nhà sách, quán ăn. Nhiều sinh viên của ĐH Hà Nội cho biết, ban ngày cổng tấp nập một kiểu, buổi tối, cổng “dập dùi” một cách khác. Bạn của Lan, sinh viên Nguyễn Thu Thủy cũng không khỏi ngỡ ngàng trong ngày đầu nhập học. Thủy ở KTX nên hiểu rõ hơn bức tranh buổi tối của cổng trường. Chỉ cần bước chân ra tới đường Nguyễn Trãi, dưới ánh đèn, không ai có thể nhận ra đây là Trường ĐH Hà Nội. Sau một năm học, các tân sinh viên ngày nào giờ không còn “ức chế” với quang cảnh “nhom nhem” của cổng trường. Vì theo họ “mãi cũng quen”. Ông Đỗ Duy Truyền, Phó hiệu trưởng nhà trường cũng rất bức xúc. Là người được đi tham quan, học hỏi nhiều nước, ông thấy chưa nơi nào cổng trường ĐH như Việt Nam. Ông cho biết, trước kia cổng chính của trường ở phía đường Lương Thế Vinh. Nhưng người dân xung quanh lấn hết đất nên giờ cổng đó chỉ còn là một cái ngách. Cách đây 10 năm, trường cũng “suýt mất” cổng phía đường Nguyễn Trãi do TP Hà Nội có dự án xây dựng bến xe tĩnh ngay sát cổng trường. Ban giám hiệu nhà trường đã làm đơn trình lên trình xuống, đến bây giờ, nó thành dự án “treo”. 
Không chỉ có ĐH Hà Nội mà rất nhiều cổng trường ĐH của thủ đô bị “nuốt” mất trong sự lấn chiếm của người dân và sự thờ ơ của chính quyền. Có lẽ sinh viên và người nhà phải rất khó khăn để tìm được Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương dù địa chỉ của nó nằm ngay đường Nguyễn Trãi. Đồng thời, cũng rất dễ “bỏ qua” ĐH Mỹ thuật Hà Nội, ĐH Văn hóa khi đi trên đường La Thành. Ở Việt Nam có điều thật lạ, trường ĐH, nơi sản sinh ra nền kinh tế tri thức thì ít được “chăm sóc” đến bảng tên. Nhưng những công ty, những tập đoàn kinh tế thì lại rất lừng lững. Ai cũng có thể nhận thấy từ xa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trên đường Láng Hạ, các loại ngân hàng ở khắp các con phố lớn nhỏ vào buổi tối hay ban ngày.
Cổng chính thành cổng phụ
Từ ngày hầm đường bộ Kim Liên được triển khai xây dựng, ĐH Bách khoa Hà Nội bỗng mất cổng chính (số 1 Đại Cồ Việt). Đường bị cày nát, bụi bẩn, kể cả khách đến liên hệ công việc cũng không muốn đi cổng này. Đường Trần Đại Nghĩa được mở ra như một cứu cánh, ĐH Bách khoa có cổng mới, đẹp hơn, sạch hơn và tiện cho sinh viên. Bạn Nguyễn Đức Hùng, sinh viên năm thứ 3 của trường cho biết là từ lâu Hùng đều chọn đi cổng phía đường Trần Đại Nghĩa. Dù đã học được 2 năm tại trường nhưng chưa bao giờ Hùng đi phía cổng parabol do cổng đó rất hiếm khi được mở. Cổng chính phía Đại Cồ Việt thì quá bẩn và quá bụi, Hùng không trụ nổi. Còn cổng parabol trên đường Giải Phóng của trường, theo nhiều sinh viên, nó còn có một cái tên là “cổng trường không thân thiện” với lý do ít khi mở có mở cũng khó qua (đối với xe máy). Đối với nhiều người của thế hệ trước, cổng parabol của ĐH Bách khoa như một biểu tượng của nền học thức một thời. Mỗi lần được bước qua, ai cũng thấy tự hào và thiêng liêng. Nhưng đến giờ, ngay cả sinh viên của trường cũng có người không biết đó đã từng là cổng trường.
Cùng cảnh ngộ chính thành phụ, phụ thành chính như ĐH Bách khoa còn có ĐH Kinh tế quốc dân. Tòa nhà trung tâm được khởi công xây dựng cách đây đã 3 năm nhưng đến nay vẫn chưa xong và cổng chính của trường (phía đường Giải Phóng) vẫn chưa thể đưa vào hoạt động bình thường. Sinh viên vẫn phải đi cổng phụ đường Trần Đại Nghĩa. Ông Phan Công Nghĩa, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, nếu được đầu tư đủ ngân sách, dự kiến, tòa nhà trung tâm sẽ đi vào hoạt động từ năm 2010. Lúc đó, cổng trường chính sẽ rất đẹp.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)