Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cổng trường là “sân chơi” của con hay bố mẹ?

Tạp Chí Giáo Dục

Cổng trường có phải là nơi để phụ huynh bê nguyên thói quen sinh hoạt ở nhà hoặc diện những trang phục chỉ hợp cho buổi dạ hội?

Chuông vào lớp đã reo vang nhưng một bà mẹ cứ níu lấy con hôn và nựng chiếc má phúng phính như bao năm rồi chưa gặp. Bé gái cao gần bằng mẹ, dường như mắc cỡ với các bạn cùng lứa, vùng vằng cố thoát ra: “Mẹ, mẹ… con trễ giờ rồi!”.
Cổng trường là “sân chơi” của con hay bố mẹ? - ảnh 1

Hình ảnh các mẹ ôm nựng con trước khi vào lớp rất phổ biến trước cổng trường mặc cho giáo viên khuyến cáo – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Cạnh đó là chân dung một “thế hệ gấu bông khác”. Bé H.L năm nay học lớp 4 nhưng nặng 64 kg, thuộc dạng béo phì độ 3, âu một phần cũng do bị ép ăn nhưng không vì thế mà mẹ trở nên lo lắng. Gương mặt còn ngái ngủ nên không muốn nhai nhưng mẹ vẫn cứ ép: “Ráng ăn thêm đi con, không vào lớp mà đói là xỉu mất”. Trên tay người mẹ là hộp xôi với ứ hự các loại nhân, tay kia cầm hộp sữa, vai đeo cặp táp của con, cố nài nỉ nhưng cậu bé chỉ uống thêm được ít sữa rồi quày quả bước “con không ăn nữa đâu, lớp con 10 giờ 30 là ăn trưa rồi” mà quên luôn việc lấy cặp. Hẳn nhiên, sau vài phút người mẹ phải tất tả lên lớp, cũng không quên gửi cô bảo mẫu hộp xôi, nhờ cô ép cháu ăn.
Cổng trường là “sân chơi” của con hay bố mẹ? - ảnh 2

Phụ huynh nên trả lại không gian học đường lành mạnh cho các con – Ảnh: Shutterstock

Trái lập hình ảnh trên là chân dung của bà mẹ tần tảo với hai đứa nhỏ trên xe, đứa trước nhỏ hơn hình như đang độ tuổi mẫu giáo, khối lớp này thường vào trễ hơn tiểu học. Đứa lớn chưa kịp tụt khỏi xe đã bị mẹ mắng té tát: “Ngày nào cũng vậy, hò như hò kéo gỗ mà có chịu dậy đâu, thấy chưa, trễ giờ rồi đó, các cô cậu còn làm khổ tôi đến bao giờ!”. Bé lớn hình như đã quen cảnh này nên không bận tâm lắm, cầm ít tiền lẻ cho bữa sáng rồi nhanh chóng bước, chỉ tội cho đứa nhỏ, sợ mẹ cứ mếu máo mà không dám khóc to.
Xa xa là ông bố bước ra từ xe hơi, dắt theo bé M.N, vào lớp Một gần hết một học kỳ nhưng sáng nào cũng khóc. Khiến bố và tài xế cứ rối tinh lên dỗ dành, mặc cho chiếc xe đậu vội, nằm chình ình ngay cổng chính của trường. Hẳn nhiên, từ bác dân phòng cho tới các phụ huynh khác đều lắc đầu ái ngại, một vài phụ huynh nam còn lầm bầm văng tục.
Hình ảnh được “mong đợi nhất” là chị T.T, một phụ huynh chăm chỉ “đổi mốt” mỗi ngày với gương mặt trang điểm kỹ, hẳn là phải dậy từ sớm. Con đi học dường như là lý do chính đáng để chị trưng diện các kiểu cho thỏa lòng. Khi chiếc xe hơi đen đỗ xịch là đôi giày cao gót bóng bẩy lộ ra. Bé trai chạy thật nhanh vào lớp, mặc cho mẹ cứ lả lướt bước đi với chiếc dù ngúng nguẩy. Hôm thì bộ đầm đỏ dài lướt thướt, bữa thì chiếc váy kim tuyến đính hạt lộng lẫy, kiêu sa… bao nhiêu thời gian chị đứng lại ngóng con là bấy nhiêu phút hương nước hoa ngập tràn trong gió. Trái lại là chân dung bà mẹ khác. Sáng nào cũng chở con đến trường với chiếc áo khoác mỏng che vội bộ đồ ngủ không thể ngắn hơn và nhàu nhĩ bên trong, mái tóc tóc túm vội và đôi dép kẹp như đang dạo trên bờ biển tràn ngập nắng vàng.
Và thật thiếu sót nếu không nhắc đến hội “các bà mẹ tám”, đây là nhóm phụ huynh đông và phổ biến nhất ở các trường tiểu học. Các mẹ này hẳn nhiên không đi làm. Nên cứ đúng giờ con vào lớp là tề tựu đông đủ tại quán cà phê hộp cạnh trường. Bao nhiêu chuyện “thâm cung bí sử” của trường, giáo viên, học sinh và các phụ huynh khác đều được các chị tường tận. Rảnh quá còn lập ra đội văn nghệ cho các con có mẹ chơi chung. Năm nào cũng chừng ấy bé xung phong lên múa hát, bởi được đầu tư “tận răng” từ huấn luyện viên cho tới trang phục biểu diễn… nên các bé “chuyên nghiệp” không kém ngôi sao.

Du Miên (TNO)
Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Bình luận (0)