Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Cổng trường thường xuyên kẹt xe

Tạp Chí Giáo Dục

Dọc theo đường Thống Nhất và Phạm Văn Chiêu (Q.Gò Vấp), chúng ta bắt gặp nhiều trường học với số lượng học sinh khá lớn, cùng với đó là cảnh người tham gia giao thông đổ xô, chen chúc tìm cho mình một lối đi mỗi khi tiếng trống tan học vang lên. Tình trạng ùn tắc, kẹt xe vào các giờ cao điểm ở những đoạn đường nói trên dường như đã trở nên quá quen thuộc với người thường xuyên tham gia giao thông ở đây.
Một cảnh tan trường
Chuyện thường ngày
UBND TP yêu cầu Sở GD-ĐT chỉ đạo tất cả các trường học tiếp tục duy trì nội dung tuyên truyền, bảo đảm an toàn giao thông trong các buổi sinh hoạt chào cờ đầu tuần, tiết học đầu tiên trong ngày và sinh hoạt chủ nhiệm hàng tuần; có hình thức xử lý nghiêm việc học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Tiếp tục nghiên cứu giảng dạy pháp luật giao thông ở tất cả các cấp học, nhằm giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành cho học sinh phổ thông.

Hà Anh
Như thông lệ, khi tiếng trống tan trường vang lên, Trường THCS Nguyễn Du, quận Gò Vấp lại tấp nập chẳng kém gì… ngày hội. Đường Thống Nhất vốn dĩ không được rộng, vào giờ tan trường, học sinh òa ra như “ong vỡ tổ”, phụ huynh đến đón con chen lẫn với người đi đường và người bán hàng rong, nên nếu có ùn tắc thì cũng không phải là chuyện lạ. Theo anh Văn Quy Đạt (ngụ phường 17), cho biết: “Nhà trường cũng đã có nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng này, như đưa ra phân đoạn thời gian vào ra của học sinh. Khối 6, 7 ra sớm hơn khối 8, 9 khoảng 15-20 phút, và chính biện pháp này cũng góp phần nào vào việc làm giảm tình trạng ùn tắc trước cổng trường”. Hầu hết các ngày trong tuần, cứ tới giờ cao điểm, vào khoảng 17 giờ 20 phút, thì cả đoạn đường Thống Nhất gần như kẹt cứng. Người nối người, xe nối xe, hối hả, tấp nập chen lấn nhau và đôi khi những người dân sống xung quanh khu vực vô tình trở thành người hướng dẫn giao thông bất đắc dĩ. “Đi đón cháu cực lắm, ở đây ùn tắc diễn ra thường xuyên, nhiều lúc tôi phải thật tập trung mới thấy con mình ở đâu, bởi lượng người quá đông, hàng nối hàng, nhiều khi hai ba con tìm nhau một lúc mới thấy”, anh Nguyễn Văn Hoàng, có con là Hoàng Anh đang theo học lớp 82 của trường nói. Theo ông Châu Văn Còn, người dân sống gần đó cho hay: “Khi xảy ra ùn tắc, học sinh tràn ra đường chờ người thân, một số thì đứng trên vỉa hè ăn quà vặt, tụm năm tụm bảy cười nói râm ran. Tận mắt chứng kiến, tôi mới cảm nhận phần nào cái “không khí” rộn rã của một buổi tan trường. Có nhiều phụ huynh đón con, kẹt xe quá cũng leo lên vỉa hè mà chờ, hoặc tìm đường khác mà đi”.
Giải pháp cho vấn đề?
Nếu tính về giải pháp nhằm chống ùn tắc, kẹt xe thì quả là không ít, nhưng việc thực hiện đạt hiệu quả hay không lại phụ thuộc phần lớn vào ý thức của người tham gia giao thông. Lâu nay, chúng ta vẫn nghĩ đến những biện pháp lâu dài như: mở rộng đường sá, xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, gia tăng các phương tiện giao thông công cộng… nhưng để thực hiện được nó không phải một sớm một chiều. Ở những điểm ùn tắc, kẹt xe cụ thể, có lẽ việc áp dụng những biện pháp tình thế trước mắt để cho lưu thông xe cộ được đảm bảo là điều nên làm. Trường THCS Nguyễn Du cũng đã linh động khi sắp xếp giờ giấc của học sinh chênh lệch nhau, nhằm giảm lưu lượng người lưu thông, đó là một biện pháp có hiệu quả. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần phải phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường huy động lực lượng cảnh sát giao thông, các tình nguyện viên để điều khiển, phân luồng giao thông ở đoạn đường này vào các giờ cao điểm. Việc nghiêm cấm bán hàng rong trước cổng trường cần được nhà trường phối hợp cơ quan chức năng xử lý kịp thời. Ngoài các biện pháp trước mắt thì vấn đề tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông cho học sinh, phụ huynh là việc rất cần thiết.
Thực tế cho thấy ở các điểm có nguy cơ kẹt xe, nếu có cảnh sát giao thông điều khiển giao thông thì người đi đường tuân thủ đúng luật, hạn chế được kẹt xe, còn những khi không có lực lượng cảnh sát giao thông, nguy cơ kẹt xe rất cao vì mọi người cứ mạnh ai nấy đi, thậm chí vượt cả đèn đỏ. Nhiều người dân sống xung quanh đây đều có ý kiến rằng: Nên kiểm soát lượng xe ra vào khu vực này, vì đường ở đây hẹp như là hẻm nhưng lượng xe lưu thông thì quá nhiều.
Nguyễn Hoàng Gia

Bình luận (0)