Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cổng trường xa ngái

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Trong những bản làng heo hút trên dãy Trường Sơn, những HS là con em của đồng bào Pakô, Vân Kiều phải vượt bao suối, đèo để biết mặt con chữ.
Để đến trường, các HS vùng cao nơi đây phải có “thần kinh thép”. Ví như ở trường THCS Tà Long, có tới gần chục bản mà HS muốn đến trường phải vượt sông Đakrông. Riêng những đứa trẻ ở bản Ba Ngay, bản Chai muốn đi học phải cuốc bộ gần 30 km. Nhưng chưa hết, ra tới bến sông các em lại đối mặt với dòng sông dữ.
Lội bộ qua sông để đến trường – Ảnh: Nguyễn Phúc
Vào buổi sáng, khi được thầy Trần Công Hoàn, giáo viên môn Sinh học của trường dẫn đến bến sông, nơi các HS thường qua lại để đi học, càng hiểu thêm rằng sự học nơi đây vất vả thế nào. Sông rộng chừng 15 mét, nước đục ngầu và dâng cao vì mưa liên tục, ảnh hưởng của cơn bão vừa qua. Thế mà lần lượt các HS cứ dắt tay nhau qua sông như thường.
Thầy hiệu trưởng cho biết thêm hiện nay toàn trường có khoảng 205 HS, trong đó có hơn 70 em sống ở bản Ba Ngay, Chai, Vôi, Kè, Pata… bên kia sông. Nên những ngày trời mưa to là sĩ số lớp sẽ giảm vì các HS không thể qua sông được. “Thầy cô ai cũng biết những nguy hiểm mỗi lần các em qua sông để đến trường, nhất là lúc mưa gió nhưng đành lực bất tòng tâm, chỉ biết động viên các em cố gắng…” – người thầy gần 15 năm đi dạy ở vùng cao lặng lẽ nói.
Tại trường cấp I, II Húc Nghì (xã Húc Nghì, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị), một thời gian sau bão Ketsana (năm 2009), HS phải ở tạm trong ngôi nhà bán trú được dựng lên bằng mấy cọc tre. Tháng 7 vừa qua, Đoàn thanh niên của trường CĐSP Quảng Trị, đơn vị kết nghĩa của trường đã dựng lại một ngôi nhà bán trú mới, có “khang trang” hơn một chút vì được lợp lại bằng tôn dù vẫn che bằng phên. Tuy nhiên theo thầy giáo, Anh hùng Lao động Hà Công Văn, hiệu trưởng thì “đầu năm học trường nhận được đơn của gần 40 HS ở quá xa xin vào nhà bán trú nhưng hiện nay “nhồi nhét” mãi mà mới sắp xếp được cho 26 em. Những em còn lại đành phải ra ở ngoài… Chẳng mấy yên tâm nhưng không biết làm sao được”.
Tại trường THCS Tà Long (xã Tà Long) vì chưa có kinh phí để sửa sang lại nhà bán trú, nên 10 HS phải chen chúc nhau trong một cái lán hết sức tạm bợ. Mỗi em may lắm chỉ có thể xoay xở trong khoảng không gian dành cho mình chừng 1m2… Nhưng sự chật chội đó không làm các em lo lắng bằng miếng ăn. Buổi trưa hôm chúng tôi ở lại trường, khi trống tan học vừa gióng lên, HS bán trú chạy ù về căn bếp nhỏ và nhen lửa. Chúng không kịp thay quần áo bởi quá đói và chỉ mong có được miếng ăn sớm chừng nào tốt chừng ấy. Bữa ăn trưa hôm ấy gồm cơm, chuối xanh cắt nhỏ kho với muối ớt giã nhuyễn, canh mướp ngọt với ruốc. Em Hồ Văn Điền (có gia đình ở thôn Adu cách trường 16 km) mang ra khoe với chúng tôi “đặc sản” của cả nhóm là một bao cá cơm khô đã vơi đi phân nửa, nói: “Phải hôm nào thật thèm và trời mưa, không đi hái rau, bẻ chuối được, bọn em mới dám lấy ra ăn…”.
Nguyễn Phúc / Thanh Niên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)