Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Công ty chứng khoán phải công khai thông tin “mật”?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Các công ty chứng khoán (CTCK) có thể phải công khai tin "mật" nếu dự thảo Thông tư Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung kế toán áp dụng đối với CTCK của Bộ Tài chính được ban hành.

Chưa rõ mục đích
Từ trước đến nay, danh mục đầu tư của các CTCK thường chỉ có rất ít người thuộc ban điều hành mới được biết. Điều này nhằm tránh rủi ro cho khoản tự doanh của các công ty này. Đồng thời cũng giúp bộ phận tự doanh của CTCK và bộ phận môi giới không bắt tay nhau để gài bẫy các khách hàng… Nhưng theo dự thảo, các CTCK phải công khai chi tiết về số lượng, giá trị theo sổ kế toán các loại cổ phiếu (CP), trái phiếu, chứng chỉ quỹ… dù không nêu rõ mục đích yêu cầu này để làm gì.
Cần xem xét kỹ quy định buộc CTCK công khai danh mục đầu tư – Ảnh: D.Đ.M
Một số nhà đầu tư (NĐT) cho rằng các CTCK nên công bố tổng giá trị giao dịch mỗi ngày cho NĐT cá nhân có thêm thông tin tham khảo. Bởi với số lượng tự doanh khá lớn, giao dịch của các CTCK cũng tác động không nhỏ đến giao dịch trên thị trường. Còn theo các CTCK, có thể mục đích của Bộ Tài chính là để kiểm soát những giao dịch lớn có thể tác động đến xu hướng trên thị trường chứng khoán.
Ông Phạm Linh – Tổng giám đốc Công ty chứng khoán quốc tế (VIS), nêu thắc mắc: “Không biết việc yêu cầu danh mục đầu tư này để giải quyết vấn đề gì? Vì khi đó NĐT biết thì sẽ đầu tư theo hay sẽ né tránh các CP này. Nhưng nếu mua theo hay bán ra thì chính các NĐT cá nhân luôn gánh chịu rủi ro vì chỉ là người chạy theo sau các CTCK”. 
Tương tự, tổng giám đốc một CTCK lớn tại TP.HCM nhận xét nếu quy định này nhằm kiểm soát những giao dịch lớn có tác động đến thị trường thì lại là một việc làm “gãi không đúng chỗ ngứa”. Bởi việc công bố theo báo cáo tài chính nhanh nhất là được thực hiện theo quý nên không thể cập nhật thường xuyên và cũng không có giá trị về mặt thông tin trên thị trường. Thứ hai là không đồng nhất khi chỉ có CTCK thực hiện còn những giao dịch lớn của các cá nhân, tổ chức đầu tư khác trên thị trường thì lại không công bố.
Không cần thiết?
Theo chuyên gia chứng khoán Lê Đạt Chí, việc công khai danh mục đầu tư của các CTCK sẽ giúp các NĐT biết được các CTCK đang làm gì. Từ đó cũng tránh được những CP có thể bị chính CTCK thổi phồng quá mức hay bị đẩy giá. Nhưng việc công khai có thể sẽ tạo nên tình trạng bán tháo trên thị trường vào những ngày gần cuối quý hay cuối năm. Khi CTCK không muốn công bố những CP đã đầu tư thì gần đến ngày cuối quý hoặc cuối năm (trước khi thực hiện báo cáo) họ có thể sẽ bán ra gần hết danh mục của mình. Từ đó tạo áp lực nguồn cung trên thị trường và cơ hội dìm giá để mua rẻ CP của những tổ chức đầu tư khác. “Nếu quy định này chỉ có CTCK thực hiện thì bất lợi cho CTCK. Vì trên thị trường, những NĐT tổ chức hay NĐT lớn ngày càng nhiều tham gia vào thị trường như các ngân hàng, công ty bảo hiểm và cả các doanh nghiệp khác. Nếu cần thiết thì cơ quan quản lý có thể yêu cầu CTCK báo cáo chi tiết riêng giống như các ngân hàng phải báo cáo số dư tín dụng với Ngân hàng Nhà nước…”, ông Lê Đạt Chí nói.
Ông Phan Đức Trung – Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ FPT (FPT Capital) nhận định: các công ty quản lý quỹ hằng tháng đã công khai danh mục đầu tư của mình với các cổ đông và ngân hàng giám sát, theo đúng thông lệ trên thế giới. Như vậy là quá đủ để tránh những rủi ro cho thị trường và bản thân NĐT. Vì vậy cần phải xác định kỹ nên công khai danh mục đầu tư với ai? Ông Trung nêu vấn đề: “Để kiểm soát rủi ro thì có thể quy định các CTCK nên thực hiện công khai danh mục đầu tư cho cổ đông và một đơn vị giám sát thứ 3 như công ty quản lý quỹ. Còn nếu để công khai rộng rãi hơn vừa không cần thiết mà còn có thể tác dụng ngược cho giao dịch trên thị trường nói chung”.
Nhiều CTCK cũng cho rằng thật ra danh mục đầu tư của họ không phải là hoàn toàn bí mật vì những giao dịch này đều thể hiện rõ qua hệ thống giao dịch của các sở giao dịch chứng khoán. Trung tâm lưu ký chứng khoán cũng là đơn vị nắm rất rõ hoạt động mua bán của bất kỳ CTCK nào. Do đó nếu cơ quan quản lý nhà nước có yêu cầu thì đơn vị thực hiện báo cáo hằng tháng, thậm chí hằng tuần hay hằng ngày thì hai sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm lưu ký chứng khoán có thể thực hiện được. Vì vậy, việc yêu cầu CTCK phải báo cáo danh mục đầu tư chi tiết theo báo cáo tài chính cần phải được xem xét có cần thiết hay không để tránh những xáo trộn trong hoạt động của họ.  
Mai Phương / Thanh Nien

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)