Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Công ty chứng khoán: Tiến thoái lưỡng nan

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hàng loạt các công ty chứng khoán (CTCK) báo lỗ, thậm chí nhiều công ty muốn thoái lui nhưng không dễ. Trái với thời trăm hoa đua nở, chưa lúc nào các công ty chứng khoán lại gặp khó như lúc này, còn nhà đầu tư méo mặt…

TTCK Việt Nam một thời phát triển quá nóng, nhiều nhà đầu tư nuôi khát vọng làm giàu Ảnh: Hồng Vĩnh.
Âm vốn
Cuối năm 2008, trong cơn sốt đua nhau mở CTCK của thị trường, một doanh nghiệp sản xuất cũng nhanh tay hùn vốn mở CTCK với đích chính là sang tên bán lại giấy phép. Rậm rạp gần một năm để công ty ra đời với các khoản chi phí như tiền thuê mặt sàn hơn 1.000 m2 tại phố lớn ở trung tâm Thủ đô; Tổ chức bộ máy nhân sự với mức trả lương khủng 6.500 USD/tháng cho vị trí giám đốc cùng vô số khoản đầu tư.
Tất cả chi phí từ lúc bắt đầu cho đến khi doanh nghiệp này cầm được tấm giấy phép chi phí vài chục tỷ đồng. Đúng thời điểm đó, thị trường đi xuống, mốt thành lập CTCK không còn, doanh nghiệp “khóc dở mếu dở”, chào bán không được, đành cất giấy vào ngăn kéo, cùng một khoản nợ lớn của ngân hàng.
Hiện cả nước có 105 CTCK, với vốn điều lệ 30.000 tỷ đồng, với lượng cổ đông lên tới hàng trăm ngàn. Theo Ủy ban chứng khoán, báo cáo kiểm toán năm 2010 cho thấy có khoảng 20 CTCK lỗ và hơn 70 CTCK có lãi. Thua lỗ kéo dài là dấu hiệu đầu tiên của cái “chết” đang đến gần với một số CTCK nhỏ và yếu.
Cho đến thời điểm này, có thể điểm mặt CTCK miền Nam vốn điều lệ 40 tỷ đồng, lỗ từ năm 2008 đến nay tổng cộng gần 22 tỷ đồng, tính ra vốn còn 18 tỉ đồng. Nếu năm nay lỗ tiếp, có thể công ty hết cả vốn. Tương tự CTCK Nam An, CTCK Thành Công cũng đã lỗ 3 năm liền.
CTCK Vina thì vốn giảm tuyệt đối 126 tỷ đồng. Nhận định chung của giới chứng khoán đều chung nhận xét: giờ nếu được “bơm” thêm vốn, các công ty này cũng khó tìm ra cách tồn tại, chưa nói đến phát triển. Một quan chức UBCKNN từng thừa nhận: “105 CTCK là số lượng quá lớn với một thị trường nhỏ bé và sơ khai như Việt Nam”.
Chuẩn hóa lại các CTCK
Sự kiện CTCK Kim Long (mã KLS), một tên tuổi kha khá của làng chứng khoán muốn “sang tên, đổi họ” thành doanh nghiệp đầu tư tài chính vừa qua (nhưng đã không thành và hiện đã công bố giữ nguyên nghiệp vụ hoạt động chứng khoán) cho thấy sự tồn tại của các CTCK đã không còn là mốt.
Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Phó giám đốc môi giới CTCK Tràng An, việc CTCK nở rộ và gặp khó không có gì là lạ bởi ở Việt Nam, bất cứ một ngành nghề kinh doanh nào có cửa làm ăn tốt đều có chuyện “đồng loạt” muốn nhảy vào. Thị trường bây giờ đang ở giai đoạn thanh lọc. Nếu cứ diễn biến thế này, chắc chắn nhiều CTCK sẽ tiếp tục khó khăn. Theo ông Dũng, hiện tại, cả 4 nguồn thu từ môi giới, tư vấn, sử dụng dịch vụ và các hoạt động đầu tư của các CTCK đều đang hoạt động ở mức cầm chừng.
Theo chuyên gia chứng khoán Huy Nam, với một thị trường mới nổi như Việt Nam chỉ cần 30-40 CTCK là vừa, trong khi đó Việt Nam có tới 105 CTCK. “Ngay từ thời điểm cuối năm 2005 khi thị trường nở rộ, nhiều người đến đề nghị tôi tư vấn, thậm chí mời cùng mở CTCK, lúc đó tôi đã khuyến cáo thành lập CTCK hoạt động là bài toán không đơn giản.
Theo số liệu của Vụ Quản lý Kinh doanh UBCK, năm 2011 có 24 công ty chứng khoán đã báo lỗ; với tổng mức lỗ 574 tỷ đồng. Trong đó, CTCK Kim Long lỗ nặng nhất hơn 100 tỷ đồng, CTCK Hà Nội lỗ gần 6 tỷ đồng, CTCK Vina lỗ hơn 35 tỷ đồng, CTKC Hải Phòng lỗ 48 tỷ đồng…

Năm 2008, tôi đã cảnh báo tiếp và bây giờ thì đã thấy rõ hậu quả…”, ông Nam nói. Theo ông Nam, trong việc tồn tại 105 CTCK đang hoạt động hiện này, cũng không nên đổ lỗi cho cơ quan quản lý cấp phép quá nhiều vì Luật đã quy định điều kiện cấp phép, thành lập rõ ràng. Nếu họ đủ tiêu chuẩn và cứ nhất định muốn, thì làm sao cấm được. Có điều, giờ là lúc những người chủ xướng đó phải gánh hậu quả.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Hồng Sơn – Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán (UBCKNN), cho biết: “Đặc thù của các CTCK là sống cùng thị trường. Với thị trường trong giai đoạn từ đầu năm đến nay, đúng là CTCK không thể sống tốt. Hiện cạnh tranh trên TTCK rất khốc liệt căng thẳng không kém gì các ngân hàng thương mại”. Theo ông Sơn, từ góc độ quản lý UBCKNN đã cố gắng tạo điều kiện tối đa bằng một loạt các văn bản dưới luật đã ban hành để đưa thị trường vào khuôn khổ.
Theo ông Sơn, với Thông tư 226 có hiệu lực từ ngày 1- 4, “sức khỏe” tài chính của các CTCK đã được “chuẩn hóa” xác định rõ qua 3 giá trị rủi ro đối với CTCK và công ty quản lý quỹ. Đó là rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường và rủi ro thanh toán. Vấn đề lúc này là các CTCK phải bình tĩnh xem xét bài toán tái cấu trúc như cắt giảm nhân sự, chi phí, rà soát lại quy trình quản lý, rủi lo có liên quan; thậm chí nếu có thể cần tiến đến sáp nhập. 
Cổ phiếu thê thảm
Cùng thời điểm này, hơn 10 mã niêm yết của các CTCK trên cả hai sàn Hose và HNX cũng đang ở mức cực kỳ khiêm tốn với 6-7 mã dưới mệnh giá 10.000 đồng, cao nhất đến mã SSI cũng chỉ còn hơn 20 ngàn đồng/cổ phiếu. Một nhà đầu tư phân tích: “Ngay với cổ phiếu đình đám như SSI, nếu giữ cổ phiếu từ đầu tới giờ, dù cổ tức cao ngất ngưởng (bằng cổ phiếu hay tiền mặt), nếu tính so với mức giá đỉnh điểm trên 300 ngàn đồng mà cổ phiếu này từng đạt được thì nhà đầu tư cũng chỉ hòa, không kể mất đi nhiều cơ hội lợi nhuận”.          K.H
Khánh Huyền / TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)