Không đợi “nước đến chân mới nhảy”, từ khi học lớp 10, 11, các học viên của Trung tâm GDTX Q.Thủ Đức (TP.HCM) đã nhắm đến những ngành nghề mà mình yêu thích để học sau này. Thậm chí, nhiều học viên còn khẳng định “sau khi tốt nghiệp THCS hay THPT sẵn sàng chọn học trường nghề” theo đúng năng lực của mình.
Các học viên tìm hiểu thông tin các trường đào tạo nghề tại phần tư vấn riêng |
Đây là những vấn đề được các học viên trao đổi tại chương trình tư vấn hướng nghiệp “Học nghề – bước kế tiếp cho tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tại trung tâm vừa qua.
Nữ sinh chọn nghề… bartender
Năm học trước em Nguyễn Mai Nhật Uyên (học lớp 11A5) mới biết đến nghề bartender khi chương trình “Học nghề – bước kế tiếp cho tương lai” tổ chức tại trung tâm và cảm thấy rất thích thú với nghề này. Nhật Uyên tâm sự: “Khi nhìn một bartender biểu diễn, em thấy đây cũng là một nghề mang tính nghệ thuật và sáng tạo cao vì phải thực hiện nhiều động tác, biết cách cân-đong-đo-đếm như thế nào khi pha chế… Em muốn “gửi gắm” niềm đam mê của mình vào thức uống nên sẽ chọn nghề này”.
Nghề bartender thường chỉ dành cho nam nhưng Nhật Uyên đã tìm hiểu rất rõ là nữ vẫn có thể làm tốt vì một bartender không nhất thiết phải biết uống rượu mà họ còn có thể pha chế nhiều loại thức uống khác. Tuy nhiên, vấn đề lo lắng của em là học xong có việc làm ổn định hay không?
Giải tỏa âu lo này, bà Nguyễn Thị Diễm, đại diện Trường hướng nghiệp Á Âu, cho hay: “Nếu chọn nghề bartender, các em chỉ học chừng 18 buổi, mỗi tuần học 3 buổi thì khoảng 1,5 tháng là học xong. Trong quá trình học, 90-95% thời gian các em thực hành ngay tại trường với những phòng học theo chuẩn 5 sao ở khách sạn. Nhà trường cũng đã liên kết với hệ thống các nhà hàng, khách sạn khắp thành phố để giới thiệu việc làm cho học viên, nhưng có việc làm tốt hay không còn phụ thuộc vào sự quyết tâm của các em trong quá trình học, trong quá trình phỏng vấn và làm việc. Nghề này không đơn thuần là lao động tay chân mà đòi hỏi tính sáng tạo rất lớn của người làm để pha chế ra những loại thức uống hấp dẫn”.
Tương tự, một học viên nữ lại thích nghề nhiếp ảnh, quay phim nên đã hỏi Ban tư vấn: “Ngành quay phim ở Trường MaccViet Arena xét tuyển như thế nào? có mất nhiều thời gian để học nghề này không? cơ hội việc làm ra sao?”. Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Duy Thơ, Hiệu trưởng Trường MaacViet Arena, cho biết: “Hiện ở Việt Nam có khoảng 65 đài phát thanh – truyền hình, mỗi đài có 2-3 kênh hình, thậm chí có đài có hàng chục kênh. Thực tế, hiện nay các công ty truyền thông đều cần nhiều người quay phim nên ở trường không cung cấp đủ nhu cầu nhân lực cho các công ty này. Nếu học quay phim, đầu tiên các em sẽ học về thiết kế đồ họa để có những kiến thức cơ bản về mỹ thuật ứng dụng, nhiếp ảnh. Sau đó các em mới được học về quay phim, dựng phim. Thời gian học trong 14 tháng, khi ra trường các em vừa có nghề quay phim vừa biết thiết kế đồ họa”.
Nguyễn Mai Nhật Uyên, nữ học viên thích ngành bartender đặt câu hỏi cho Ban tư vấn |
Không ngại học trường nghề
Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm GDTX Q.Thủ Đức, cho biết: “Mỗi năm trung tâm có khoảng 300 học viên tốt nghiệp lớp 12. Trên địa bàn Q.Thủ Đức có nhiều trường nằm trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp như TC Đại Việt, CĐ Nghề Thủ Đức, hệ TC của Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức… nên có đến 30% học viên không đăng ký thi ĐH mà chọn học những trường này. Nhiều học viên ở trung tâm từ lớp 8, lớp 9 cũng đã xác định cho mình hướng đi là vào trường nghề”.
Qua khảo sát của chúng tôi, nhiều học viên dù rất phân vân trong việc chọn ngành nhưng vẫn sẵn sàng học trường nghề để rút ngắn thời gian học tập. Em Trần Ngọc Hà (19 tuổi, hiện học lớp 8) chia sẻ: “Bố mẹ chia tay, em ở với dì nhưng vì mê chơi nên em nghỉ học sớm. Sau đó em đi làm khắp nơi, thậm chí ra tận miền Trung để đi biển nhưng sau một thời gian em mới nhận ra: Nếu mình không có tay nghề thì sẽ không làm được gì nên em quyết định đăng ký học lại. Vì xác định được động cơ, mục tiêu học tập nên em đã cố gắng hết mình để đạt học lực loại khá. Mong muốn của em là vào được ĐH, nhưng nếu không thực hiện được thì em sẵn sàng học trường nghề”.
Trong khi đó, em Lương Hoàng Huy (học lớp 9A) khẳng định: “Học xong lớp 9, em sẽ học tiếp lên THPT hệ vừa học văn hóa vừa học nghề để phụ giúp gia đình vì bố mẹ em là những người lao động nghèo. Em được biết ngành cơ khí hiện đang thiếu nhiều nhân lực nên em sẽ đăng ký học ngành này”.
Bài, ảnh: Minh Châu
Bình luận (0)