Qua 9 năm hoạt động, Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) đã có diện mạo mới, doanh nghiệp (DN) hoạt động nơi đây cũng dần chuyển bộ sang sản xuất trên nền CNTT chứ không đơn thuần là sản xuất phần mềm. Chính vì thế nhiều khó khăn của QTSC cũng như DN đã xuất hiện. Điều này được thể hiện rõ qua “Buổi tham vấn về vấn đề thực hiện quy hoạch ngành công nghiệp – công nghệ cao” tại QTSC do Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TPHCM chủ trì diễn ra vào ngày hôm qua 5-11
Chuyên viên phần mềm Việt Nam làm việc tại Công ty Global CyberSoft trong QTSC. |
Mất dần sự quan tâm
Năm 2008, QTSC có hơn 100 DN hoạt động, nay chỉ còn lại 95 DN (49 DN nước ngoài và 46 DN trong nước). Riêng trong 8 tháng qua, có 10 DN gia nhập QTSC (6 DN nước ngoài và 4 DN trong nước), trong khi có 12 DN “thanh lý” và ngưng hoạt động. Vì thế, ông Chu Tiến Dũng, Giám đốc QTSC, cho rằng kết quả kinh doanh năm 2009 có xu hướng giảm so với năm trước…
Đến cuối tháng 10-2009, tổng vốn đăng ký đầu tư vào QTSC là 6.600 tỷ đồng, gồm 38 dự án đầu tư xây dựng thu hút 5.300 tỷ đồng vốn đăng ký dự kiến cuối năm sẽ tạo ra khoảng 260.000 m2 văn phòng và nhà ở lưu trú. Ông Dũng cho rằng, để phát huy và khai thác những điểm mạnh sẵn có của QTSC, phù hợp với xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP và sự hội tụ, tích hợp trong lĩnh vực CNTT, đề nghị TP cho phép mở rộng các đối tượng đầu tư kinh doanh tại QTSC theo hướng phù hợp với tiêu chí của ngành kinh tế dựa trên tri thức, kinh tế thông tin, tức là không nên chỉ bó buộc trong lĩnh vực phần mềm.
Song song đó, QTSC cũng đề nghị TP cho vay vốn kích cầu để thực hiện đầu tư một số dự án xây dựng. Ông Chu Tiến Dũng cũng cho rằng, chính sách ưu tiên giải quyết thủ tục đầu tư không còn được quan tâm như trước đây, nên đề nghị TP tiếp tục hỗ trợ QTSC thực hiện tốt dịch vụ hỗ trợ một cửa đối với nhà đầu tư.
Mong những quy định rõ ràng
Ông Mai Đình Tiếp, Giám đốc Công ty Mai Anh Nam (chủ đầu tư tòa nhà ANNA trong QTSC) cho rằng nếu có cơ hội lựa chọn lại, ông sẽ không đầu tư vào QTSC vì giá cho thuê văn phòng ở đây của công ty ông thấp hơn nhiều lần so với bên ngoài nhưng sau khi DN này có phát sinh doanh thu thì được Ban Chính sách Tổng cục Thuế trả lời là doanh thu phát sinh từ dịch vụ cho thuê văn phòng không được hưởng ưu đãi thuế.
Theo ông Mai Đình Tiếp, lẽ ra công ty ông phải được hưởng chính sách ưu đãi thuế theo tinh thần Quyết định 53/2004/QĐ-TTG của Thủ tướng vì dịch vụ cho thuê văn phòng cho ngành CNTT của công ty này trong QTSC sẽ được hưởng quy chế của khu công nghệ cao. Ông bức xúc, thuế thu nhập DN của các công ty trong KCN chỉ có 20% mà công ty của ông trong QTSC phải đóng 25% là bất hợp lý.
“Tình hình khó khăn, chúng tôi cần vốn để duy trì và phát triển công ty… thế nhưng khi đi vay vốn ngân hàng thì không ngân hàng nào cho vay vì chúng tôi không có tài sản hữu hình để thế chấp. Thử hỏi DN làm phần mềm làm gì có tài sản hữu hình để thế chấp, chúng tôi chỉ có tài sản vô hình” – ông Nguyễn Ái Hữu, Giám đốc Công ty World Soft, đã đặt ra câu hỏi như vậy và rất mong TP có hướng giúp đỡ.
Còn đại diện Công ty G.H.P cho rằng luật thuế thay đổi quá nhiều và quá nhanh, DN chưa kịp thẩm thấu luật hiện hữu thì phải áp dụng luật thuế mới. Đáng nói là Luật Thuế thu nhập cá nhân, chính sách thu nhập cần tiếp tục xem xét ưu đãi với đối tượng tri thức và nguồn nhân lực cao vì đánh thuế đồng đối tượng trên thu nhập là không hợp lý, nhu cầu tái tạo năng lực lao động trí tuệ của người lao động tri thức có đặc thù khác so với mặt bằng lao động chung…
Trước các ý kiến của DN cũng như của QTSC, ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TPHCM, cho rằng: Qua 9 năm hoạt động, QTSC đã có nhiều thay đổi theo hướng phù hợp với tình hình CNTT thế giới và DN hoạt động tại đây cũng dần chuyển sang những lĩnh vực mới chứ không riêng gì phần mềm. Do đó trước những ý kiến của DN cũng như QTSC thì TP cần có những chính sách phù hợp, theo kịp sự phát triển. TP đã xác định đây là ngành mũi nhọn thì phải tập trung các cơ quan, ngành khác để hỗ trợ QTSC phát triển!
Bá Tân (Theo SGGP)
Bình luận (0)