Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Congo: Trẻ em dạy trẻ em

Tạp Chí Giáo Dục

Nefa trở thành “cô giáo” trong Chương trình trẻ dạy trẻ
Mong muốn giúp cho nền giáo dục Congo phát triển, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) đã đưa ra sáng kiến: để chính trẻ em cấp tiểu học trực tiếp giảng dạy cho trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo (gọi tắt là trẻ dạy trẻ). Chương trình này giúp các bé có thêm tự tin và mạnh mẽ khi lên cấp tiểu học.
Congo là một quốc gia mà trẻ em rất khó khăn tiếp cận được với giáo dục. Đó là nước thứ hai nghèo nhất thế giới và hơn một nửa dân số người lớn không bao giờ đến trường hoặc chỉ tốt nghiệp bậc tiểu học. Đơn giản vì chi phí học tập của mỗi người khá cao, trung bình khoảng 150 USD/năm, trong khi thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt mức 171 USD/năm, thống kê vào năm 2009.
Trong đó, “Giáo dục mầm non là một vấn đề nghiêm trọng ở Congo qua nhiều thập kỷ. 97% trẻ em không được tiếp cận với giáo dục mầm non và đất nước này có đến 35 triệu trẻ em dưới 18 tuổi”, ông Crispin Ngulungu – điều phối viên Chương trình trẻ dạy trẻ, thuộc tổ chức UNICEF cho biết.
Sáng kiến về Chương trình trẻ dạy trẻ cho lứa tuổi mẫu giáo này được UNICEF và Chính phủ Anh phối hợp thực hiện, nhằm cải thiện tình trạng trẻ em Congo không được đến trường. “Đây là một chiến lược sáng tạo, trong đó học sinh lớn tuổi đảm nhiệm vai trò cố vấn tại các trường mẫu giáo. Các “thầy cô giáo” này sẽ giảng dạy những điều cơ bản nhất của toán học, cách đọc và viết thông qua tương tác trong quá trình chơi đùa với các bé. Đó chính là khởi đầu trong việc chuẩn bị cho bé khi bước vào tiểu học”, ông Crispin Ngulungu nói. Mục đích của phương pháp này là tạo cho bé nhiều niềm vui, sự ham học, từ đó thu hút số lượng lớn trẻ em đến trường, giảm tỷ lệ bỏ học. Chương trình trẻ dạy trẻ cũng giúp cho Congo hướng mọi người có cơ hội “cập nhật” với nền giáo dục, một khía cạnh trong mục tiêu phát triển của đất nước. “Chương trình không chỉ dành riêng cho bé nữ hoặc nam mà dành cho tất cả, mọi thành phần đều được chào đón, nhưng tất nhiên chúng tôi nhắm đến những bé dễ bị tổn thương nhất trong khu vực nông thôn không có điều kiện đến trường”, ông Ngulungu cho biết. Đối với những bé không thể đến trường, các “thầy” sẽ đến nhà để chơi và học. Chương trình cũng hoàn toàn miễn phí. “ Vì các gia đình phải giữ con cái họ ở nhà bởi họ không thể trả tiền cho các khoản phí”, ông Joseph Biselele, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Kimpangi cho biết.
“Tôi muốn giúp đỡ các bé có nhiều thứ như tôi đã được học. Việc này cũng giúp tôi cải thiện và học hỏi nhiều hơn”, “thầy” Freros Ngalima, 12 tuổi nói. Điều quan trọng nữa của chương trình là giúp bé tránh được nhiều vấn đề khi bước vào năm đầu tiên ở cấp tiểu học. “Cô giáo” Nefa Kabeya, 12 tuổi cho hay: “Nếu chúng ta không chuẩn bị tốt, khi vào lớp 1 các bé sẽ không bao giờ đặt câu hỏi và không tham gia vào hoạt động của lớp học”. Còn cô học trò 5 tuổi Mariam khoe: “Cháu rất thích Nefa vì cô dạy chúng cháu hát và đếm. Cháu rất thích đọc, viết và hát”.
Để được là một cô giáo, Nefa đã phải đấu tranh rất nhiều. Mẹ em – bà Nuki Kabeya bán bánh mì, lời ở mức 50 cent/ổ. Bà phải bán rất nhiều mới có thể lo học phí cho Nefa mỗi năm chừng 100 USD. Chồng qua đời và một mình nuôi 6 người con, bà nói vài người trong số các con phải nghỉ học vì không có đủ tiền đóng phí. Và như một phần thưởng cho sự nhiệt tình hợp tác, cống hiến của Nefa khi trở thành cố vấn, cô giáo cho các bé trong làng mình, em đã được giảm một phần học phí. Bà Kabeya cho biết, chính chương trình đã làm thay đổi cuộc sống con gái bà. Nefa không phải đối mặt với nguy cơ nghỉ học. “Con gái tôi rất thích đi học và thực sự nó luôn có động lực để học tập”, bà Nuki Kabeya nói.
UNICEF vẫn đang tiếp tục làm việc với Chính phủ Congo với những nỗ lực để cung cấp nền giáo dục tiểu học cho tất cả trẻ em nước này. Chương trình trẻ dạy trẻ chỉ là một phần của chiến dịch “trở lại với trường học”. UNICEF hiện đang tập trung vào việc cung cấp vật tư, thiết bị xây dựng trường học để mọi trẻ em có thể đến trường. Ngược lại, để phối hợp, Congo cũng vừa quyết định miễn học phí cho học sinh trong ba năm đầu tiên ở cấp tiểu học tại một số tỉnh trong nước.
(Theo Unicef.Org)
Ngân Du

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)