Tọa lạc bên triền chân sóng biển Mỹ Khê, Nhà trưng bày Hoàng Sa suốt 5 năm qua đã đón hàng chục ngàn lượt học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập. Mỗi một minh chứng ở đây là một câu chuyện kể, một cột mốc biểu tượng của lòng yêu nước đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa – một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc!
Các sinh viên tham quan Nhà trưng bày Hoàng Sa
Minh chứng chủ quyền
Những ngày đầu năm mới, mỗi ngày Nhà trưng bày Hoàng Sa đón hàng chục lượt khách tham quan. Trong không gian yên tĩnh, vọng tiếng sóng biển rì rào, giọng của thuyết minh viên thu hút sự quan tâm của khách tham quan. Đứng lặng bên những hiện vật biểu tượng của những người lính Hải đội Hoàng Sa năm xưa, anh Nguyễn Trường (50 tuổi) đến từ Quảng Trị rưng rưng xúc động: “Tôi đã từng đến đảo Lý Sơn, nhìn những ngôi mộ gió và nghe các bậc cao niên kể về lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Hôm nay ở đây, ngay tại Nhà trưng bày Hoàng Sa giữa lòng Đà Nẵng, câu chuyện thêm một lần khiến tôi xúc động. Quê tôi cũng là vùng biển, tôi thường theo các chủ tàu vươn khơi trên vùng biển Hoàng Sa. Mỗi lần ra biển, nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay trên sóng biển biên cương, tôi thấy thật tự hào. Nghe các thuyết minh viên nói về các minh chứng ở đây, tôi càng tự hào hơn về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.
Trong khuôn khổ chương trình “Trại hè Việt Nam 2023” tổ chức vào cuối tháng 7-2023, dành cho các đại biểu là thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức đã tổ chức tham quan. Tham quan Nhà trưng bày Hoàng Sa, bạn Đinh Thị Hồng Ánh, trại sinh Trại hè Việt Nam chia sẻ: “Các thế hệ cha anh đi trước, dù biết sẽ gặp nhiều nguy hiểm nhưng họ vẫn đi vì chủ quyền của Việt Nam. Để xứng đáng với sự kiên trung đó, em sẽ phấn đấu học tập và làm việc thật tốt để góp sức đưa Việt Nam ngày càng phát triển”.
Các học sinh Đà Nẵng tham gia cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương”
Nhiều trường học tổ chức lễ kết nạp đội viên tại Nhà trưng bày Hoàng Sa. Thầy giáo Đặng Trọng Lan – Tổng phụ trách Đội Trường TH Tô Hiến Thành (quận Ngũ Hành Sơn) chia sẻ, năm học 2022-2023, nhà trường tổ chức lễ kết nạp đội viên cho hơn 60 học sinh thuộc khối lớp 3 vào Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam tại Nhà trưng bày Hoàng Sa. Thông qua buổi lễ, các em học sinh được tham quan, trải nghiệm, tiếp cận các tài liệu, hình ảnh, hiện vật để hiểu hơn về quá trình khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa qua các thời kỳ lịch sử. Thông qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, biển đảo Tổ quốc.
Ông Lê Tiến Công – Giám đốc Nhà trưng bày Hoàng Sa cho biết, hiện đơn vị bố trí trưng bày theo 5 chủ đề để người dân và du khách dễ hình dung về tiến trình lịch sử thiết lập chủ quyền đối với Hoàng Sa. Cụ thể: Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên trên quần đảo Hoàng Sa; Hoàng Sa trong thư tịch cổ Việt Nam trước thời nhà Nguyễn; Hoàng Sa trong thư tịch cổ Việt Nam thời nhà Nguyễn (1802-1945); Bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa (1945-1974); Bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974 đến nay. Qua đó, du khách, học sinh và bà con nhân dân được cung cấp kiến thức về vai trò, vị trí chiến lược của biển, đảo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lịch sử khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa; hoạt động đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo trong giai đoạn hiện nay.
Đưa Hoàng Sa vào trường học
Bên cạnh hoạt động giáo dục tại chỗ, Nhà trưng bày Hoàng Sa tích cực tổ chức các cuộc thi, triển lãm lưu động cho các học sinh, sinh viên. Tính đến đầu năm 2024, Nhà trưng bày Hoàng Sa tổ chức hơn 30 triển lãm lưu động với chủ đề “Hoàng Sa là của Việt Nam”, “Tuổi trẻ với biển đảo quê hương” thu hút hơn 30.000 học sinh tham gia. Đồng thời, tổ chức hơn 20 cuộc thi Rung chuông vàng cho học sinh THCS, THPT trên địa bàn TP.Đà Nẵng.
Theo Giám đốc Nhà trưng bày Hoàng Sa, ông Lê Tiến Công cho biết, “Chúng tôi tâm niệm, công tác ở đây là đang thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng, là gắn bó sự nghiệp của mình với Hoàng Sa và Trường Sa, để lan tỏa câu chuyện về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc đến với cộng đồng người Việt Nam và du khách trong và ngoài nước. Đó là những giá trị phải được gìn giữ không chỉ cho hiện tại mà còn cả thế hệ mai sau. Trong thời gian tới, Nhà trưng bày Hoàng Sa sẽ đa dạng hơn các hoạt động và tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị cùng chức năng để thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển đảo cho học sinh”.
|
Cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương” cho học sinh THCS trên địa bàn quận Sơn Trà được tổ chức ngay tại Nhà trưng bày Hoàng Sa giúp học sinh thể hiện sự hiểu biết về lịch sử quần đảo Hoàng Sa. Đồng thời, là dịp để học sinh giao lưu, học hỏi và bày tỏ suy nghĩ, tình cảm của mình đối với chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Để mở rộng địa bàn và đối tượng trong công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, tháng 6-2023, Nhà trưng bày Hoàng Sa phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân tổ chức triển lãm và tuyên truyền biển đảo với chủ đề “Tuổi trẻ với biển đảo quê hương”. Đây là hoạt động có ý nghĩa chính trị sâu sắc, góp phần nâng cao nhận thức trong cán bộ, học sinh, sinh viên và bà con nhân dân Quảng Nam về truyền thống, lịch sử chủ quyền biển đảo Việt Nam; quan điểm chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về biển đảo. Qua đó bồi đắp tình yêu, lòng tự hào, ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Phan Lệ – Lê Na
Bình luận (0)