Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cột mốc của lòng yêu nước

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy Nguyễn Văn Triệu (bìa trái) cùng các em học sinh bên cột mốc chủ quyền Hoàng Sa (cách đó không xa là cột mốc chủ quyền Trường Sa)

Ai đã từng đến Trường Phổ thông dân tộc nội trú Cần Thơ, hôm nay về thăm sẽ thật vui trước khung cảnh đổi mới, khang trang do một số công trình được nâng cấp hoặc xây mới. Đặc biệt oai nghiêm giữa sân trường là mô hình hai cột mốc chủ quyền quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa, với lá cờ Tổ quốc phấp phới bay trong gió. Công trình trị giá 40 triệu đồng, được khánh thành ngày 26-3 vừa qua.

Trường Phổ thông dân tộc nội trú Cần Thơ có 14 lớp (từ lớp 8 đến lớp 12) với 395 học sinh người dân tộc Khmer. Đa số các em có hoàn cảnh khó khăn.  

Thầy Nguyễn Văn Triệu, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường trích kinh phí hoạt động và vận động xã hội hóa xây dựng hai cột mốc  trên. Thời gian xây dựng từ ngày 7-10-2015 đến ngày 6-2-2016”. Trao đổi với chúng tôi, em Trương Thị Mỹ Hoàng, lớp trưởng lớp 10B, chia sẻ: “Khi cô giáo chủ nhiệm phát động, cả lớp đã nhiệt tình đóng góp. Có bạn đóng góp 20.000 đồng, bạn khác 50.000 đồng. Tùy khả năng, bạn nào cũng ủng hộ xây hai cột mốc chủ quyền”. Trong khi đó, em Dương Thị Trâm Đa, học lớp 10A, bộc bạch: “Ba em làm mướn, mẹ làm nghề may gia công. Khi em nói trường kêu gọi đóng góp xây hai cột mốc chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa, ba cho 50.000 đồng, còn mẹ cho 30.000 đồng, em lấy thêm tiền tiết kiệm 20.000 đồng, vậy là đóng 100.000 đồng. Cha em nói: Nhà trường xây mô hình này để thể hiện lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ. Con phải lấy đó làm động lực học tập, sau này góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh hơn”.

Thầy Nguyễn Văn Triệu không giấu được niềm vui: “Quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Chúng tôi cố gắng xây dựng hai mô hình cột mốc chủ quyền nhằm giúp học sinh hiểu biết về Hoàng Sa – Trường Sa hơn, qua đó giáo dục các em tinh thần yêu nước, chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Trước đây tôi hơi e ngại có thể một số học sinh sẽ phá phách nhưng không ngờ tất cả các em trong trường đều ý thức giữ gìn, luôn giữ sạch sẽ khu vực chung quanh hai cột mốc”. Còn em Dương Thị Thảo Nguyên, lớp phó học tập lớp 10A1, tự hào: “Trường phân công mỗi lớp trực vệ sinh sân trường 2 ngày/tuần. Khi tới phiên lớp em trực, các bạn tranh nhau làm vệ sinh khu vực hai cột mốc. Có những bạn khi thấy ai xả rác tại đó là nhắc nhở, hoặc tự nhặt bỏ vào thùng rác. Đối với chúng em, mô hình hai cột mốc chủ quyền này rất thiêng liêng”. Ngày khánh thành công trình cột mốc, Bảo tàng Cần Thơ còn tổ chức triển lãm tranh ảnh tại trường về các bằng chứng hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Cô Trần Thị Ngọc Yến, giáo viên dạy môn văn, phấn khởi: “Tôi thấy có sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức của học sinh từ khi xây dựng hai mô hình cột mốc chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa. Cụ thể, các em lên mạng tìm hiểu sâu về Hoàng Sa – Trường Sa cũng như quan tâm đến tình hình đất nước nhiều hơn. Hiện nay, trong các lớp tôi dạy, những bài học liên quan đến lòng yêu nước, hoặc phản ánh tinh thần bất khuất của dân tộc trước họa xâm lăng học sinh dễ cảm nhận hơn, nội dung bài học đi sâu vào lòng các em nhiều hơn”.

Bài, ảnh: Đan Phượng

Bình luận (0)