Hội nhậpThế giới 24h

Cột mốc mới của ô tô bay

Tạp Chí Giáo Dục

Ô tô bay AirCar của Công ty KleinVision (Slovakia) vừa đạt được cột mốc mới sau khi có chuyến đi đầu tiên với một hành khách.

Nhạc sĩ người Pháp nổi tiếng Jean-Michel Jarre, 75 tuổi, đã có 2 chuyến đi trên AirCar tại sân bay quốc tế Piestany ở Slovakia trong tháng 4-2024.

AirCar đã được phép bay vào năm 2022 sau hơn 200 lần cất cánh và hạ cánh thành công. Năm trước đó, phương tiện này trở thành ô tô bay đầu tiên hoàn thành chuyến bay giữa một số thành phố. 

AirCar có khả năng biến đổi từ xe thể thao thành máy bay trong vòng vài phút. Phương tiện này có 2 chỗ ngồi, trọng lượng 1.000 kg, cần 300 m đường băng để cất cánh và bay vào bầu trời. Nó có thể đạt tốc độ đến 193 km/giờ ở độ cao 2.438 m.

Ông Anton Zajac, nhà đồng sáng lập KleinVision, hy vọng AirCar sẽ được tung ra thị trường trong khoảng một năm tới với giá khởi điểm 500.000 USD (gần 12,7 tỉ đồng). Tuy nhiên, để vận hành phương tiện này, người sử dụng cần có cả bằng lái xe và bằng phi công. Ngoài ra, theo trang Sky News, họ cũng sẽ cần tham gia khóa học bay chuyên ngành kéo dài 2-3 tháng.

Cột mốc mới của ô tô bay- Ảnh 1.

Ô tô bay AirCar của Công ty KleinVision. Ảnh: KLEINVISION

Vào tháng 3-2024, KleinVision đã bán quyền sử dụng công nghệ liên quan AirCar cho Công ty Công nghệ xe hơi bay Hebei Jianxin (Trung Quốc). Thỏa thuận lúc ấy cho phép Công ty Hebei Jianxin sản xuất và phân phối ô tô bay nói trên tại một khu vực địa lý cụ thể nhưng hiện chưa có thêm thông tin.

Theo dự báo của Ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ), thị trường ô tô bay toàn cầu sẽ đạt 1.000 tỉ USD vào năm 2040 trước khi tăng vọt lên 9.000 tỉ USD năm 2050. Trung Quốc dự kiến chiếm 23% thị phần thị trường này vào năm 2050, chỉ đứng sau Mỹ (27%).

Tại Trung Quốc, nỗ lực phát triển ô tô bay tập trung chủ yếu vào phương tiện cất cánh và hạ cánh thẳng đứng vận hành bằng điện (eVTOL). Theo trang Nikkei Asia, một số công ty như XPeng, EHang đang thương mại hóa ô tô bay trong năm nay, tận dụng những lợi thế của Trung Quốc trong công nghệ ô tô điện.

XPeng AeroHT, công ty con của XPeng, dự kiến bán một loại eVTOL có thể chạy trên mặt đất và bay trên không. Công ty này dự kiến nhận đơn đặt hàng trước tại Trung Quốc ngay từ tháng 10, với kế hoạch bắt đầu sản xuất hàng loạt sớm nhất là năm tới. Nhà sản xuất kỳ vọng nhu cầu sẽ đến từ các công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch và ngươi mê hoạt động ngoài trời. Phương tiện này có giá khoảng 1 triệu nhân dân tệ (gần 3,6 tỉ đồng)

Trong khi đó, vào tháng 10-2023, Công ty EHang đã nhận được chứng nhận loại hình từ Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc cho mẫu EH216-S. Phương tiện 2 chỗ ngồi này có thể bay trong 25 phút với một lần sạc điện. Nó đã được bán vào ngày 1-4 với giá 2,39 triệu nhân dân tệ tại Trung Quốc và 410.000 USD ở những nơi khác.

Vào tháng rồi, Công ty EHang được phép sản xuất hàng loạt EH216-S, đồng thời hy vọng sẽ bắt tay với các khách sạn và doanh nghiệp khác để thương mại hóa dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, vẫn còn một số trở ngại để ô tô bay được sử dụng rộng rãi, như vẫn còn ít điểm cất cánh và hạ cánh, chưa có luật giao thông dành cho người điều khiển…

Theo Hoàng Phương/NLĐO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)