Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

COVID-19 đẩy hàng triệu trẻ em gái rời xa bảng đen phấn trắng

Tạp Chí Giáo Dục

Đại dịch COVID-19 đang khiến cuộc sống của hàng tỷ người dân trên toàn thế giới bị đảo lộn. Có hàng triệu trẻ em gái ở khu vực Đông Nam Á cũng phải rời bỏ lớp học, trong đó, nhiều em đã trở thành "cô dâu 8 tuổi".

Những ngày này, tin tức về các chuyến bay cấp tập chuyển vắc xin cùng sự hỗ trợ về y tế từ các quốc gia phát triển cho các nước đang gặp khó khăn ở khu vực Đông Nam Á nhằm đối phó với COVID-19 tràn ngập trên các phương tiện truyền thông.

Trẻ em gái là đối tượng dễ bị tổn thương bởi tác động của COVID-19 - Ảnh: Heng Sinith/AAP
Trẻ em gái là đối tượng dễ bị tổn thương bởi tác động của COVID-19 – Ảnh: Heng Sinith/AAP

Thế nhưng, một hệ lụy của đại dịch lại có vẻ như đang bị “lãng quên” trong dòng chảy cuồn cuộn của thông tin: hàng triệu trẻ em gái bị tước mất quyền được đi học, gây nên những vấn đề nghiêm trọng như bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, kết hôn sớm và lao động trẻ em…

Một báo cáo có tiêu đề “Đầu tư vào giáo dục cho trẻ em gái trong giai đoạn ứng phó và phục hồi sau COVID-19” được Plan International, một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em công bố mới đây cho thấy, từ tháng 1 đến tháng 6/2020 đã có hơn 24.000 đơn xin kết hôn được nộp cho chính quyền địa phương ở Indonesia mà cô dâu lại chính là những cô bé đang trong độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”.

“Chỉ trong vòng 6 tháng khi dịch mới bắt đầu, tổng số các ca tảo hôn đã tăng gấp 2,5 lần so với cả năm 2012”, báo cáo nêu rõ.

Nhiều bé gái trở thành "cô dâu 8 tuổi"

Tạp chí The Conversation dẫn báo cáo của UNICEF năm 2019 đưa ra con số lạc quan rằng, trong 2 thập niên vừa qua, số trẻ em gái bỏ học đã giảm đến một nửa, từ 30 triệu xuống còn 15 triệu.

Thế nhưng, một báo cáo khác do UNESCO công bố cuối năm 2020 ước tính 1,2 triệu trẻ em gái thuộc khu vực Đông Nam Á đã buộc phải bỏ học vì những tác động nặng nề của COVID-19.

Trẻ em gái phải chịu nhiều bất công trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19 - Ảnh: Dita Alangkara/AAP
Trẻ em gái phải chịu nhiều bất công trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19 – Ảnh: Dita Alangkara/AAP

Điều dễ nhận thấy nhất chính là, các gia đình nghèo đã quyết định hy sinh việc học của con gái mình để có thêm nguồn lực lao động kiếm tiền phụ giúp bố mẹ vốn đang gặp khó khăn trong mùa dịch.

Học phí là một rào cản khiến trẻ em gái khó tiếp cận các cơ hội giáo dục kể cả trong thời gian trước khi có dịch. Giờ đây, tình hình tài chính gần như kiệt quệ ở các gia đình nghèo càng khiến con đường đến trường của trẻ em gái trở nên gập ghềnh và gian nan hơn bao giờ hết.

Bạo lực giới cũng là một vấn nạn bủa vây trẻ em gái và phụ nữ với tỷ lệ các ca bạo hành gia đình tăng vọt trong năm 2020. Điều này khiến các đường dây nóng và hệ thống nhà tạm lánh dành cho nạn nhân bị bạo hành gia đình ở các quốc gia như Malaysia, Indonesia, Myanmar, Bangladesh và một số nước châu Á khác phải hoạt động hết công suất.

ấn nạn kết hôn trẻ em xảy ra phổ biến trong thời gian đại dịch COVID-19. Trong ảnh là bé gái 15 tuổi bế đứa con mới sinh của mình - Ảnh: Getty Images
Vấn nạn kết hôn trẻ em xảy ra phổ biến trong thời gian đại dịch COVID-19. Trong ảnh là bé gái 15 tuổi người Philippines bế đứa con mới sinh của mình – Ảnh: Getty Images

Và hệ quả có thể dễ dàng nhìn thấy với sự gia tăng đột biến các cuộc hôn nhân cưỡng ép và nạn nhân là các cô bé đang ở tuổi chưa kịp lớn. Tổ chức Cứu trợ trẻ em ước tính, đại dịch sẽ khiến thế giới có thêm 2,5 triệu cuộc kết hôn sớm, còn riêng ở khu vực Nam Á thì chỉ riêng năm 2020, đã có hơn 200.000 bé gái phải mặc lên mình chiếc áo cô dâu trước tuổi theo cách không hề mong muốn.

Một khảo sát do Ngân hàng Thế giới thực hiện cho thấy, hầu như không có trẻ em gái đã kết hôn, mang thai và nuôi con nào quay trở lại trường học sau khi đã "yên bề gia thất". Thực tế này khiến bà Inger Ashing, Giám đốc điều hành tổ chức Cứu trợ trẻ em phải thốt lên rằng: "Đây là một vấn đề khẩn cấp chưa từng có về giáo dục", đồng thời thúc giục chính phủ các nước cần khẩn trương đầu tư vào việc học cho trẻ em.

Cần giữ chân trẻ em gái ở lại trường học

Những lợi ích lớn của việc trẻ em gái có được cơ hội học hành không chỉ dành cho riêng bản thân các em mà còn cho cả cộng đồng và toàn xã hội.

Một khi được học hành đầy đủ, trẻ em gái sẽ lớn lên một cách tự tin, tham gia hiệu quả vào thị trường việc làm, và nhờ thế, khi lập gia đình thì các em sẽ có thể đóng góp vào cuộc sống riêng của mình một cách tốt đẹp hơn.

Ngân hàng Thế giới cũng khẳng định rằng, việc trẻ em gái hoàn thành chương trình học 12 năm sẽ đóng góp cho các quốc gia từ 15 đến 30 ngàn tỷ USD do thu nhập và hiệu suất lao động được cải thiện.

Cần đảm bảo cho trẻ em gái được đi học - Ảnh: Arrowsmith2/Shutterstock
Cần đảm bảo cho trẻ em gái được đi học – Ảnh: Arrowsmith2/Shutterstock

Trong bối cảnh căng thẳng của cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” với COVID-19 hiện nay, trẻ em gái cần được đặc biệt quan tâm để có giải pháp phù hợp và kịp thời trong quá trình giải quyết các tác động tiêu cực do đại dịch gây ra.

Và vì vậy, giữ chân các em ở lại trường học chính là ưu tiên cao nhất mà các quốc gia cần đặt làm trọng tâm cho chiến lược hành động của mình, để cho trẻ em gái không bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến với đại dịch.

Theo Nguyễn Thuận/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)