Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

CPI 2011 cơ bản vẫn là mức tăng giá lương thực thực phẩm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

CPI tăng trong thời gian tới cơ bản vẫn phản ánh mức tăng giá của lương thực thực phẩm vì hiện nay trong rổ hàng hóa tính CPI của chúng ta, nhóm lương thực thực phẩm chiếm tỷ trọng khoảng 40%. Đáng chú ý là nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế cho rằng năm 2010 sẽ có căng thẳng về lương thực thực phẩm trên phạm vi toàn cầu.

Đó là nhận định của TS Vũ Đình Ánh – Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả Bộ tài chính- về vấn đề dự báo biến động giá trong năm 2011.

TS Vũ Đình Ánh cho rằng, có 2 nguyên nhân chính gây ra sự tăng giá này. Thứ nhất là việc mất mùa ở nhiều quốc gia do sự bất thường của khí hậu. Thứ 2 là việc Hoa Kỳ liên tục tăng cung đồng USD khiến USD mất giá, điều kiện cho giá hàng hóa tăng lên.

CPI tăng trong thời gian tới cơ bản vẫn phản ánh mức tăng giá của lương thực thực phẩm vì hiện nay trong rổ hàng hóa tính CPI của chúng ta, nhóm lương thực thực phẩm chiếm tỷ trọng khoảng 40%.
Theo Tổ chức nông lương thế giới FAO thì chỉ số giá lương thực đã tăng 7 tháng liên tiếp, và đạt mức đỉnh cao nhất trong tháng 01/2011. Như vậy năm nay lạm phát tại Việt Nam không chỉ do các yếu tố của nội tại kinh tế nước ta mà sẽ chịu tác động từ lạm phát của toàn cầu nói chung.
TS Vũ Đình Ánh nhấn mạnh năm 2011 tình hình biến động giá cả khó lường. Bối cảnh biến động giá ở Việt Nam năm nay sẽ chịu nhiều tác động từ giá thế giới. Các cảnh báo về khả năng khủng hoảng của lương thực, tình hình kinh tế chính trị bất ổn là những yếu tố khiến giá cả hàng hóa, nguyên liệu có xu hướng tăng.
TS Vũ Đình Ánh nêu rõ, về giá lương thực, thực phẩm thì nước ta hiện vẫn là nước xuất khẩu nông sản, gạo nên nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực ở nước ta là rất thấp. Tuy nhiên chúng ta phải lường trước việc các nước thiếu lương thực thu mua, đẩy giá lên cao gây tác động xấu đến thị trường trong nước.
Đối với hàng hóa, nguyên liệu đầu vào khác tuy chúng ta kế hoạch để biến động theo thị trường nhưng với điều kiện nước ta hiện nay, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp bình ổn. Hiện nay cơ chế thả nổi giá các mặt hàng theo thị trường chưa thực sự hoàn thiện.
Về tin giá xăng có thể tăng tới 3.000 VND/ lít, TS Vũ Đình Ánh cho rằng mức tăng này là thiếu thuyết phục trong bối cảnh hiện nay. Quay lại lịch sử năm 2008, khi giá dầu thô lên mức 147 USD/ thùng thì giá xăng trong nước cũng chỉ 19.000 VND/ lít. Với giá xăng RON 92 hiện nay là 16.400 VND/lít và tăng 3.000 VND/lít thì giá bán lẻ là 19.400 VND/lít. Như vậy so với đỉnh cao năm 2008 vượt 400 VND/lít.
Tuy nhiên có thực tế là hiện nay giá cơ sở của các đầu mối xăng dầu đang cao hơn giá bán lẻ. Theo bản tin giá cơ sở của ngày 08/02/2011 của Petrolimex thì giá cơ sở đang cao hơn giá bán lẻ là 2.041 VND/lít. Các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đang chịu mức lỗ khoảng 2.000 VND/lít. Theo nghị định 84 của TTCP về việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu thì các doanh nghiệp đầu mối có đủ điều kiện để được tăng giá.
Việc giữ giá xăng không tăng trong suốt thời gian qua để kiềm chế lạm phát là sự cố gắng lớn của chính phủ. Tuy nhiên sự kìm giá trong khoảng thời gian khá dài (6 tháng) tạo ra áp lực điều chỉnh giá mạnh. Hơn nữa giá xăng của chúng ta đang thấp hơn các nước trong khu vực, điều kiện cho gian thương buôn lậu kiếm lời.
Trường hợp này gần tương tự như nửa đầu năm 2008 khi giá xăng dầu được giữ ổn định tới 5 tháng trước khi điều chỉnh tăng mạnh tới 4.500 VND/lít vào cuối tháng 7/2008 như đã nêu trên trong điều kiện thị trường xăng dầu quốc tế cũng có những biến động mạnh.
Điều chỉnh tăng giá hoàn toàn có cơ sở, còn mức độ tăng bao nhiêu thì tôi tin các cơ quan quản lý NN sẽ có phương án điều chỉnh hợp lý.
Về tác động tăng giá xăng dầu tới chỉ số CPI và lạm phát, TS Vũ Đình Ánh nêu rõ, mối lo ngại tăng giá xăng dầu sẽ kéo theo tăng CPI và lạm phát là hoàn toàn logic vì xăng dầu là đầu vào cho tuyệt đại bộ phận các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng như tiêu dùng của các hộ gia đình. Tuy vậy, việc tính toán định lượng tác động của tăng giá xăng dầu tới CPI và lạm phát rất phức tạp, chưa cho ra những kết quả thật sự thuyết phục và chính xác trong thực tế.
Đơn cử như trường hợp năm 2008. Khi giá dầu lập kỷ lục và giá xăng cũng điều chỉnh tăng kỷ lục 4.500 VND/ lít đã tạo ra “cú sốc” cho thị trường và theo suy luận thì CPI sẽ tăng mạnh do cả lạm phát chi phí đẩy và lạm phát do tâm lý. Nhưng thực tế thì CPI tháng 8 chỉ tăng 1,56 % – cao hơn mức 1,13% của tháng 7 song lại thấp hơn mức tăng 2,14% của tháng 6/2008 khi giá xăng A92 vẫn đang được giữ ở mức 14.500 VND/lít.
Kể từ tháng 9/2008, khi giá xăng được điều chỉnh xuống 17.000 VND/lít thì CPI chỉ tăng 0,18%, sau đó 3 tháng liên tiếp CPI âm đi đôi với 8 lần liên tiếp giảm giá xăng dầu theo xu thế giảm chung của thế giới. Như vậy có thể thấy dường như các doanh nghiệp thậm chí còn giảm giá thành hàng hóa trước khi giá xăng dầu có tín hiệu giảm rõ ràng.
Rõ ràng tác động của việc tăng giảm giá xăng dầu tới tăng giảm CPI và lạm phát còn cần phải được đánh giá kỹ hơn trên cơ sở lý thuyết cũng như thực tiễn ở Việt Nam.
Dĩ nhiên, chúng ta cũng không thể bỏ qua tác động phối kết hợp của các chính sách kinh tế vĩ mô khác, đặc biệt là tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ và tài khóa.
TS Vũ Đình Ánh cho răng, việc tăng giảm giá xăng dầu chỉ tác động 1 lần đến giả cả thị trường. Vì vậy thay vì cố gắng dự đoán sự tăng giảm bao nhiêu, thời điểm nào thì chúng ta nên xây dựng các kịch bản với những khả năng khác nhau để đối phó chủ động.
Các doanh nghiệp có thể sử dụng các biện pháp phòng vệ để đảm bảo ổn định giá thành sản xuất. Ví dụ sử dụng bảo hiểm tỷ giá, các hợp đồng tương lai…
Nguồn Tamnhin.net

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)