Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

CPI tháng 3 tăng 0,75%

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo các biện pháp kiểm soát giá cả và linh hoạt, thận trọng khi điều hành chính sách tiền tệ.
Sau 2 năm biến động mạnh, từ lạm phát năm 2008 đến suy thoái năm 2009, kinh tế VN năm 2010 đang tiếp tục đứng trước nguy cơ tái lạm phát. Nguy cơ này càng rõ ràng hơn khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 0,75% đã được Tổng cục Thống kê công bố hôm qua, 24-3.

Sắt thép là mặt hàng tăng giá mạnh nhất hiện nay. Ảnh: N.HỮU
Nguyên nhân CPI tăng cao
Ông Nguyễn Đức Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Thương mại-Dịch vụ-Giá cả, Tổng cục Thống kê, bình luận mức tăng CPI 4,12% của quý I năm nay là cao so với mọi năm. Theo quy luật, CPI tháng 3 thường giảm hoặc tăng không đáng kể vì mức tăng mạnh nhất rơi vào tháng 2 là thời điểm có Tết Nguyên đán. Năm nay, do có tháng nhuận nên tăng giá Tết đã có ảnh hưởng vào tháng 3 và đây là nguyên nhân khá quan trọng đẩy CPI lên. Nhưng cũng có một số lý do khác đã tác động mạnh đến CPI là yếu tố tăng giá xăng dầu, điều chỉnh tỉ giá USD và yếu tố tăng giá tâm lý khi nguyên liệu đầu vào tăng. Ngoài ra, còn một lý do nữa là phục hồi kinh tế của các nước khác khi VN đã hội nhập.
TS Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, so sánh mức tăng CPI tháng 3 năm nay xấp xỉ mức tăng của năm 2004 (tháng 3-2004 tăng 0,8%). Cả năm 2004, lạm phát dừng ở con số 9,5% và nếu suy luận theo đó thì CPI của năm nay sẽ rơi vào khoảng 9% – 10%. Tuy nhiên, ông Ánh nhấn mạnh rằng không thể đưa ra dự báo lạm phát cả năm nay nếu chỉ dựa vào CPI quý I và tháng 3. Nguyên nhân vì CPI tháng 3 có quá nhiều yếu tố bất ngờ nên không còn phản ánh chính xác các quy luật vận động. “Lẽ ra nên để CPI tháng 3 diễn biến bình thường, căn cứ vào đó sẽ tính toán mức lạm phát của cả năm và điều hành chính sách cho phù hợp. Nhưng thay vào đó, các cơ quan chức năng lại có hàng loạt chính sách tác động vào CPI tháng 3 như điều chỉnh tỉ giá, lãi suất huy động, tăng giá điện, xăng dầu… Đó chính là nhân tố đẩy CPI vượt quy luật bình thường” – ông Ánh nói.

Thực hiện biểu đồ: TS – NĐN
Cẩn thận với độ trễ chính sách
Ông Nguyễn Đức Thắng cảnh báo từ nay đến cuối năm còn nhiều yếu tố tác động đến tăng giá nhưng chưa thể tính hết. Trước mắt, ảnh hưởng của tăng giá điện sẽ tác động đến CPI của tháng 4. Trong tháng 3, một số mặt hàng như vật liệu xây dựng, gas có tăng nhẹ theo đúng quy luật nhưng có nhóm hàng quan trọng vẫn còn tăng cao, chẳng hạn như lương thực, thực phẩm. Bên cạnh đó, giá xăng dầu vẫn có thể tiếp tục điều chỉnh và hai yếu tố này sẽ tác động nhiều đến tâm lý của người dân cũng như tác động đến sản xuất nếu không kiểm soát tốt. Ông Thắng cũng lưu ý giá nhiều nguyên liệu đầu vào của các ngành sản xuất đã tăng cao trong quý I. Cho nên nó sẽ tác động làm đẩy giá thành sản phẩm trong quý II do độ trễ của chính sách. Do đó, mục tiêu phấn đấu kiềm chế lạm phát ở mức 7% là khó đạt được, vì đến nay đã “tiêu” đến 60% chỉ tiêu cả năm.
Theo TS Cao Sỹ Kiêm, thành viên Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, dự báo trong quý II, CPI có thể bớt “nóng” và trở về đúng quy luật vì một số yếu tố giảm giá đang dần bộc lộ rõ. Cụ thể là thanh khoản của nền kinh tế đang được cải thiện. Tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đang tăng lên, lãi suất cho vay có thể hạ xuống. Các yếu tố này sẽ tác động tích cực đến sản xuất trong tháng 6 và tháng 7.
TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng khó giữ được lạm phát ở mức 7%. Song có thể vẫn dừng ở ngưỡng dưới hai con số và vì thế, không phải điều chỉnh giảm tốc độ tăng trưởng cũng như các chỉ tiêu quan trọng khác của nền kinh tế. Hiện nay, Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo các biện pháp kiểm soát giá cả và linh hoạt, thận trọng khi điều hành chính sách tiền tệ. Ông Kiêm cho biết lãi suất trên thị trường đang đứng mức cao nhưng vẫn bảo đảm lãi suất thực dương đối với người gửi tiền. Đây là yếu tố rất quan trọng để không gây lạm phát tâm lý. Riêng lãi suất cho vay thỏa thuận đối với vốn trung và dài hạn đang nhích lên 17%-18%/năm là vấn đề bất ổn, phải tìm cách ép xuống. 
CPI quý I vọt lên 4,12%
Tổng cục Thống kê công bố CPI tháng 3 tăng 0,75% so với tháng 2. Như vậy đà tăng giá đã chậm lại (tháng 2 tăng 1,96%) nhưng tính chung quý I, CPI đã tăng tới 4,12%.
Trong rổ hàng hóa, nhóm tăng mạnh nhất là nhà ở – vật liệu xây dựng, tăng 1,38%. Tiếp theo là nhóm hàng ăn uống và dịch vụ, tăng 1,03%. Trong nhóm này, mức tăng mặt hàng lương thực đã giảm nhẹ xuống còn 0,9%. Nhóm hàng hóa duy nhất giảm giá là bưu chính viễn thông, giảm 0,2%. Chỉ số giá vàng tăng 1,21%, chỉ số giá USD tăng 1,28%.
T.Hà
Phương Anh / NLĐ 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)