Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

CSGT được phép hóa trang khi làm nhiệm vụ

Tạp Chí Giáo Dục

Việc hóa trang được bố trí cho một bộ phận cán bộ, chiến sĩ trong tổ tuần tra, kiểm soát mặc thường phục để giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm…

Nội dung trên được đưa ra tại Thông tư 27/2009/ TT- BCA, của Bộ Công an về quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông đường bộ (CSGT).


Trường hợp không phát hiện vi phạm, CSGT cũng phải thông báo và nói: “Cảm ơn ông bà… đã giúp đỡ lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ”.

Áp dụng với sĩ quan, hạ sĩ quan thuộc lực lượng CSGT đường bộ khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, thông tư nêu rõ, việc hóa trang được thực hiện trong các trường hợp: Khi cần bí mật sử dụng các phương tiện, thiết bị nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; Hoặc để phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm khi tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông phức tạp. Cả hai trường hợp này đều phải có phương án, kế hoạch của lãnh đạo từ cấp trưởng phòng CSGT hoặc trưởng công an huyện trở lên phê duyệt.

CSGT làm nhiệm vụ chỉ được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp: Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua các phương tiện, thiết bị nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ. Thực hiện kế hoạch, mệnh lệnh tổng kiểm soát của Cục trưởng Cục CSGT đường bộ- đường sắt hoặc Giám đốc công an cấp tỉnh trở lên; Kế hoạch, phương án công tác của Trưởng phòng CSGT hoặc trưởng công an cấp huyện trở lên về việc kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ theo chuyên đề.

Thông tư cũng quy định rõ, CSGT hóa trang phát hiện hay ghi nhận các hành vi vi phạm phải thông báo ngay cho lực lượng tuần tra, kiểm soát công khai để ngăn chặn, đình chỉ và xử lý theo quy định của pháp luật.

CSGT có thể ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi vi phạm nhưng phải sử dụng giấy chứng minh công an nhân dân hoặc giấy chứng nhận cảnh sát nhân dân để cho người vi phạm biết về việc đang thực hiện nhiệm vụ. Sau đó, thông báo về hành vi vi phạm và yêu cầu người vi phạm về trụ sở đơn vị hoặc thông báo cho lực lượng tuần tra, kiểm soát công khai tiếp nhận và xử lý theo quy định pháp luật.

Không tự tiện dừng phương tiện

Thông tư quy định, CSGT làm nhiệm vụ chỉ được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp: Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua các phương tiện, thiết bị nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ. Thực hiện kế hoạch, mệnh lệnh tổng kiểm soát của Cục trưởng Cục CSGT đường bộ – đường sắt hoặc Giám đốc công an cấp tỉnh trở lên; Kế hoạch, phương án công tác của Trưởng phòng CSGT hoặc Trưởng công an cấp huyện trở lên về việc kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ theo chuyên đề.

Có lệnh bằng văn bản của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra từ cấp huyện trở lên, văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục phục vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự. Hoặc từ tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.

Tuy nhiên, thông tư yêu cầu việc dừng phương tiện phải đảm bảo an toàn, đúng quy định của pháp luật. Không làm cản trở đến hoạt động giao thông. Khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Bắt buộc sang khách, hạ tải

Thông tư chỉ rõ, với việc xử lý phương tiện quá trọng tải, CSGT sẽ tập trung tổ chức tuần tra, kiểm soát ngay tại nơi phương tiện xuất phát, gần các khu vực bến bãi, kho cảng và các địa điểm có lắp đặt các trạm cân. Các trường hợp chở quá trọng tải, khi phát hiện, CSGT buộc chủ phương tiện, lái xe hạ tải để bảo đảm trọng tải theo quy định. Trường hợp cố tình không chấp hành, CSGT phối hợp với các lực lượng liên quan tổ chức cưỡng chế hạ tải theo đúng quy định. Chủ xe và lái xe có trách nhiệm bảo quản hàng hóa và chịu mọi chi phí cho việc hạ tải.

Đối với xe chở quá số người quy định, CSGT sẽ tập trung tuần tra, kiểm soát gần nơi xe xuất phát, các bến xe, các điểm đón, trả khách. Sau khi trực tiếp lên khoang chở người để kiểm tra, trường hợp trên xe chở quá số người quy định, yêu cầu chủ xe, lái xe phải bố trí xe khác để sang khách hoặc đưa về bến xe gần nhất để sang khách. Chủ xe, lái xe phải chịu mọi chi phí cho việc sang khách và tiền vé cho khách tiếp tục hành trình còn lại.

Cho người vi phạm xem hình ảnh trước khi lập biên bản

Thông qua các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, khi ghi nhận được hành vi vi phạm của phương tiện tham gia giao thông, CSGT thực hiện hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm soát và xử lý theo quy định. Nếu người vi phạm có yêu cầu được xem hình ảnh, kết quả ghi thu phải được cho xem, sau đó mới lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính theo quy định pháp luật. Trường hợp người vi phạm yêu cầu cung cấp bản ảnh vi phạm, thì người vi phạm phải chịu mọi chi phí cho việc in bản ảnh đó.

Trường hợp không dừng ngay được phương tiện, Trưởng phòng CSGT hoặc Trưởng công an cấp huyện trở lên có văn bản thông báo đến người vi phạm hoặc chủ phương tiện, yêu cầu đến trụ sở công an nơi phát hiện vi phạm để giải quyết. Khi giải quyết, cho người vi phạm hoặc chủ phương tiện xem hình ảnh chụp hoặc kết quả ghi, thu được về hành vi phạm trước khi lập biên bản và quyết định xử phạt theo quy định.

Nói “cảm ơn”

Thông tư nêu rõ, sau khi lập biên bản mà người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại từ chối ký thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Việc xử lý vi phạm được tiến hành theo hai trường hợp: Đối với thủ tục đơn giản, CSGT quyết định xử phạt tại chỗ theo quy định pháp luật, nếu việc xử phạt chưa tiến hành được ngay quyết định xử phạt thì tạm giữ giấy tờ liên quan để bảo đảm cho việc chấp hành quy định xử phạt vi phạm hành chính (ghi rõ việc tạm giữ giấy tờ vào quyết định xử phạt). Trường hợp vi phạm có mức phạt tiền trên 200 nghìn đồng thì phải lập biên bản vi phạm hành chính, nếu thuộc thẩm quyền xử phạt thì ra quyết định xử phạt, nếu không thuộc thẩm quyền xử phạt (hình thức phạt, xử phạt bổ sung, các biện pháp khắc phục hậu quả) thì phải chuyển vụ, việc vi phạm đến người có thẩm quyền để xử phạt.

Sau khi kiểm soát xong, CSGT làm nhiệm vụ thông báo các hành vi vi phạm, hình thức và biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật cho người lái xe và những người trên xe biết để chấp hành. Đối với những xe chở người từ 24 chỗ trở lên, CSGT trực tiếp lên khoang chở khách để thông báo. Trường hợp không phát hiện vi phạm cũng phải thông báo và nói: “Cảm ơn ông bà… đã giúp đỡ lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ”.

Theo Duy Tuấn (VTCNews)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)