Từ ngày 5.8, tất cả các hình thức tuần tra, kiểm soát của CSGT đều phải nằm trong kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải thông báo công khai qua nhiều hình thức để người dân giám sát.
CSGT TP.HCM lập biên bản một trường hợp đi ngược chiều. ẢNH: VŨ PHƯỢNG
Trao đổi với PV ngày 9.7, đại diện Cục CSGT (C08) Bộ Công an cho biết hoạt động tuần tra kiểm soát của lực lượng CSGT sẽ có nhiều thay đổi từ ngày 5.8, khi Thông tư 65/2020 của Bộ Công an về nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT có hiệu lực.
Công khai kế hoạch tuần tra là yêu cầu bắt buộc
Một trong những nội dung đáng chú ý là trước khi tiến hành hoạt động tuần tra, kiểm soát thì trưởng phòng CSGT các đơn vị thuộc Cục CSGT, công an tỉnh, huyện phải thông báo công khai kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện; kiểm tra chuyên đề và kế hoạch xử lý vi phạm thường xuyên…
“Người dân không có quyền yêu cầu CSGT ngoài đường xuất trình kế hoạch tuần tra kiểm soát”
Theo đại diện C08, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của lực lượng CSGT sẽ thực hiện niêm yết công khai tại nhiều nơi nên người dân có thể dễ dàng giám sát. Tuy nhiên, người dân sẽ không có quyền yêu cầu lực lượng làm nhiệm vụ ở ngoài đường phải cung cấp các văn bản kế hoạch về tuần tra, kiểm soát. “Khi CSGT làm nhiệm vụ ngoài đường thì cũng như tất cả cán bộ công chức khác, họ cũng phải chịu sự giám sát của người dân, đúng hay sai thì họ phải chịu trách nhiệm. Người dân đang thực hiện việc giám sát chứ không phải kiểm tra. Cần phải phân biệt rõ như vậy”, đại diện C08 giải thích.
|
Việc công khai này được thực hiện theo các hình thức: niêm yết tại trụ sở tiếp công dân của đơn vị; đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Cục CSGT hoặc Cổng thông tin điện tử của công an cấp tỉnh, Phòng CSGT; công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và áp dụng các hình thức công khai khác theo quy định của pháp luật.
Theo đại diện C08, Thông tư 65/2020 quy định chi tiết mẫu thông báo với nội dung về tên của đơn vị làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; tuyến đường tuần tra; loại phương tiện, hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý và thời gian thực hiện. “Việc công khai mẫu thông báo này là yêu cầu bắt buộc của Bộ Công an và lực lượng CSGT trên toàn quốc đều phải thực hiện”, vị này cho biết.
Thông tư 65/2020 quy định địa bàn tuần tra, kiểm soát của Cục CSGT là các tuyến đường cao tốc đi qua địa giới hành chính từ 2 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư trở lên. Trường hợp cần thiết, tổ chức lực lượng thực hiện hoặc chủ trì, phối hợp với công an các đơn vị, địa phương, các lực lượng liên quan thực hiện kế hoạch tuần tra, kiểm soát được Bộ trưởng Bộ Công an, Cục trưởng Cục CSGT phê duyệt trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi toàn quốc. Địa bàn tuần tra, kiểm soát của công an tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư là các tuyến đường cao tốc chỉ nằm trong phạm vi địa giới hành chính của một tỉnh, TP; các tuyến quốc lộ trọng điểm, quốc lộ có tình hình trật tự, an toàn giao thông phức tạp (bao gồm cả các đoạn đường tránh quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và thị trấn thuộc huyện)…
Mẫu thông báo công khai kế hoạch tuần tra kiểm soát của lực lượng CSGT. ẢNH: THÁI SƠN
Trường hợp nào CSGT được dừng xe kiểm tra ?
Cũng theo Thông tư 65/2020, CSGT thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong các trường hợp sau: trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm về giao thông và các hành vi vi phạm khác; thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông; có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng CQĐT, văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.
Khi dừng xe, CSGT kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông, gồm: giấy phép lái xe; chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng; giấy đăng ký xe; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng (đối với loại xe có quy định phải kiểm định); giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và các giấy tờ khác có liên quan theo quy định của pháp luật; kiểm soát các điều kiện tham gia giao thông của phương tiện giao thông và việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động vận tải đường bộ.
Theo Thái Sơn/TNO
Bình luận (0)