Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

CSGT TP.HCM xử phạt 129.845 trường hợp vi phạm nồng độ cồn

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 26-9, Công an TP.HCM cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2024, đơn vị quán triệt, thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.

CSGT TP.HCM kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM thông tin, trong 9 tháng đầu năm 2024, CSGT TP.HCM đã xử phạt 129.845 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (tăng 1.244 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023).

Riêng Phòng CSGT, Công an TP đã phát hiện, xử lý 72.078 trường hợp vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, ma túy. Trong đó có 72.066 trường hợp người điều khiển phương tiện trên đường có nồng độ cồn, so cùng kỳ tăng 23.622 trường hợp (48,7%).

“Việc lực lượng CSGT triển khai thực hiện quyết liệt chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn, “không có ngoại lệ”, “không có vùng cấm”.

Nhờ đó, quyết tâm hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe” trong nhân dân, ý thức của người dân thành phố đã được cải thiện rõ rệt qua việc thể hiện sau khi sử dụng rượu, bia tại các địa điểm, hàng quán kinh doanh ăn uống người dân chủ động di chuyển bằng các phương tiện taxi, xe công nghệ để di chuyển về nhà.

Lực lượng CSGT sử dụng phương pháp đo nồng độ cồn 2 lần

– Lần 1: Tiến hành theo phương pháp kiểm tra định tính (dùng phễu để xác định người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong hơi thở). Khi dừng, kiểm tra phương tiện, lực lượng CSGT sẽ yêu cầu người điều khiển phương tiện thổi một hơi thở định tính (hành động diễn ra trong thời gian từ 3-5 giây). Trường hợp không vi phạm, người điều khiển phương tiện tiếp tục tham gia giao thông. Trường hợp phát hiện vi phạm về nồng độ cồn, lực lượng CSGT tiếp tục tiến hành đo định lượng lần 2.

– Lần 2: Trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm, lực lượng CSGT sẽ yêu cầu người vi phạm đưa phương tiện vào khu vực xử lý. Tại đây, CSGT dùng máy đo định lượng (máy dùng ống thổi) nhằm xác định mức độ vi phạm; sau đó tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện theo quy định.

Tình hình tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn được kéo giảm sâu cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương), Thượng tá Hà cho biết.

Việc kiểm soát triệt để nồng độ cồn của lực lượng CSGT không chỉ xuất phát từ việc kéo giảm tai nạn giao thông mà còn để phòng ngừa các loại tội phạm có thể xảy ra sau khi sử dụng rượu bia như tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, giết người.

Hồ Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)