Bộ GD-ĐT đang gấp rút triển khai xây dựng chương trình – sách giáo khoa (CT-SGK) mới sau 2015. Bên cạnh một kỳ thi quốc gia sắp tới, thì vấn đề CT-SGK cũng đang làm “nóng” dư luận. Bởi thời gian để đưa SGK vào dạy đại trà không còn nhiều, năm học 2018-2019 bắt đầu.
Là người có rất nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề CT-SGK, GS. Nguyễn Xuân Hãn cho rằng SGK cần được kế thừa và điều chỉnh, chứ không phải “đập ra làm lại từ đầu”.
Đã từng “quên” kế thừa
Theo GS. Nguyễn Xuân Hãn, đối với giáo dục cần phải có CT và SGK chuẩn, đây là vấn đề rất quan trọng trong 3 đối tượng: Thầy, nhà trường và sách. Hiện nay so với chuẩn mực chung thế giới thì nội dung trong SGK của ta nặng từ 1-3 năm, tuy nhiên nhiều kiến thức cần lại chưa được dạy, còn cái được dạy thừa và xa cuộc sống. Lý do? Sự bất cập trong nhận thức khoa học và tổ chức nên đến nay đã 35 năm kể từ năm 1980 ta vẫn chưa có CT nhất quán và SGK phù hợp với Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, theo GS. Nguyễn Xuân Hãn, “đợt đổi mới CT-SGK lần này tôi rất băn khoăn, vẫn từ cách làm, tổ chức, con người như cũ, nên khó có sản phẩm mới, để đạt mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện”. GS. Hãn nói: Tư duy chung của biên soạn SGKhiện naycần kế thừa những tinh hoa văn hóa, giáo dục tiêu biểu và tiến bộ khoa học kỹ thuật của dân tộc và nhân loại. Đây là tiêu chí quan trọng để điều chỉnh lại CT giáo dục phù hợp với thực tại. Ngược với tư duy này, mỗi lần đổi mới giáo dục chúng ta lại làm lại CT-SGK từ đầu, sao chép tùy tiện! Cả hai miền Nam Bắc đã từng có các nền giáo dục chuẩn mực thích hợp với thực tiễn trong ngoài nước, phù hợp thời điểm. Nội dung các môn khoa học tự nhiên về cơ bản là giống nhau, và cách trình bày kiến thức lại hỗ trợ và bổ sung cho nhau. Việc cải cách giáo dục năm 1980, đáng lý phải kế thừa, chỉ cần xem xét điều chỉnh lại một số nội dung không còn phù hợp với xã hội mới trong các môn khoa học xã hội của giáo dục miền Nam trước đây và cập nhật những tiến bộ mới, ta sẽ sớm có CT-SGK chuẩn mực. Thực tế, ta loại bỏ giáo dục miền Nam, và làm lại CT-SGK từ đầu.
Nhầm lẫn giữa nội dung và phương pháp
GS. Nguyễn Xuân Hãn cho rằng đang có sự nhầm lẫn giữa nội dung và phương pháp trong tiến trình đổi mới CT-SGK hiện nay của Bộ GD-ĐT. Người ta nói “có bột mới gột nên hồ”, phải làm rõ nội dung trước tiên, đó là cái bản chất bên trong thì chúng ta có nhiều cách giảng dạy khác nhau. Ngược với tư duy này, chúng ta đang xem trọng phương pháp và xem nhẹ nội dung, mỗi lần đổi mới ta lại đưa ra một khẩu hiệu. Ví như trước đây chúng ta lấy học trò là trung tâm, sau đó lại có khẩu hiệu “giảng dạy tích cực” và giờ thì lại “tiếp cận theo năng lực” theo kiểu bao cấp tư duy của thầy và trò. Lưu ý, đến nay đã 35 năm, hầu như chúng ta không hề có bản tổng kết cụ thể cho mỗi đợt đổi mới tốt xấu thế nào? Giáo dục nước ta đổi liên tục, mới liên tục, kết quả lúc nào cũng ở phía trước! GS. Hãn cũng cho rằng, chúng ta đang đổi mới trong luẩn quẩn, đổi mới CT-SGK vẫn chủ yếu từ những người làm phương pháp là chính, chứ họ chưa nhìn ra giữa nội dung và phương pháp là khác nhau.
Có thể một nội dung có nhiều cách dạy khác nhau, nhưng khi đổi mới lại đưa ra một khẩu hiệu và thay cả nội dung. Nội dung giáo dục là những cái bất biến. CT “Tú tài quốc tế” có khoảng 100 nước tham gia, đến hiện nay nội dung vẫn hầu như ổn định, có đổi cũng rất ít, không phải cứ 10 năm lại thay đổi lại. Hoặc CT của nước Nga vẫn được áp dụng cách đây 50 năm, về cơ bản ít thay đổi, kể cả các nước có nền giáo dục tiên tiến. Lượng thông tin hiện nay có nhiều nhưng không có nghĩa bản chất đã thay đổi. Đây là cách làm của những người chưa hiểu rõ bản chất giáo dục, kiến thức của họ chưa tiêu biểu, có thể còn hạn hẹp. Ở đây phải hiểu nội dung và phương pháp là hai vấn đề khác nhau. Nội dung có một và có thể có nhiều phương pháp khác nhau tùy vào hoàn cảnh và người học để giảng dạy, chúng ta không được nhầm lẫn theo kiểu thay đổi phương pháp thì phải làm lại SGK.
Làm nhà xong mới mua nội thất
Theo GS. Nguyễn Xuân Hãn, đề án đổi mới CT-SGK cần có một tổng chủ biên. Vì xây một ngôi nhà chỉ vài tỷ đồng cũng cần một kỹ sư trưởng, vậy mà với một đề án quan trọng có liên quan trực tiếp tới tương lai của dân tộc, tiêu tốn hàng vạn tỷ đồng mà lại không có tổng chủ biên? Vậy ai là người chỉ đạo về mặt học thuật cho đợt đổi mới này? Vị tổng chủ biên theo quan điểm của GS. Nguyễn Xuân Hãn là phải thấu hiểu được kinh nghiệm của thế hệ trí thức trong ngoài nước làm CT-SGK chuẩn thế nào? Nước nào thành công và nước nào thất bại? Và ta sẽ làm như thế nào? Tại sao xây dựng theo con đường đó? Tại sao không?
Hãy xóa bỏ tư duy tiểu nông trong tư duy chỉ đạo, từ bỏ cách cắt khúc cuốn chiếu trước đây. CT và sách nên làm tập trung – (thuộc Hội đồng biên soạn quốc gia – trong Ủy ban Quốc gia về đổi mới GD-ĐT) và triển khai đồng bộ trong tất cả các bậc học phổ thông. Lần đổi mới CT-SGK năm 2000 cần được rút kinh nghiệm kỹ lưỡng. Bài học được rút ra ở đây đó chính là sự lãng phí và hiệu quả thấp khi vừa làm CT-SGK vừa mua thiết bị. Lần đổi mới này, theo GS. Hãn nói một cách hình ảnh “làm nhà xong, mới mua nội thất” – làm xong CT-SGK mới mua thiết bị dạy học. CT chính thức, SGK chuẩn được biên soạn xong, chúng sẽ được giới thiệu cho cả xã hội phản biện trước khi triển khai vào hệ thống. Quốc hội sẽ phải có chế tài CT-SGK mới phải sử dụng ít nhất một vòng 12 năm như các nước, hoặc tốt nhất là lâu hơn nữa.
Thiên Lam
Bình luận (0)