Thông tin trên được ThS. Mai Mỹ Hạnh (Phó Trưởng khoa Tâm lý, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) công bố trong đề tài “Xây dựng và đánh giá kết quả chương trình phòng ngừa bắt nạt trực tuyến cho học sinh tại Việt Nam”.
Theo nghiên cứu, có gần 52% học sinh trung học từng bị bắt nạt trực tuyến (ảnh minh họa)
Một hình thức mới, để lại hậu quả nghiêm trọng
Theo ThS. Mai Mỹ Hạnh, bắt nạt trực tuyến là hành vi lặp đi lặp lại việc gây tổn thương hoặc gây rắc rối cho người khác thông qua sự hỗ trợ của thiết bị công nghệ. Đây là một hình thức mới và để lại hậu quả nghiêm trọng hơn với những hình thức bắt nạt, bạo lực khác. Hậu quả nó để lại không chỉ là những vết thương trên thân thể như bắt nạt thông thường, nó tác động đến mối quan hệ xã hội, học tập, gây ra tổn thương tâm lý, tinh thần, nghiêm trọng hơn có thể ảnh hưởng cả tính mạng học sinh… “Trên thế giới và tại Việt Nam, nhiều trường hợp học sinh bị bắt nạt trực tuyến đã xảy ra, để lại hậu quả thương tâm. Hiện nay, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đã có những văn bản pháp luật quy định về hành vi bắt nạt, bạo lực học đường. Tuy nhiên, chưa có chương trình phòng ngừa và hướng xử lý kịp thời khi các vụ việc liên quan đến hành vi bắt nạt trực tuyến xảy ra…”, ThS. Mai Mỹ Hạnh cho biết.
Với đề tài nghiên cứu “Xây dựng và đánh giá kết quả chương trình phòng ngừa bắt nạt trực tuyến cho học sinh tại Việt Nam”, ThS. Mai Mỹ Hạnh đã tiến hành khảo sát thực trạng hành vi bắt nạt trực tuyến và công tác phòng ngừa bắt nạt trực tuyến trên 1.302 học sinh từ 12-18 tuổi tại TP.HCM (58%), Cần Thơ (42%) và 400 giáo viên. Kết quả: 60,8% học sinh đã từng có hành vi bắt nạt trực tuyến. Ước tính cứ 10 học sinh thì có tới 7 học sinh thực hiện hành vi bắt nạt trực tuyến. 51,7% học sinh đã từng bị bắt nạt trực tuyến, trong đó 2,1% bị rất thường xuyên, 7,9% bị thường xuyên, 11,1% thỉnh thoảng bị… Các vấn đề về ngoại hình, giới tính, lối sống, quan điểm sống, hứng thú cá nhân là những vấn đề chủ yếu bị đem ra đánh giá trên các nền tảng trực tuyến.
Với các hành vi bắt nạt trực tuyến, 98,6% học sinh sử dụng Facebook/Messenger để thực hiện; 79,2% chọn TikTok; 56,9% chọn Zalo; 31,9% chọn tin nhắn điện thoại; 23,6% chọn bắt nạt trực tuyến bạn bè bằng… Gmail. Ngoài ra còn có các nền tảng mạng xã hội khác như: YouTube, Shopee, Lazada, Sendo, Tiki… Nghiên cứu cũng nêu rõ, khi trở thành nạn nhân của bắt nạt trực tuyến, đa phần học sinh tự đưa ra những cách ứng phó với hành vi bắt nạt trực tuyến mà bản thân cho là phù hợp. Học sinh thường xuyên phải đối mặt với các hình thức của bắt nạt trực tuyến, nhiều em lựa chọn im lặng để cho qua, còn với những học sinh bắt nạt trực tuyến người khác lại cho rằng đó là hành động cho vui, không ảnh hưởng gì đến ai.
Theo ThS. Mai Mỹ Hạnh, có 7 biểu hiện thường xuyên của hành vi bắt nạt trực tuyến người khác, bao gồm: gửi tin nhắn qua điện thoại, mạng xã hội có ý chê bai, sử dụng từ ngữ nhạy cảm khi nói về một ai đó; lập group, hội anti để nói xấu, rêu rao những điều không hay về một người nào đó; nói về tính xấu hoặc một điểm mình không hài lòng về một bạn bất kỳ một cách công khai trên mạng xã hội; bình luận, chê bai hoặc sử dụng nút “phẫn nộ” với bài viết của một ai đó trên mạng xã hội; đăng bài viết trên mạng xã hội với mục đích đe dọa hay cảnh cáo một bạn nào đó; đặt tên, biệt danh xấu về một ai đó trong các bình luận trên mạng hoặc tin nhắn; đặt điều, rêu rao không đúng về một ai đó trên mạng xã hội.
Năng lực phòng chống bắt nạt trực tuyến cho học sinh cần được nâng cao (ảnh minh họa)
Mặc dù vậy, theo nghiên cứu, thực trạng đáng báo động là tần suất thực hiện phòng ngừa bắt nạt trực tuyến cho học sinh tại trường học: đa phần chỉ là 1 lần/năm học (48,4%), tối đa là 2 lần/năm học (24,3%), thậm chí 27,3% trường học không triển khai công tác này trong suốt năm học. Các nội dung phòng ngừa chủ yếu hướng tới là giao tiếp, ứng xử hiệu quả khi tham gia vào môi trường trực tuyến, khi bị bắt nạt trực tuyến. Đa phần được lồng ghép vào tiết học, sinh hoạt trên lớp, xen kẽ hoạt động khác của giáo viên song lại chưa bao giờ được lồng ghép trong các tiết học kỹ năng sống. Việc triển khai chưa mang đến lợi ích mong đợi cho học sinh.
Xây dựng chương trình phòng ngừa bắt nạt trực tuyến
Từ những nghiên cứu trên, ThS. Mai Mỹ Hạnh đã tiến hành xây dựng và thử nghiệm chương trình phòng ngừa bắt nạt trực tuyến cho học sinh tại Việt Nam, thực hiện thử nghiệm tại 8 trường học trên địa bàn quận Tân Phú. Năm nội dung phòng ngừa bắt nạt trực tuyến được nghiên cứu áp dụng vào chương trình phòng ngừa thực nghiệm, gồm: hiểu về bắt nạt trực tuyến; sàng lọc nguy cơ bắt nạt trực tuyến và bị bắt nạt trực tuyến; rèn luyện kỹ năng ứng phó với bắt nạt trực tuyến; can thiệp và hỗ trợ tâm lý liên quan đến hành vi bắt nạt trực tuyến; truyền thông lan tỏa ý thức phòng ngừa bắt nạt trực tuyến trên không gian mạng. “Kết quả thực nghiệm cho thấy, có sự thay đổi trong nhận thức của học sinh từ mức độ không biết, không biết rõ thành biết rõ nội dung phòng ngừa bắt nạt trực tuyến. Học sinh có thay đổi trong việc ứng phó với bắt nạt trực tuyến, các em có sự thay đổi quan điểm về hình thức sàng lọc nguy cơ bắt nạt trực tuyến, tìm kiếm sự hỗ trợ tư vấn tâm lý học đường. Kết quả đánh giá từ bài kiểm tra nhận thức, hành vi để đánh giá chuẩn đầu ra của học sinh sau khi tham gia chương trình phòng ngừa bắt nạt trực tuyến cho thấy học sinh đạt được mức độ hiểu biết rõ và ứng phó tốt với bắt nạt trực tuyến. Hầu hết học sinh trong nhóm thực nghiệm đều được nâng cao hiểu biết, được hỗ trợ và thực hiện được những cách bảo vệ bản thân, tham gia không gian mạng an toàn, hiệu quả, phòng ngừa bắt nạt trực tuyến”, ThS. Mai Mỹ Hạnh nêu.
Từ những khảo sát, đánh giá đề tài nghiên cứu, ThS. Mai Mỹ Hạnh kiến nghị Bộ GD-ĐT cần ban hành các quy định, hành lang pháp lý cụ thể về tổ chức công tác phòng ngừa bắt nạt trực tuyến cho học sinh trong trường học; xử lý nghiêm các trường hợp thực hiện hành vi bắt nạt trực tuyến, có quy định pháp lý cụ thể về xử lý những nhóm đối tượng bắt nạt trực tuyến, góp phần xây dựng không gian mạng lành mạnh, an toàn cho sự phát triển của trẻ em, học sinh Việt Nam.
Với học sinh, cần tuyệt đối không ở thế bị động, tự tin tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia tư vấn tâm lý, nâng cao nhận thức về bắt nạt trực tuyến… Với giáo viên, cần chủ động tìm hiểu về bắt nạt trực tuyến và các dấu hiệu để nhắc nhở, tư vấn, giáo dục học sinh. Tích hợp, lồng ghép nội dung này vào trong môn học… Cán bộ quản lý trường học cần tổ chức công tác tư vấn tâm lý học đường hoặc sàng lọc học đường định kỳ liên quan đến bắt nạt trực tuyến; tổ chức các hội thảo, chuyên đề…
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)