Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cụ bà 64 tuổi hành nghề đạo chích suốt 20 năm

Tạp Chí Giáo Dục

Suốt 20 năm, bà Chi luẩn quẩn trong vòng xoáy trộm cắp, vào tù, ra trại lại “tái nghiện”. Nạn nhân của cụ bà này những người ở bệnh viện.

Bà lão dáng thấp lùn ngồi co rúm trong bộ quần áo cũ kỹ bạc màu tên là Võ Thị Hạnh Chi, 64 tuổi, trú tại TPHCM. Thư ký tòa bước vào. Dường như quá quen với việc tòa xử, bà lão lật đật lên ngồi trước vành móng ngựa. Chuyện trộm cắp của bà lão dần hiện ra sau những trang cáo trạng mà chủ tọa đọc. 

Vào một buổi chiều tháng 9/2007, khi gần hết tiền, bị cáo Chi bắt xe buýt đến Bệnh viện Bình Dân (Q.3, TPHCM) với ý định vào đây để trộm bất cứ thứ gì có thể quy ra tiền bởi nếu không tối ấy gia đình bà chẳng có gì cho vào miệng cả.  

Đến nơi, bà Chi đi thẳng vào khu vực điều trị, bắt gặp một bệnh nhân đang nằm truyền thuốc, đôi mắt lim dim, mệt mỏi. Nhẹ nhàng bước tới, bà lão rướn người móc túi chiếc quần đang treo trên móc áo cạnh người bệnh, lấy được 900.000 đồng. Số tiền không lớn nhưng với kẻ đói ăn như bà, đó là tài sản lớn. Tìm đường tháo lui, bà Chi bị bảo vệ nghi ngờ, giữ lại ngay cổng bệnh viện. Sự việc bị phanh phui, ngay hôm đó, bà Chi bị đưa lên cơ quan công an làm việc. 

Không phải lần đầu bị bắt giữ nhưng trước tòa, bị cáo khai rằng mình bị đau khớp, định đi khám nhưng khi qua phòng điều trị của bệnh nhân thấy tài sản để hớ hênh mới nảy sinh ý định chiếm đoạt. Vị chủ tọa phiên tòa bất bình: Bị cáo đi khám sao lại qua khu điều trị của bệnh nhân. Sao biết có tiền mà móc. Đây không phải lần đầu tiên bị cáo có hành vi này 

Những lời thẩm vấn rõ ràng, logic khiến mái đầu bạc không còn ngẩng lên được. Cuộc đời bà Chi đã nhiều lần vào tù ra khám. Cách đây 20 năm, bị cáo bị cưỡng chế lao động vì hành vi trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa. Ba lần tiếp theo, cũng vì trộm cắp, bị cáo Chi bị TAND quận 1, quận 5 xử lý hình sự. Hôm nay, sau 20 năm cuộc đời Chi vẫn trong cái vòng luẩn quẩn: trộm cắp, vào tù, ra trại lại tái phạm. Có điều mọi hành vi phạm tội của bị cáo đều diễn ra tại bệnh viện.  

Câu nói của chủ tọa làm bị cáo cúi gằm: Những bệnh nhân không may mắn đã phải vào bệnh viện điều trị, bản thân họ đau đớn, gia đình họ khó khăn, người chăm bệnh thì mệt mỏi… Vậy mà, bị cáo rắp tâm lợi dụng sơ hở trộm cắp những đồng tiền mồ hôi nước mắt của họ. Nếu gia đình bị cáo không may có người phải nhập viện, phải chi đủ các thứ tiền mà bị cáo bị móc hết thì sao. Đây là hành vi tội ác. Bao nhiêu con người dù tàn tật, đau đớn họ vẫn lao động, vẫn sống bằng sức lao động của mình còn bị cáo sau 20 năm, sau bao lần lãnh án, ngần ấy tuổi đời liệu bị cáo còn cơ hội làm lại cuộc đời, có những ngày thanh thản không. 

Sau bản án 2 năm 6 tháng tù là những ngày dài lao lý. Trong mắt mọi người lúc bấy giờ, bà lão là kẻ trộm cắp với “bề dày thành tích”, một “cao thủ” đáng gờm với những nạn nhân dù tuổi đã cao không biết “cải tà quy chính”.  

Theo Mai Phượng – Đất Việt

 

Bình luận (0)