Tình trạng sạt lở tại bờ kênh Thanh Đa (phường Thạnh Mỹ Tây, TP.HCM) ngày càng nghiêm trọng trong khi dự án xây dựng bờ kè kiên cố dù đã được phê duyệt từ lâu nhưng cứ mãi nằm trên giấy. Còn người dân vẫn tiếp tục phải sống trong điều kiện tạm bợ, lo lắng mỗi khi triều cường, mưa lớn hoặc sóng từ tàu chạy qua đánh mạnh vào bờ…

Trắng đêm vì sợ nước ngoặm hết nhà cửa
Tại khu vực kênh Thanh Đa, nhiều căn nhà đã bị khoét sâu vào chân móng, một số căn nghiêng hẳn về phía dòng nước.
“Đêm xuống, tôi nằm mà không dám ngủ sâu. Nghe tiếng nước lụp bụp là lại bật dậy nhìn quanh, sợ nước cuốn trôi hết mọi thứ, kể cả mạng người”, bà Trần Thị Tám – cư dân sống sát mé kênh – lo lắng.
Căn nhà của bà Tám nằm ngay mép nước, mỗi mùa triều cường dâng cao là một lần bà thấp thỏm lo lắng. Không ai dám chắc nền đất còn trụ được bao lâu, chuyển đi thì chưa có điều kiện, còn ở lại thì mỗi đêm là một lần đánh cược với sông nước.
Nhiều hộ dân như bà Tám cũng đang đối mặt với tình trạng tương tự. Tại con hẻm nhỏ gần bờ, những căn nhà lụp xụp chen chúc nhau trên nền đất yếu. Anh Trần Chung – cư dân ở đây – kể: “Hai, ba năm nay nguy hiểm lắm. Mỗi lần tàu chạy qua hay có sóng lớn là đất lại lở ra. Có nhà từng bị sụp một phần rồi. Nhà tôi giờ cũng bị nghiêng, ảnh hưởng đến tinh thần cả nhà. Tối ngủ ai cũng nơm nớp lo sợ. Mong Nhà nước sớm làm bờ kè để người dân an tâm sinh sống, đỡ lo cái cảnh nhà cửa, tài sản bị nước cuốn trôi”.

Sau vụ sạt lở lớn trước đây, nhiều hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đã được di dời. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ chưa được hỗ trợ chuyển đi hoặc chưa đủ điều kiện để đi nơi khác. Họ tiếp tục sống giữa những vết nứt ngày càng lớn, những đợt nước tràn không báo trước và tâm lý lúc nào cũng như “ngồi trên lửa”.
“Người già như tôi giờ chỉ mong được hỗ trợ để tìm nơi ở khác an toàn hơn. Ở đây đất yếu, nhà ai cũng tạm bợ. Nếu được đền bù hợp lý thì chúng tôi sẽ đi. Còn không thì mong làm lại bờ kè cho kiên cố, chứ sống như vậy, mỗi lần mưa lớn là lại cầu trời khấn Phật phù hộ…”, bà Huỳnh Thị Tư (79 tuổi) – người đã sống rất lâu tại khu vực này – tâm sự.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, đoạn bờ kè có dấu hiệu sạt lở kéo dài gần 200 mét, ăn sâu vào khu dân cư, đặc biệt là khu vực giáp trụ kè đã bị kéo đổ trước đó. Mỗi đợt triều cường, nước từ kênh tràn thẳng vào hẻm, có thời điểm ngấp nghé nền nhà. Đá tảng, bê tông đổ vỡ nằm ngổn ngang bên dòng nước. Đất đá xói mòn kéo theo rác thải tấp vào bờ, khiến cảnh quan thêm nhếch nhác, ô nhiễm…
Người dân dài cổ ngóng dự án sớm triển khai
Năm 2023, UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương xây dựng bờ kè kiên cố tại đoạn sạt lở này nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và ổn định tình hình dân sinh. Đây là một trong nhiều dự án trọng điểm nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, sụt lún và xói mòn tại khu vực đô thị có mật độ dân cư cao. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa có mốc thời gian cụ thể về việc triển khai.

Chia sẻ với phóng viên, nhiều người dân cho biết họ đã quá quen với những lần khảo sát rồi lại chờ đợi không hồi đáp.
“Cứ nghe tới dự án kè là chúng tôi mừng. Mừng rồi lại thất vọng. Lúc thì có đoàn xuống khảo sát, lúc thì nghe nói sẽ khởi công, rồi chẳng thấy gì thêm. Mỗi lần như vậy là một lần hy vọng rồi lại hụt hẫng. Tôi và cư dân ở đây chỉ mong dự án sớm được triển khai. Bao năm nay chỉ nghe nói rồi để đó, nhà cửa thì xuống cấp mà chẳng biết bấu víu vào đâu”, anh Chung bày tỏ.
Bà Tám trầm ngâm: “Báo chí viết rồi cũng thôi. Nhưng nước thì vẫn lên, đất vẫn lở và nhà tôi thì vẫn ở đó”.
Mùa mưa đã đến. Nhiều cơn mưa lớn bất thường khiến nỗi lo sạt lở càng hiện rõ trong sinh hoạt hàng ngày của người dân nơi đây. Trước khi mọi việc trên nguy hiểm hơn, việc sớm triển khai dự án bờ kè không chỉ là nhu cầu bức thiết của người dân mà còn thể hiện cam kết của chính quyền trong việc đảm bảo an sinh xã hội…
Thương Nguyên
Bình luận (0)