Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Cú đúp “Sinh viên 5 tốt”

Tạp Chí Giáo Dục

Không chỉ được biết đến là một trong 20 gương mặt “Nữ sinh tiêu biểu trong lĩnh vực kỹ thuật” năm 2014 trên toàn quốc, Nguyễn Thị Linh Giang (sinh viên Khoa Điện Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) còn hai lần liên tiếp được tuyên dương “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương.

Linh Giang tại lễ vinh danh “Sinh viên 5 tốt” năm 2015

Thành tích học tập đáng nể

Nhắc đến ngành điện, ít ai nghĩ đó là ngành dành cho nữ nhi chân yếu, tay mềm. Lâu nay, nữ sinh theo ngành này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nghĩ về trường hợp “cá biệt” ấy, nhiều người lại nghĩ ngay đến những nữ sinh nghịch ngợm, gan lỳ. Ý nghĩ ấy hoàn toàn trái ngược khi tiếp xúc với Linh Giang. Gương mặt toát lên vẻ thông minh, nụ cười thân thiện, Linh Giang tạo ra cảm giác gần gũi với những ai lần đầu gặp mặt. “Chuyện nữ sinh chọn học ngành kỹ thuật bây giờ không phải là điều lạ nhưng cũng không phải thuộc về số đông. Vì vậy khi lựa chọn học ngành kỹ thuật em cũng đắn đo nhiều lắm”, Linh Giang nói.

Điều đáng nể ở cô nữ sinh ngành kỹ thuật này có lẽ là tinh thần ham học hỏi, không ngại đương đầu với khó khăn để theo đuổi đam mê.

Linh Giang sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Quảng Trị đầy nắng gió. Tốt nghiệp THPT tại Trường chuyên Lê Quý Đôn (TP.Đông Hà), em quyết định thi vào ngành điện để theo nghiệp của bố. Vốn là học sinh chuyên hóa với thành tích học tập 12 năm liền đạt loại giỏi, em dễ dàng chinh phục giảng đường ĐH. Nhưng khó khăn chỉ thực sự bắt đầu khi lớp học ở trường ĐH những ngày đầu chỉ duy nhất một mình em là nữ. “Lúc đó em thực sự sốc lắm. Lớp toàn nam, em thậm chí không có bạn để tâm sự. Một thời gian sau đó, lớp mới có thêm một bạn nữ nữa”, Linh Giang kể.

Vượt qua những lạ lẫm ban đầu, em nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới và vươn lên vị trí tốp đầu trong học tập. Năm 2014, Linh Giang có mặt trong số 49 gương mặt trẻ đại diện cho Việt Nam tham dự giao lưu khoa học, công nghệ của Tổ chức JICE tại Nhật và là một trong 8 sinh viên đại diện cho Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đến Nhật tham gia giao lưu nghiên cứu khoa học với Trường Utsunomiya, chủ đề “Thiết kế sản phẩm thích ứng với thiên tai”. Cũng trong năm 2014, Linh Giang xuất sắc đạt giải 3 cuộc thi Olympic tiếng Anh không chuyên khu vực miền Trung và có mặt trong số 20 sinh viên tiêu biểu trên toàn quốc được vinh danh ở giải thưởng “Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực kỹ thuật”.

Chia sẻ về bí quyết học tập của mình, Linh Giang cho biết: “Em không cần dành thời gian học thật nhiều mà đổi lại học phải có mục tiêu. Khi lên lớp, em chú ý tiếp thu kiến thức. Trao đổi thêm với thầy cô, bạn bè những điều mình chưa hiểu. Về nhà, em chịu khó đọc tài liệu, tìm hiểu trên các phương tiện thông tin để bồi bổ thêm kiến thức”.

Năng động trong hội nhập

Không chỉ học giỏi, Linh Giang còn là một sinh viên năng động trong các phong trào Đoàn – Hội; cụ thể, em luôn là thành phần tích cực và chủ chốt trong những hoạt động tình nguyện “Mùa hè xanh”, “Tiếp sức mùa thi”, “Ngày chủ nhật xanh”… Ở bất cứ công việc nào, em cũng hoàn thành xuất sắc. Khi được hỏi về thời gian vừa đảm bảo cho việc học và tham gia hoạt động Đoàn – Hội, Linh Giang nói: “Tất nhiên là sẽ rất khó khăn để phân chia thời gian hợp lí nhất. Cũng có đôi khi em đành hy sinh việc học, nhường thời gian cho các phong trào trước, sau đó sẽ tranh thủ bổ sung kiến thức để không bị tụt lại. Qua các phong trào tình nguyện, em thấy mình thu lại được nhiều bài học thực tế từ cuộc sống, góp phần trau dồi kỹ năng sống cho mình”.

Với những đóng góp của mình, Linh Giang vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng tại Chi bộ Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Hai năm liên tiếp em được vinh danh “Sinh viên 5 tốt”. Nói về mình, Linh Giang khiêm tốn: “Em rất vui khi mình là một trong số rất ít sinh viên hai lần vinh dự nhận giải thưởng “Sinh viên 5 tốt”. Để đạt được điều đó, suốt 4 năm học ở trường, em đã nỗ lực hết mình trong học tập và thực hiện các phong trào”. Điều đáng nể ở cô nữ sinh ngành kỹ thuật này có lẽ là tinh thần ham học hỏi, không ngại đương đầu với khó khăn để theo đuổi đam mê. Linh Giang cho biết: “Những chuyến đi thực tế, giao lưu với sinh viên nước bạn như ở Nhật, em nhận ra rằng, công nghệ ở nước bạn cũng không mới nhưng điểm mình cần học hỏi là những nghiên cứu khoa học công nghệ của họ đều có tính ứng dụng cao. Em vẫn luôn ấp ủ khát vọng chinh phục khoa học công nghệ hiện đại, góp phần nhỏ công sức của mình đưa Việt Nam tiến kịp các nước trên thế giới”.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)