Y tế - Văn hóaThư giãn

Cú hích cho văn học thiếu nhi

Tạp Chí Giáo Dục

Sau giải thưởng Dế Mèn, mới đây, Hội Nhà văn Việt Nam và Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL) ký kết chương trình phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước về văn học giai đoạn 2021-2025. 

Trong đó, đáng chú ý là đề án “Trao Giải quốc gia về văn học nghệ thuật dành cho trẻ em”. Đây có thể xem như những cuộc tiếp sức cho văn học thiếu nhi trong nước, vốn im ắng nhiều năm qua. 

Khoảng trống chờ lấp đầy

Khoảng chục năm trở lại đây, thị trường sách thiếu nhi trở nên sôi động hơn, một phần vì các bậc phụ huynh đã bắt đầu quan tâm tới việc đọc sách của con. Đây giống như động lực để các đơn vị xuất bản trong nước tập trung đầu tư xuất bản sách cho đối tượng tiềm năng này. Chính vì vậy, ngoài dòng sách chủ đạo là văn học, thị trường sách thiếu nhi còn đa dạng và phong phú hơn với sách kỹ năng, kiến thức, truyện tranh; gần đây có thêm sự xuất hiện của dòng sách tương tác. Tuy nhiên, nếu xét riêng ở dòng sách văn học, lại đang có tình trạng “thừa mà thiếu”.

Nói “thừa mà thiếu” là vì sách văn học thiếu nhi vẫn đều đặn được ra mắt, nhưng hầu hết đó là sách dịch, nếu là tác phẩm trong nước thì cũng được tái bản từ nhiều năm trước. Thực tế cho thấy, chúng ta đang thiếu những tác phẩm văn học đặc sắc dành cho thiếu nhi đến từ tác giả Việt, nhất là những tác giả trẻ.

Theo quan sát, từ đầu năm đến nay, NXB Kim Đồng có khoảng 80 tác phẩm văn học được xuất bản. Tuy nhiên, hầu hết đó là tác phẩm văn học dịch và tái bản. Nếu tính tác phẩm văn học thuần túy, chỉ có tập truyện Bước về phía mặt trời của tác giả trẻ Nguyễn Luân. Còn NXB Trẻ có Chuyện của anh em nhà Mem và Kya (Nguyễn Quang Thiều) và Ngôi làng trên triền dốc (Gia Bảo). NXB Văn hóa – Văn nghệ có Giấc mơ bay (Châu Hoài Thanh).

Phụ huynh tìm mua sách cho con tại Đường sách TPHCM

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cảnh báo: “Nếu một đứa trẻ đọc quá nhiều tác phẩm văn học nước ngoài, mặc dù điều các em nhận được có thể rất hữu ích nhưng nó sẽ không mang trong đó nét đẹp, văn hóa của Việt Nam. Cho nên, sách văn học thiếu nhi của các tác giả trong nước quan trọng vô cùng, bởi sẽ tạo cho trẻ môi trường, mối liên kết với tổ tiên, ông bà cha mẹ, thầy cô bạn bè tự nhiên trong ngôn ngữ và trong điều kiện của văn hóa Việt Nam”.

10 năm qua, giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam chỉ duy nhất tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được vinh danh vào năm 2009.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều lý giải: “Chúng tôi không lập giải thưởng văn học thiếu nhi riêng mà đưa văn học thiếu nhi như một giải thưởng tương đương với những tác phẩm khác. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, chính điều đó làm những người viết sách cho thiếu nhi không để ý. Đã đến lúc, hội bằng mọi cách phải có một giải thưởng riêng dành cho văn học thiếu nhi và phải có cách truyền bá giải thưởng đó đi sâu rộng hơn”.

Cú hích cho nhiều đối tượng

Trong bối cảnh văn học thiếu nhi trong nước im ắng như vậy, việc ra đời của các giải thưởng dành cho thiếu nhi được xem là những tín hiệu đáng mừng. Đầu tiên là việc ký kết giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Cục Nghệ thuật biểu diễn về chương trình phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước về văn học giai đoạn 2021-2025; trong đó, đáng chú ý là đề án “Trao Giải quốc gia về văn học nghệ thuật dành cho trẻ em”.

Vào tháng 9-2018, TS Quách Thu Nguyệt đã đề xuất và trực tiếp chấp bút soạn dự thảo đề án “Giải thưởng sách thiếu nhi”. Theo tìm hiểu, hiện tại đề án đã được trình lên UBND TPHCM và dự kiến sẽ được công bố vào dịp 2-9 tới đây. Như vậy, nếu đề án này được thực thi, đây sẽ là sự cộng hưởng đầy tích cực đối với văn học thiếu nhi trong nước.

Trước thông tin này, TS Quách Thu Nguyệt không giấu được niềm vui: “Tôi thấy đây là một điều đáng mừng. Việc ươm mầm cho thế hệ tương lai phải bắt đầu từ thiếu nhi, phải có những động thái để chăm lo cho các em ngay từ bây giờ. Dưới góc độ cộng đồng, tôi thấy thực sự cả xã hội đang quan tâm cho lứa tuổi thiếu nhi. Và chuyện này cũng sẽ tác động đến phụ huynh, cho họ thấy cần phải đầu tư và chăm lo nhiều hơn nữa cho lớp thế hệ tương lai. Với những người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, họ sẽ có thêm động lực để đầu tư cho sáng tác”.

“Chúng ta thấy một thực tế: vi phạm về đạo đức xã hội, vi phạm về luật pháp, phạm tội ở tuổi vị thành niên mỗi ngày một nhiều hơn và trầm trọng hơn. Cho nên, biện pháp phòng ngừa xa nhất chính là phòng ngừa bên trong con người các em. Mà muốn để xây một phòng tuyến thật xa, nhằm chống lại những cái ác xâm nhập các em thì đó chính là văn học nghệ thuật”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định.

Theo Hồ Sơn/SGGPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)