Tốt nghiệp ra trường, Chung không có việc làm ổn định, thu nhập thấp không đủ trang trải cơm áo, Chung đành “bén duyên” với nghề xe ôm. Cũng như Chung, là Huy, Vũ… đều là những tài xế “bất đắc dĩ”, vì hoàn cảnh nên phải “bám” nghề giữa những hiểm nguy luôn rình rập.
Đội ngũ xe ôm công nghệ hiện nay, có nhiều cử nhân hành nghề |
“Tiền tươi, thóc thật”
Đứng đợi khách ở Công viên Văn Lang (quận 5), tài xế GrabBike Nguyễn Văn Huy (26 tuổi, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Huế) chia sẻ, quê ở miền Trung, hồi mới ra trường Huy tính về quê vì nghĩ về quê sẽ dễ xin việc hơn thành phố, nhưng thực tế không phải vậy. Huy cho biết: “Gia đình đã hỏi han khắp nơi, trường nào cũng có mấy chục hồ sơ đang đợi, nhiều bạn dạy hợp đồng đến 5-6 năm nhưng vẫn chưa vào được biên chế. Chờ 6 tháng không có kết quả, tôi vào huyện Lai Vung (Đồng Tháp) làm quản lý khách sạn cho người bà con bên họ nội, lương 6 triệu/tháng bao ăn ở. Mức lương đó không thấp, công việc cũng nhàn nhưng ở đó rất buồn, lại không có cơ hội để được làm việc đúng chuyên môn”.
Huy kể, làm được 1 năm thì lên Sài Gòn xin làm giáo viên trong một trường tư, cũng mức lương 6 triệu đồng/ tháng nhưng tiền nhà trọ, ăn uống bị “đội” lên gấp nhiều lần. Đã lên Sài Gòn ngót nghét 5 tháng nhưng Huy không tiết kiệm được đồng nào, sinh hoạt phí luôn trong tình trạng eo hẹp. Để cải thiện thu nhập Huy cũng muốn làm thêm gì đó vào buổi tối, nhưng phục vụ nhà hàng, bán hàng… chỉ phù hợp với các em sinh viên. Suy đi tính lại nhiều lần, Huy quyết định chọn chạy thêm xe ôm công nghệ. Bởi theo Huy, thời gian làm việc có thể linh hoạt, bữa nào khỏe thì chạy từ 7 giờ tối đến 11 giờ khuya, hôm nào có hẹn với bạn bè thì tắt máy không phải gò bó.
“Trung bình một buổi tối tôi chạy được 5-6 chuyến. Xe ôm công nghệ giá rẻ hơn xe ôm truyền thống nên hầu như khách nào cũng “bo”. Ví dụ trên điện thoại báo chuyến đi hết 32 ngàn đồng, khách thường đưa 35, 40 ngàn, có người đưa cả 50 ngàn mà không lấy tiền thừa. Do đó, trừ chi phí mỗi tối tôi cũng được hơn 100 ngàn, cộng thêm với chạy 2 ngày cuối tuần thì thu nhập cũng ngang với lương giáo viên hàng tháng. Từ hồi chạy thêm xe Grab, mỗi tháng tổng lương cả 2 bên tôi cũng phụ giúp bố mẹ 3 triệu để lo cho hai em” – Huy cười tươi chia sẻ thêm.
Không may mắn như Huy, Phạm Văn Chung ở (SN 1992, quận Bình Thạnh) tốt nghiệp Khoa Công nghệ thông tin của Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn 2 năm nay vẫn chưa xin được việc. “Em nộp hồ sơ vào mấy công ty tin học nhỏ, công việc chủ yếu là sửa máy tính, bảo hành bảo trì cho các công ty. Việc ít nên lương chỉ 5 triệu đồng/tháng, làm mấy chỗ em chán bỏ đi làm nhân viên chăm sóc khách hàng rồi cũng chẳng đâu vào đâu. Giờ em nghỉ hẳn việc cũ, chỉ làm xe ôm như vầy lại khỏe, em chạy từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau”. Chung nói thêm: “Ăn học suốt mất năm trời nay chỉ làm tài xế xe ôm kể ra cũng buồn nhưng vì hoàn cảnh, em phải chấp nhận. Hiện nay, chạy xe có vất vả nhưng chăm chỉ thì thu nhập từ 9-10 triệu đồng/tháng “tiền tươi, thóc thật”. Mỗi tháng em có thể gửi về một ít phụ giúp cho gia đình”.
Không xác định lâu dài
Trong nhóm chạy xe của Chung và Huy, nhiều tuổi nhất là tài xế Hoàng Văn Kim. Anh Kim tốt nghiệp Đại học Kinh tế được hơn 10 năm, cũng kinh qua đủ thứ nghề: Hết làm tiếp thị cho bột giặt lại làm tiếp thị cho hãng sữa. Năm ngoái anh lại về làm tiếp thị cho công ty nước ngọt, hiện vợ đã sắp đến ngày sinh, anh phải chạy thêm GrabBike kiếm thêm chút tiền lo tiền sữa cho con.
Nhiều khi vợ lo lắng quá nên khuyên “bám” nghề đến khi con kha khá, vợ đi làm lại rồi thôi. Biết là công việc này chỉ tạm bợ, qua ngày nhưng được ngày nào đỡ thêm ngày đó…” – anh Kim tâm sự.
Ở cương vị là một thầy giáo chạy thêm xe ôm, Huy kể nhiều khi ái ngại gặp phải phụ huynh hoặc học sinh của mình, do đó Huy thường đeo khẩu trang. “Mặc dù kiếm đồng tiền chính đáng, nhưng mình không thích phụ huynh, và các học sinh thấy thầy giáo phải lam lũ để kiếm sống. Hiện hai đứa em, đứa học năm 3, đứa học năm cuối, tôi xác định chỉ chạy xe đến khi các em ra trường. Sau này tôi sẽ học lên thạc sĩ, tập trung vào chuyên môn mặc dù công việc này thu nhập cao nhưng không phải sự lựa chọn lâu dài”. |
Kể về mình, Chung cho biết, tính đến nay đã “bén duyên” với Grab được hơn 6 tháng. Chung thường chạy vào ban đêm vừa mát, đường không bị kẹt, giá cước cũng cao hơn. Tuy nhiên cái gì cũng có cái giá của nó, chạy xe đêm hôm rất nhiều nguy hiểm rình rập. Chung kể: Nhiều người say rượu lên xe là ngủ gục, mình đi xe bằng một tay, tay kia giữ, sợ khách ngã xuống đường thì mình cũng khổ. Tài xế chạy ban đêm thường sợ nhất gặp cướp, nên khách nào bắt xe đến khu: Bình Hưng Hòa, Tên Lửa, Trung Sơn… là Chung không dám nhận. Nhiều khi có khách vẫy dọc đường, nếu bắt khách ngoài sẽ không phải trả phí công ty nhưng không tài xế nào dám dừng xe: “Nếu lỡ xảy ra chuyện gì thì công ty không có thông tin của khách để giúp đỡ” – Chung cho biết.
Bài, ảnh: Nhã Nam
Bình luận (0)