Chương trình đào tạo ĐH quá khô khan, chỉ thiên về lý thuyết, xa rời thực tế khiến không ít sinh viên sau khi tốt nghiệp phải làm trái ngành…
Đỗ Thị Th. tốt nghiệp loại khá ngành kinh tế học của Trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhưng dù đã rải hồ sơ đi nhiều nơi vẫn không xin được việc làm. Th. cho biết: “Tôi đã đi phỏng vấn rất nhiều nhưng đều bị từ chối vì ba chữ thiếu kinh nghiệm”.
Khá, giỏi cũng làm công nhân
Không thể ngồi chờ cơ hội để có việc làm, Th. quyết định xin làm công nhân may tại Khu công nghiệp Sông Mây (Đồng Nai). Không biết may nên Th. được nhận vào phụ việc trong chuyền may với mức lương 2,4 triệu đồng/tháng. Th. nói: “Sau một tháng làm công nhân cắt chỉ, nhờ có trình độ và cũng may phòng nhân sự của công ty thiếu người nên tôi được chuyển lên làm nhân viên văn phòng. Tôi làm được hai tuần rồi”.
Không may mắn như Th., tốt nghiệp loại giỏi ngành ngữ văn Trường ĐH Khoa học (ĐH Huế) nhưng Kim Duyên đang làm công nhân kiểm hàng cho một công ty may giày da xuất khẩu tại Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (Bình Dương) với mức lương khoảng 2 triệu đồng/tháng; nếu tăng ca thì được thêm 1,2-1,4 triệu đồng nữa. D. cho biết sau khi tốt nghiệp ĐH đã trở về quê ở Quảng Bình để chờ dạy hợp đồng cho một trường THCS nhưng hơn một năm vẫn chỉ là đợi. Gia đình cũng không đủ khả năng để hỗ trợ mãi nên D. vào Bình Dương làm công nhân. Vừa làm công nhân D. vừa rải hồ sơ xin việc ở TP.HCM, Đồng Nai… nhưng vẫn không có kết quả.
Kim Duyên (bìa trái) đang hối hả vào ca. Ảnh: NG.OANH
Chấp nhận làm trái ngành
Trịnh Mỹ H. tốt nghiệp ngành du lịch Trường ĐH Văn Hiến nhưng không thể xin được vào các công ty lữ hành vì yêu cầu ngoại ngữ cao, trong khi H. đã rất cố gắng nhưng khó đáp ứng được. Trầy trật nhiều năm, giờ H. đang làm nhân viên tiếp thị cho một nhãn hàng mì ăn liền tại TP.HCM.
Tương tự, sau khi tốt nghiệp ngành song ngữ Nga-Anh của Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), Nguyễn Kim T. không biết sẽ làm gì vì tiếng Nga rất ít người dùng. Với vốn tiếng Anh có được, T. học thêm tin học để xin vào làm nhân viên trực tổng đài cho một công ty mạng. Công việc không phù hợp và lương chỉ gần 2,5 triệu đồng/tháng nên T. học thêm khóa nghiệp vụ du lịch ngắn hạn, kỹ năng giao tiếp để chuyển sang làm nhân viên bán vé máy bay cho một đại lý của Vietnam Airlines.
Đi học bằng ngân sách của địa phương, tốt nghiệp ngành tin học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã hơn gần một năm nhưng PL vẫn chưa tìm được việc làm vì địa phương không còn nhu cầu về nhân lực. Hiện tại PL đang làm việc cho một trang web. Mỗi ngày PL chịu trách nhiệm biên tập lại các phần khảo sát ý kiến rồi đăng tải trên website, trả lời mail của cộng tác viên… Công việc khá tốn thời gian nhưng mức lương thấp (khoảng 1,5 triệu đồng/tháng) nên PL phải tranh thủ dạy kèm cùng lúc bốn lớp (lớp 1, 7, 8, 10) vào các buổi tối để có đủ tiền chi tiêu.
Sinh viên cần được đào tạo kỹ năng mềm
Ngày 30-11, tại hội thảo Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ ĐH do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên, cho biết: “Không phải sinh viên giỏi chuyên môn là được tuyển dụng, mà cạnh tranh dựa vào kỹ năng mềm rất cao. Sáu kỹ năng mềm thường được nhà tuyển dụng yêu cầu đối với sinh viên là tư duy sáng tạo, lập kế hoạch và tổ chức công việc, thuyết trình, giao tiếp, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm nhưng không đào tạo nên sinh viên rất yếu”.
Trong khi đó, ThS Nguyễn Văn Chiến, Trung tâm Phân tích và Dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, đề nghị các trường cũng phải chủ động trong việc xây dựng các mối quan hệ với doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu trong đào tạo nhằm đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo theo hướng tiếp cận thực tế, tăng cường tính ứng dụng đáp ứng trực tiếp các nhu cầu xã hội… để sản phẩm đào tạo được tiếp nhận.
Chương trình đào tạo khiến sinh viên không phát triển được
Các kỹ năng mềm đều có nêu trong chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo nhưng thiết kế chương trình không thể hiện được các kỹ năng này. Điều này làm cho sinh viên không phát triển được. Chính vì không thể hiện được nên trong quá trình giảng dạy, các môn học cũng đặt tiêu chí sinh viên đạt được kỹ năng một cách chung chung. Để rồi kết thúc khóa học, không thể biết được sinh viên đang ở mức độ nào của kỹ năng. Do đó, để tạo cơ hội cho mình, chính bản thân sinh viên phải tự hoàn thiện mình để tìm được việc làm.
TS LÊ THỊ THANH MAI, ĐH Quốc gia TP.HCM
Trường và doanh nghiệp còn xa nhau
Với ngành học được xem là “hot” như kế toán, quản trị kinh doanh, ngân hàng, luật kinh tế… thì đúng là nhu cầu nhân lực trình độ ĐH đang thiếu nhưng sinh viên tốt nghiệp ngành này vẫn thất nghiệp hoặc tìm việc làm không đúng với chuyên môn. Điều này là do nhiều trường không quan tâm đúng mức việc thiết lập quan hệ với các doanh nghiệp và các đơn vị sử dụng lao động.
ThS LƯƠNG THỊ HOÀI PHƯƠNG, Ngân hàng Á Châu
|
Theo Pháp Luật
Bình luận (0)