Với diện tích gần 4ha, anh Trần Văn Bảy (41 tuổi, ở thôn Phú Sơn Nam, xã Hoà Khương, Hoà Vang, Đà Nẵng) đang sở hữu trang trại trồng rau sạch lớn nhất Đà Nẵng, mỗi tháng thu nhập hơn 200 triệu đồng.
Tốt nghiệp trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, nhưng lại theo nghề viết lách gần 10 năm nay. Bất ngờ, trong chuyến theo đoàn công tác anh biết được dự án trồng rau sạch do tổ chức QSEAP hỗ trợ và được rất nhiều nông dân hưởng ứng, anh chợt nảy ra ý tưởng sao mình không thử sức với công việc đầy mới mẻ này.
Năm 2015, anh quyết định trở về quê hương với mong muốn phát triển kinh tế theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường. “Mình sinh ra và lớn lên trên ruộng lúa, luống rau, đam mê trồng trọt đã có sẵn trong người rồi. Vả lại vùng đất này có nhiều yếu tố phù hợp cho việc trồng trọt, lại còn được TP Đà Nẵng quy hoạch là nơi trồng rau sạch nên mình quyết định về quê làm lại từ đầu”, anh Bảy chia sẻ.
Lúc mới về, anh nhận thấy bà con vẫn còn e ngại vì nghĩ rằng trồng loại rau theo phương pháp này có lâu dài hay chỉ được vài năm, kinh tế có phát triển bền vững và đặc biệt vấn đề đầu ra có được giải quyết? Với hoài bão, khát vọng của hai vợ chồng, anh mạnh dạng thuê lại 1ha đất bỏ hoang của người dân để thử nghiệm.
Ban đầu, do ít vốn cộng với kinh nghiệm chưa nhiều, anh trồng một số lượng ít các loại rau ăn lá, quả như rau muống, cải cây, tầng ô, mồng tơi, rau dền, ổ qua, bầu, bí đao… Trừ hết tất cả các chi phí, sau hơn 6 tháng trồng anh bỏ túi được hơn 30 triệu đồng. Từ đó, anh mạnh dạng đề xuất với chính quyền địa phương thuê thêm 3ha để mở rộng mô hình, anh trồng thêm các loại rau, củ như mướp hương, cà tím, đậu bắp, dưa leo, măng tây,…
“Mới đầu khó khăn là chuyện bình thường, mình cũng vậy. Cái khó lúc bấy giờ là vốn, thiếu vòm sắt vì vòm tre chỉ sử dụng được một thời gian ngắn, thiếu hệ thống thoát nước, thiếu máy móc làm đất. Ban đầu mình vừa làm, vừa học thêm trên mạng internet, trong quá trình sản xuất có thể áp dụng linh hoạt theo từng điều kiện nhất định. Với lại, mình luôn có vợ ở đằng sau động viên, điều đó khiến mình quyết tâm hơn”.
Là vùng rau sạch, nên từ công đoạn từ trồng, chăm sóc đến thu hoạch đều được quản lý chặt chẽ. Tất cả các loại thuốc đều là thuốc sinh học, phân bón chủ yếu là phân chuồng, bánh dầu, phân vi sinh từ đó không gây ô nhiễm cho môi trường và thân thiện với người sử dụng.
“Khi phun thuốc hay bón phân đều được tính toán kỹ càng, tất cả được tính toán một cách khoa học, tất cả phải tuân theo cách quy tắc nhất định”, anh Bảy cho hay.
Với 4ha sản xuất, anh tạo công ăn việc làm cho bà con quanh vùng, lúc cao điểm trang trại anh có hơn 40 người làm với thu nhập từ 4-5 triệu/tháng. Chị Trần Thị Yên (30 tuổi, thôn Phú Sơn Nam, xã Hoà Khương, Hoà Vang, Đà Nẵng) cho biết: “ Tôi làm ở đây gần một năm rồi, từ khi làm việc ở trang trại anh Bảy tới giờ gia đình tôi chỉ sử dụng các loại rau, củ trong trang trại vì đây là rau sạch không có chất hóa học an toàn cho tôi và gia đình. Tôi còn giới thiệu cho bạn bè, bà con quanh vùng biết để mà sử dụng”.
Với thương hiệu sau sạch Pihka Đà Nẵng – chuyên sản xuất rau quả an toàn phân phối đến tận tay người tiêu dùng, với ý nghĩa mang rau từ vườn đến bếp ăn. Hiện anh đã mở các cửa hàng chuyên cung cấp rau sạch ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Anh, từ đó cung cấp trực tiếp cho người dân và các nhà hàng rau sạch trong thành phố với giá giao động từ 30.000 – 50.000/kg, tùy theo loại. Theo anh ước tính, mỗi ngày trang trại cung cấp 300-400 kg rau sạch. Trong đó rau sạch chiếm khoảng 150kg, số còn lại là củ và quả.
Với trang web Pihka.vn, toàn bộ thông tin, hình ảnh được hiện lên nhanh chóng. Bên cạnh đó, giá cả cũng được niêm yết cụ thể dưới hình ảnh từng sản phẩm và thủ tục đặt hàng rất tiện ích. Với cách thức bán hàng online thế này, hy vọng trang trại của anh ngày một ăn nên làm ra, ngày càng đáp ứng nhu cầu rau sạch không chỉ của người dân Đà Nẵng mà còn cho các tỉnh lân cận.
Nguyễn Tri (TNO)
Bình luận (0)