Từ thực trạng cử nhân thất nghiệp vẫn còn cao, một lần nữa dư luận bày tỏ lo ngại vấn đề chất lượng đào tạo ĐH, CĐ. Mới đây, vấn đề này lại được đặt ra tại diễn đàn Quốc hội. Trả lời các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhìn nhận một trong các nguyên nhân khiến còn tình trạng cử nhân mới ra trường thất nghiệp là chất lượng đào tạo ĐH, CĐ của một số trường còn thấp.
Hiện đang có tình trạng lao động trung cấp thì dễ có việc làm, còn lao động ĐH, CĐ khó xin việc. Bởi nhà tuyển dụng tuyển lao động theo kiến thức, tay nghề, kỹ năng, kinh nghiệm mà không tuyển theo bằng cấp. Nhiều cử nhân đã không qua được cửa ải này.
Cử nhân thất nghiệp nhiều đã tác động lên việc chọn trường của thí sinh. Mùa tuyển sinh vừa qua, khá nhiều thí sinh nói không với các trường ĐH, CĐ chất lượng thấp để chuyển sang học nghề. Hệ quả, nhiều trường ĐH, CĐ không tuyển đủ chỉ tiêu. Xu hướng này đang lan rộng. Sự tồn tại và phát triển của các trường này đang bị đe dọa.
Trước những thách thức này, theo ghi nhận, hiện nhiều trường ĐH, CĐ đang nỗ lực nâng chất lượng đào tạo. Các giải pháp quan trọng được thực hiện là đầu tư đội ngũ giảng viên, đầu tư biên soạn chương trình theo hướng tiếp cận kiến thức thế giới, mời các tổ chức kiểm định trong và ngoài nước đánh giá công nhận các ngành đào tạo… Phía cơ quan quản lý là Bộ GD-ĐT cũng có những động thái khuyến khích các trường tự thân nâng cao chất lượng đào tạo, về phía bộ thì tập trung giám sát hoạt động này. Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành hàng loạt chủ trương, chính sách mới như đẩy mạnh tự chủ ĐH, phân tầng ĐH…
Tuy nhiên, bên cạnh dòng chảy chung đó cũng có không ít trường vận hành theo cách làm cũ, vẫn còn tư duy “thí sinh cần trường ĐH chứ trường không cần thí sinh” như thời trước. Ở các nơi này hiện đang còn tình trạng tuyển dụng giảng viên dễ dãi. Nhiều câu chuyện được lan truyền nhiều trong xã hội hiện nay là không ít giảng viên ĐH, CĐ tiến thân từ hệ cử nhân vừa học vừa làm, do không xin được việc nên học tiếp thạc sĩ, tiến sĩ rồi ra làm giảng viên. Hóa ra cử nhân thất nghiệp cứ yên tâm học lên sẽ trở thành giảng viên. Tình trạng tuyển dụng theo “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, tư trí tuệ” cũng không loại trừ trong ngành giáo dục. Một thời, sinh viên của một trường ĐH ở TP.HCM đã đặt tên cho một giảng viên vật lý là “thầy Láp-pờ-la” vì phát âm sai nhà khoa học Laplace (La-pờ-lác) thành Láp-pờ-la!
Cũng liên quan vấn đề chất lượng đào tạo, việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ chạy theo số lượng, thả nổi chất lượng và có hơi hám của đồng tiền là điều xã hội đã và đang lên án, nhất là ở các ngành khoa học xã hội.
Ngoài ra vẫn còn nhiều trường ĐH, CĐ có cơ sở vật chất quá tải và lạc hậu. Chỉ cần dạo một vòng ở TP.HCM sẽ thấy điều này. Nhiều trường không có sân chơi, phải cơi nới thêm tầng nóc làm phòng học, xây nhà để xe nhiều tầng trong khuôn viên khiến môi trường học đường ngột ngạt. Các phòng thực hành, thí nghiệm bị co hẹp, thậm chí biến mất theo số lượng sinh viên tăng lên. Đặc biệt, nhiều thư viện gần như vắng người đọc, nguồn tư liệu không được bổ sung… Chương trình, sách giáo khoa thì lạc hậu, chậm được cải tiến. Giảng viên không đủ năng lực ngoại ngữ là chuyện thường. Bởi vậy kiến thức mới không được cập nhật. Sinh viên bị “nhai lại” các kiến thức cũ kỹ. Ở nước ngoài giảng viên có thói quen yêu cầu sinh viên tham khảo thêm ở thư viện, internet… Còn ở nước ta, sinh viên chỉ học theo sách là đủ, gần đến ngày thi lại được “gà” trước cho vài câu… Với lối dạy và học như vậy, chất lượng ĐH, CĐ thấp là điều không tránh khỏi!
Từ Nguyên Thạch
Bình luận (0)